Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Sự chọn lựa


 


Trong  những tuần gần đây, cụ thể là từ đầu tháng 11 tới nay, cha xứ Phaolo Lưu Văn Phan cứ giảng về sự chọn lựa trong cuộc sống. Nghe cũng hơi nhàm chán, nhưng lần giở lại những bài Tin Mừng, tôi mới nhận ra rằng chủ đề chọn lựa luôn được nhắc tới dưới nhiều khía cạnh. Các nhà tu đức dạy:  chỉ có giây phút hiện tại là thuộc về chúng ta và chính những chọn lựa làm điều tốt hay xấu sẽ quyết định đến phần rỗi của mỗi người.

Sự chọn lựa của người con cái Chúa phải khác với sự chọn lựa của con cái thế gian. Thế gian thường chọn sự dễ dãi cho bản thân, còn người con Chúa phải chọn lựa điều phù hợp với lời dạy của Tin Mừng; thế gian chọn danh lợi thú – là con đường rộng rãi thênh thang – lối đi của số đông nhân loại, nhưng người con cái Chúa chọn con đường hẹp – ít người đi – là vác thập giá mình mà theo Chúa.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã có những chọn lựa thánh thiện trong cuộc sống, nên khi bị thế gian bách hại, các Ngài đã hiến dâng mạng sống để minh chứng niềm tin vào Chúa: Chúa hiện diện, Chúa quyền năng, Chúa yêu thương, Chúa trung tín. Các trinh nữ khôn ngoan đã chọn mang theo dầu, chọn một lối sống phù hợp với Tin Mừng, trong lúc các cô kia lại chọn một lối sống dễ dãi với bản thân.



Ai đó đã nói: thế gian không giết hại Chúa Kito được nữa thì họ quay ra bách hại Giáo hội là hiền thê của Ngài. Điều đó luôn luôn đúng, họ lấy đi mạng sống của một số ít người, nhưng họ thường thực hiện việc bách hại cách tinh vi và không mỏi mệt là bôi nhọ Giáo hội để làm lung lạc tinh thần các Kito hữu. Bạn đừng tưởng ở các nước tây phương thì việc giữ đạo được thoải mái đâu. Mỗi nhà mỗi cảnh, ở đâu cũng có những triết thuyết và những luận điệu được đưa ra nhằm giảm uy tín của Mẹ Giáo Hội, để con cái không còn nghe và yêu mến Mẹ mình nữa. Xin trích một đoạn trong tác phẩm ‘Điều vĩ đại của Kito giáo’: “Ở Tây Phương có rất nhiều Kitô Hữu phóng khoáng. Một số tín hữu ấy tự khoác cho mình một loại sứ vụ đảo ngược: thay vì là các nhà thừa sai của giáo hội cho thế giới, họ trở thành các nhà thừa sai của thế giới cho giáo hội. Họ dành nhiều sức lực để làm cho giáo hội trở nên dân chủ hơn, để bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ, để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và vân vân. Một nhánh nhỏ nhưng có ảnh hưởng của nhóm Kitô Giáo phóng khoáng đã tẩy chay mọi học thuyết cốt yếu của Kitô Giáo”. Dù thế nào đi nữa, Đức Giê su cũng luôn gìn giữ Giáo Hội của Ngài vững bền đến tận thế, vì đó là Hiền thê mà Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng để cứu chuộc.

Người ta xuyên tạc những biến cố lịch sử như thánh chiến, vụ Galileo, tòa thẩm tra Tây Ban Nha, tòa án phù thủy… và hiện đại hơn là vụ lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ, kèm theo nó là tội bao che của một số giám mục. Lập trường của Giáo hội đã rõ ràng: quyết tâm điều chỉnh trong giáo dục để tương lai không còn xảy ra những chuyện như thế, chấp nhận sự thật nếu có những phúc trình cụ thể: cảm thông với các nạn nhân và đền bù thiệt hại theo pháp luật quy định, xin lỗi vì những gương xấu đã xảy ra… thế nhưng truyền thông thế tục và các người công giáo phóng khoáng cứ làm rùm beng mãi cả mấy chục năm nay, để làm giảm uy tín của Giáo hội, để biện minh cho lối sống trần tục của nó, vì tiếng nói của Giáo hội về luân lý và về thiên đàng hỏa ngục làm cho họ nhức óc.

Một trong những lý do chúng ta thường nghe lầm và chọn lầm là vốn liếng giáo lý chúng ta quá ít, cả người lớn và trẻ em ít dùng lý trí để suy nghĩ về những mầu nhiệm trong đạo, không biết lưu trữ những kiến thức thần học mà Chúa gửi đến mình trong cuộc sống. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy sử dụng lý trí của mình để suy tư về những Lời Kinh Thánh, về những mầu nhiệm Kito giáo, về những vấn nạn của kiếp người, vì ai có sẽ được cho thêm. Kiến thức là vốn quý mà ta luôn có thể mang theo bên mình và không ai lấy cắp được, đừng để một ai lung lạc niềm tin của mình bằng những luận điệu lọc lừa.

Ngày Chúa nhật là ngày dành riêng cho Chúa, để học hỏi thêm về giáo lý, để sống với tha nhân và sống với gia đình. Thế nhưng, chúng ta thường ăn cắp của Chúa để lo lắng cho cơm áo gạo tiền, là những thứ chúng ta phải bỏ lại khi đối diện với sự chết. Có câu chuyện kể rằng: có một doanh nhân đi tản bộ và gặp một người ăn xin. Người doanh nhân động lòng thương, ông mở ví để chia sẻ vài đồng bạc cho người khốn khổ kia. Trong ví có 7đ, cả ông và người ăn xin đều biết vậy. Sau khi cho anh kia 6đ, người thương nhân tiếp tục đi dạo. Khi dừng lại ở đèn đỏ chờ qua đường, người ăn xin nãy giờ vẫn theo sát ông mà ông không hay biết, anh ta đánh cắp luôn đồng bạc còn lại của ông. Hãy cố gắng đừng ăn cắp ngày nghỉ ngơi mà Chúa đã thiết lập, ngày này rất hữu ích cho phần rỗi và là dấu chỉ sự nghỉ ngơi vĩnh cửu.

Nguyện xin Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa đến giúp đỡ và làm lụng với con, hầu con biết điều đẹp Thánh Ý. Xin Đức Khôn Ngoan Chúa hướng dẫn con có những chọn lựa tốt đẹp, chọn yêu Chúa hơn là xúc phạm đến Chúa, sống yêu thương tha nhân hơn là hiếu chiến với họ. Và khi giờ từ giã cõi đời, xin cho con được an lòng vì tin tưởng nơi tình thương vô bờ bến của Cha mình.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét