Tin Mừng Thánh Luca kết thúc loạt
bài dài những lời dạy của Chúa với các Ki tô hữu: họ phải công chính hơn các biệt
phái và luật sỹ, đừng khoe khoang khi cầu nguyện - ăn chay- bố thí, đừng xét
đoán và kết án anh em, hãy yêu kẻ thù và tha thứ - cầu nguyện cho kẻ làm hại
mình. Và hôm nay (6, 36-38) như một kết luận: “các con hãy có lòng nhân từ như
Cha anh em là Đấng nhân từ”. Nhân từ được định nghĩa là có lòng thương người và
hiền lành.
Không bao giờ con người hiểu thấu
lòng nhân từ của Thiên Chúa, vì cõi lòng hẹp hòi của phận người. Tin Mừng đưa
ra cho ta một lý lẽ rất đáng thuyết phục: “Người làm mưa và cho mặt trời chiếu
sáng trên kẻ lành người dữ”. Chỉ từng đó thôi, chúng ta đã không hiểu thấu và
thực hành được, vì cái hữu hạn của con người. Thử nghĩ xem: nếu ta có quyền
trên vạn vật, có quyền ban phát ân lộc cho muôn loài thì biết bao xáo trộn và
thiên vị xảy ra ngay, cứ xem các đế chế và quốc gia mạnh luôn cạnh tranh để bá
chủ thiên hạ, họ luôn gây khổ cho những nước yếu bằng sự bóc lột, nô lệ. Bạn thử
nghĩ xem: ân lộc Chúa ban cho ta luôn dồi dào phong phú đến nỗi ta không nghĩ
là ơn – mà chỉ là một sự tự nhiên như: không khí ta thở, mặt trời cứ chiếu sáng, bao
nhiêu quặng mỏ trong lòng đất cho con người hưởng dùng. Đó là sự rộng lượng của
Đấng Toàn năng, con người luôn phải cúi đầu cảm tạ.
Sự hiện diện và bao bọc của Chúa
với cuộc sống từng người và cả thế giới cũng bao trùm ta như không khí vậy,
nhưng mấy khi ta cảm nghiệm được? Hơn bất cứ cha mẹ trần gian nào, Thiên Chúa dẫn
bước tâm linh của mỗi người: ngay cả một ý hướng ngay lành, một sự soi sáng khi
ta đọc một đoạn Kinh Thánh, ơn nâng đỡ khi ta tụ họp với cộng đoàn, ngay cả một
câu chuyện và sự gặp gỡ một ai đó… cũng nằm trong sự an bài lạ lùng của Người.
Trong tác phẩm ‘Tôi dám gọi Người là cha’ có diễn tả cảm nghiệm thiêng liêng của
một người Hồi giáo trở lại Ki tô giáo (Tin Lành) rất sống động. Chị ta được dạy
rằng: nếu cần một sự soi sáng hãy thưa chuyện với Chúa như Cha mình, chị rất
xúc động và cảm nghiệm được tình thương và bao phủ của Chúa, đã rửa tội, chấp
nhận sự tẩy chay của dòng tộc – của cả làng – sự đe dọa bị giết.. Đôi khi,
chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình, Chúa bị nhốt
trong nhà thờ như một người tù, còn mọi lo toan cuộc sống - những đau khổ, bệnh
tật- những lời nói và việc ta làm chẳng liên quan gì đến Chúa cả, nếu như vậy ta
hơi giống người vô thần rồi đó.
Trong cuộc biến hình trên núi, lời
Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người”. Có một
điều quan trọng mà nhiều người giáo dân chưa làm được, là đọc Lời Chúa hằng
ngày. Có nhiều cách đọc: có thể mình đọc theo thứ tự phần Cựu Ước hay Tân Ước,
có thể mình đọc những trang mạng có bài suy niệm Tin Mừng hằng ngày, và tôi
nghĩ cách hay nhất là mình đọc kỹ các bài của ngày lễ hằng ngày – đọc kỹ - ghi
nhớ và thuộc lòng một vài câu quan trọng – từ từ mình sẽ có một số vốn cần thiết
– và những câu Kinh Thánh này sẽ chợt đến với ta trong những tình huống cuộc sống…
đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Hãy chiêm ngắm gương nhân từ của
Chúa Cha, gương hy sinh của Chúa Con và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để có thể tiến
lên từng bước trên con đường yêu thương tha nhân. Đừng ghét bỏ ai cả, tốt hơn
là cầu nguyện cho những người chưa tốt như ta nghĩ. Đừng nghĩ rằng mình bị oan ức và bị mọi người
xử ép để rồi tẩy chay họ khỏi cuộc sống, tốt hơn hãy thay đổi lòng mình – thay đổi
cách suy nghĩ của mình để có thể sống nhân từ hơn với anh em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét