Bài Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa
Chay năm C là dụ ngôn người Cha nhân hậu (Lc 15, 1-3.11-32). Có lẽ đây là một dụ
ngôn hay nhất của Tin Mừng, có thể dựng thành hoạt cảnh tôn giáo. Dụ ngôn này
có nhiều tình tiết thú vị làm chúng ta phải sửng sốt về tình yêu của Thiên Chúa
dành cho từng tâm hồn. Dụ ngôn này rất đúng cho thời Chúa Giê su và còn đúng
cho con người mọi thời. Hãy đọc kỹ bản văn và đặt câu hỏi: Chúa Giê su muốn nói
gì với tôi qua dụ ngôn này?
Chúa Giê su kể dụ ngôn này là để
trả lời cho những người Pha ri sêu và các kinh sư khi họ lẩm bẩm: “ông này đón
tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đón tiếp là nói đến sự tôn trọng, ăn
uống là nói đến sự gần gũi. Chúa Giê su đã nhiều lần tỏ rõ lập trường của Chúa:
Ta đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải (sự thật là tất cả mọi người đều là kẻ tội lỗi), người đau yếu mới cần đến thầy thuốc.
Chúng ta đã ngạc nhiên khi nghe lời
mời gọi của Chúa Giê su: “Các con hãy nhân từ như Cha các con trên trời là Đấng
nhân từ, Người làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành người dữ và làm mưa cho
người công chính và hạng bất lương”, đó là một sự thật xảy ra từ thuở tạo dựng
cho đến hôm nay. Nhưng tình thương đó, khi được diễn tả qua một dụ ngôn với những
tình tiết rất cụ thể, lại làm cho chúng ta ngây ngất về tình thương bao la của
Cha trên trời. Xin Chúa biến đổi lòng con để mỗi ngày con trở nên giống Chúa
hơn về sự nhân từ và tin tưởng hơn vào tình thương xót Chúa dành cho từng tâm hồn.
Tình tiết thứ nhất là Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Hai món quà quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người là tự do và thời gian, ở đây chúng ta chỉ nói về tự do. Một nhà tu đức đã nói: “khi ban cho con người tự do, Thiên Chúa dường như tự trói tay chân mình lại để hạn chế sự can thiệp của mình”. Bạn đã bao giờ cảm thấy buồn khi người con hay người em không nhờ mình giúp một tay vào công việc của nó chưa? – Dù bạn rất muốn giúp, biết rằng sự trợ giúp đó sẽ rất tốt cho vấn đề, nhưng nếu ‘người nhỏ’ không nhờ thì bạn không thể làm gì được, vì tôn trọng tự do của họ. Thiên Chúa cũng buồn lòng như vậy khi con người không cho Chúa can thiệp vào đời mình, khi họ chẳng màng đến cơn khát tình của Chúa. Cánh cửa của họa sĩ Hunt vẽ thiếu tay cầm, vì cánh cửa tâm hồn phải được mở từ bên trong. Người con thứ đòi chia gia tài, rời nhà ra đi, người cha không thể ngăn cản, dù buồn và lo trong lòng. Buồn vì con bất hiếu, buồn vì con không hiểu hết tình thương của mình – không hạnh phúc khi ở lại trong nhà, buồn vì con sẽ khổ và vấp ngã.
Khi người con thứ trở về, dù còn ở rất xa, người cha đã trông thấy, ông chạy ra đón, ôm hôn. Từng ấy chi tiết đã diễn tả sự mòn mỏi mong chờ và chủ động tha thứ - đón con trở về, dù con chưa mở miệng xin lỗi – dù con không xứng đáng. Có một người mẹ, khi nghe tin con mình bị kết án tử, đã tìm đến với nhà vua để xin sự khoan hồng tha thứ; nhà vua trả lời: con bà không đáng được khoan hồng; bà mẹ mới đáp lại: tôi không xin sự công bằng, vì con tôi không xứng đáng, nhưng tôi xin sự thương xót. Câu hội thoại của người con thứ thiếu một câu mà nhiều khi ta không để ý, người cha dường như đã bịt miệng cậu lại để không phải nghe câu đó: “Xin cha xử với con như một người làm công”. Thiên Chúa không muốn một ai trong chúng ta trở thành kẻ làm công, mà là những người con. ‘Làm con cái Thiên Chúa’ làm nên bản chất của người Ki tô hữu, phẩm vị này là một sự tôn vinh cho Thiên Chúa Tình Yêu (Ngài yêu hết mọi người), là căn bản để nhìn nhận mọi người là anh em và bình đẳng với nhau trước mặt Thiên Chúa. Đặc ân được làm con cái Chúa tạo nên niềm vui cho người Kitô hữu, dù tôi tội lỗi - tầm thường - nhỏ bé…thì tôi vẫn hạnh phúc vì được làm con cái Thiên Chúa. Hãy để ý đến vài chi tiết khác: chiếc áo đẹp nhất, nhẫn, dép… đó là những chi tiết phục hồi quyền làm con; con bê béo: các gia nhân đều biết rõ con bê được vỗ béo để dành riêng cho bưã tiệc … Tất cả chi tiết này nói lên sự chuẩn bị từ trước, sự mong chờ, và bây giờ là niềm hạnh phúc vỡ bờ khi người con trở về.
Người anh cả nổi giận và không chịu
vào nhà. Vì sao thế? - Anh ta không muốn nhìn nhận lại người em, anh ta ghen tị
vì sự đón tiếp linh đình của người cha. Thằng em hư hỏng tội lỗi lại làm thịt con bê
béo (con bò con) trong lúc nghiêm túc như mình mà một con dê nhỏ cũng chẳng có,
thật bất công, và tước vị ‘người làm công’ lại được người anh cả thốt ra, thật
đáng buồn. Người cha nói với anh ta: con à, con hằng ở với cha – mọi sự của cha
đều là của con (tình thương) nhưng phải vui mừng vì em con trở về. Thánh Luca kết
thúc ở đó, không biết người anh có vào nhà hay vẫn cứng lòng mãi cho đến hôm
nay? Chúa Giê su đã nói đến nghịch lý này: Ông Gioan đến không ăn không uống
thì các ông bảo ông ta bị quỷ ám, Con Người đến có ăn có uống thì các ngươi lại
bảo hạng ham mê ăn uống… để rồi các ông vẫn không chiu ăn năn hối cải. Khi bị
treo trên thập giá, họ vẫn cứng đầu và khích bác Chúa: nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin.
Ngay trong tâm hồn chúng ta vẫn tồn
tại hình ảnh của cả hai người con. Chúng ta vẫn thường lạm dụng tự do để làm điều
dữ, chiều theo dục vọng - xúc phạm đến lề luật Chúa dạy, chúng ta lần lữa trở về
khi chưa cùng đường. Và có lẽ chúng ta giống với người con cả hơn, vì mình
không xa Giáo hội, không phạm những tội tày trời, không bất lương, nhưng lại
mang tâm trạng coi Chúa là ông chủ còn mình là kẻ làm công, chúng ta thường để ý đến quà tặng hơn là Đấng Tặng Quà. Hãy trở về sống
trong tình nghĩa cha con và anh em với nhau. Hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày vì Con Thiên Chúa đã chết
vì yêu tôi. Hãy rộng lượng với anh em, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi rất nhiều
tội – rất nhiều lần, còn tha mãi cho đến ngày tôi lìa cõi thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét