Ba bài đọc Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay
nói đến một niềm hy vọng về một vùng đất mới và một thực tại đáng mong chờ, đó
là quê trời.
Ông Abraham được Chúa kêu mời rời bỏ
vùng đất cũ đến định cư ở vùng Ca na an. Ông tin vào Lời Chúa hứa và đã lên đường
theo tiếng gọi – dù chưa biết tương lai sẽ đi về đâu, vì thế ông được kể là người
công chính. Về sau, ông còn được Chúa hứa về một dòng dõi đông đúc như sao trên
trời – như cát dưới biển, vậy mà mãi đến già gần 100 tuổi mới có được một mụn
con, Chúa lại còn yêu cầu ông sát tế người con ấy. Abraham không do dự khi đưa
tay giết chết con mình, nhưng rồi Thiên sứ Chúa đã can ngăn giữ tay ông lại.
Ông Abraham được kể là cha của kẻ tin là vậy. Vài chi tiết của bài đọc sách
Sáng Thế làm chúng ta liên tưởng đến cuộc biến hình của Chúa Giê su: vẻ sáng
chói của thân xác Chúa là phản chiếu của đức tin ngời sáng của Con Thiên Chúa khi
sắp trải qua cuộc xuất hành, hầu dẫn đưa một đoàn em đông đúc từ cõi chết về
cõi sống; Chúa Cha xác nhận địa vị và công trình cứu độ Chúa Con sắp thực hiện,
giống như sự xác nhận của Chúa trên các con vật được ông A bra ham sát tế.
Niềm tin vào quê trời mai sau, vào việc có linh hồn bất tử đã dẫn đến 2 thái độ sống khác nhau. Thánh Phao lô nói tới thái độ đáng buồn của một số người sống thù nghịch với thập giá Chúa Ki tô, họ chỉ ham mê những của đời này, chúa tể của họ là cái bụng. Thánh nhân khuyến khích chúng ta hãy bắt chước ngài và những người sống giống như ngài: sống kết hợp với Đức Ki tô, biến đổi nên giống Chúa Ki tô, trong niềm mong chờ quê hương trên trời. Bạn có để ý không, trong bản kinh năm thánh, tuy ngắn gọn mà đã có 3 lần nhắc tới quê trời: “Xin cho ơn đức tin và ngọn lửa đức ái khơi dậy trong chúng con niềm hy vọng hồng phúc hướng về Nước Cha trị đến/ Xin cho những hạt giống Tin Mừng biến đổi từ bên trong nhân loại, trong khi vững lòng mong đợi trời mới đất mới/ Xin cho ân sủng của năm thánh khơi dậy trong chúng con niềm khao khát kho tàng ở trên trời.” Chúng ta là những người lữ hành của hy vọng: với ơn Chúa, chúng ta nỗ lực xây dựng quê hương trần thế, chúng ta nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki tô, nhưng niềm hy vọng ở trần gian chỉ là tương đối. Niềm hy vọng chỉ trọn vẹn khi mỗi người tiến vào nước trời, được chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện. Thánh Phaolô nói với chúng ta: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban tặng trên quê trời.
Chúa Giê su đem theo 3 môn đệ lên
núi, Chúa cầu nguyện và trong lúc cầu nguyện thì dung mạo Chúa biến đổi khác.
Có vài câu hỏi liên quan đến cuộc biến hình: mục đích của việc biến hình là gì?
, có phải Chúa tự làm phép lạ cho mình được sáng chói? , tại sao lại có ông
Moisen và Ê lia? - Nhiều người cho rằng
Chúa biến hình là để củng cố niềm tin các môn đệ vì Chúa sắp trải qua cuộc khổ
nạn trên thập giá. Khi cầu nguyện, Chúa kết hiệp trọn vẹn với ý định cứu độ -
trong tình yêu dâng hiến để cứu chuộc nhân loại, chính sự sáng chói của niềm
tin và lòng mến rực cháy trong lòng đã biến đổi dung mạo Chúa, tựa như dung mạo
sáng chói của ông Moi sen sau mỗi lần đàm đạo với Chúa. Ông Moi sen và ông Elia
là hai nhân vật lớn của Cựu Ước: Ông Moi sen là người dẫn dân riêng Chúa xuất
hành khỏi Ai cập để tiến về đất hứa, là người ký kết giao ước Si nai; còn ông Ê
lia là tiên tri lớn của Chúa, ông đến để chỉnh đốn mọi sự và ông về trời trên một
cỗ xe bằng lửa. Chúa Giê su trổi vượt hơn hai vị của Cựu Ước: Chúa là Con Thiên
Chúa làm người để đưa con cái trở về với Thiên Chúa, Chúa Giê Su đã dâng chính
mình làm của lễ cứu chuộc, ký kết giao ước mới bằng máu châu báu của mình, nhờ
đó con đường về trời đã rộng mở cho mọi người thuộc mọi dân tộc trên trần gian
này.
Chúa biến hình mời gọi mỗi người
chúng ta hãy vâng nghe Lời Con Chúa dạy, đừng sống thù nghịch với thập giá khi
mê say những của cải trần gian mà quên lãng quê trời. Chúng ta là những người lữ
hành hy vọng, chân bước đi trên mặt đất nhưng lòng hướng về quê trời. Chỉ khi gặp
gỡ và tiếp xúc với Chúa, ái mộ những sự trên trời, dung mạo và nếp sống chúng
ta mới rực sáng niềm vui và hạnh phúc là phản ảnh của hạnh phúc thiên đàng. Ước
mong rằng: niềm hy vọng quê trời sẽ chiếm đoạt lòng ta khi trải qua những gian
khổ trần gian, và khi giờ chết đến, niềm mong mỏi quê trời sẽ chiến thắng nỗi đau
và những nỗi sợ khác. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét