Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2025

Chứng nhân cho Thầy

 



Bài Tin Mừng Lc 24, 46-53 nói với chúng ta việc Chúa hiện ra với các tông đồ, soi lòng mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng: Đấng Ki tô phải chịu khổ hình, sống lại, lên trời, phải tin vào Người để được ơn cứu độ. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Giáo hội đã chọn lễ Chúa lên trời là ngày lễ của truyền thông Công giáo, và mỗi năm các ĐGH thường viết một sứ điệp về truyền thông. Sứ điệp truyền thông 59 (2025): Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa (1 Pet 3, 15-16). Chúng ta cùng nhau nói về việc làm chứng và về việc truyền thông.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về việc thao túng truyền thông của những ông chủ công nghệ, dẫn đến sự phân cực về chính trị, luân lý, bóp méo sự thật – kể cả những sự thật về tôn giáo, gây chia rẽ và hận thù, những chủ thuyết thù nghịch tôn giáo. Người ta đang nói nhiều đến AI (trí tuệ nhân tạo): nó chỉ là công cụ thu thập và tổng hợp dữ liệu, tuy vậy ai nắm được nó sẽ bá chủ thế giới, bởi đó các nước lớn đầu tư lớn vào AI như một lợi thế tấn công và răn đe đối thủ khác. Bên đạo chúng ta cũng đang khuyến khích nhau học tập và dùng thử (qua hộp thư gmail) AI, vì nó hỗ trợ trong việc tìm kiếm dữ liệu, soạn bài giảng, giúp xét mình, giúp hòa giải, soạn nhạc, làm phim… Có thể nói, AI thay đổi mỗi giờ và mỗi ngày, không biết nó sẽ dẫn nhân loại đi về đâu, trước mắt con người nhận ra một điều: đầu ra của nhiều ngành đại học là thất nghiệp, vì AI làm tốt hơn: giáo sư đại học, tư vấn, dạy kèm, viết lách… vì nó học cả ngày cả đêm và nó không bao giờ quên như con người.



Trở về với sứ điệp truyền thông năm nay, chúng ta nói đến 3 từ: Hãy chia sẻ- niềm hy vọng- cách hiền hòa. Đừng nghĩ chỉ mấy người thuộc ban truyền thông (chụp hình, viết lách, giảng trên youtube, Tik tok) là làm truyền thông, và truyền thông là một điều cao siêu, xa lạ với giới bình dân. Không phải thế, mỗi lần gặp nhau ta nhìn nhau – cười với nhau- trao đổi một câu và bắt tay nhau đó đã là truyền thông. Khi nói về truyền thông, người ta phân biệt 3 bước: sứ điệp gốc, đường truyền và người nhận. Bởi đó, hãy mau nghe nhưng chậm nói, vì những câu chuyện ta nói với nhau sẽ gây nên sự chia rẽ - chán nản – khích động bạo lực hoặc tạo ra niềm vui – niềm hy vọng, xây dựng cộng đoàn và giúp nhau tiến lên trên đường nhân đức.

Điểm thứ hai là niềm hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta được xây dựng trên Đức Ki tô: Ngài đã chết vì yêu tôi, Ngài đã về trời để mở lối cho tôi. Sống trên trần gian, thời đại nào cũng có những bất ổn về chính trị, chiến tranh, bệnh tật … dẫn đến lo âu và khó giữ được niềm hy vọng. Chúng ta thường nghĩ: thời đại ta đang sống là tệ nhất, hoàn cảnh gia đình mình là tệ nhất, người xấu nhiều hơn người tốt. Để giữ được niềm hy vọng là cả một sự tác động liên tục của ơn thánh và nỗ lực của con người, đích đến của mọi niềm hy vọng là quê hương trên trời (Kinh năm thánh). Xin trích một đoạn trong sứ điệp: “Hy vọng là một nhân đức kín ẩn, bền bỉ và kiên nhẫn. Đối với Kitô hữu, hy vọng không phải là một tuỳ chọn, mà là một điều kiện cần thiết. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Thông điệp Spe Salvi, hy vọng không phải là sự lạc quan thụ động, mà ngược lại, đây là một nhân đức “năng động” có khả năng thay đổi cuộc sống chúng ta: “Người có hy vọng thì sẽ sống khác; người hy vọng được ban tặng món quà là một cuộc sống mới” (số 2).

Hiền hòa. Hiền lành là bình thản chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân. Cần giữ thái độ hiền lành ngay cả khi phải cương quyết bảo vệ đức tin và chân lý. Tiếc thay, trong quá khứ, nhiều lần Giáo Hội đã quên lời dạy của Thầy về đức hiền lành và khiêm tốn (Mt 11,29). (Niềm vui Tin mừng số 73)

Truyền thông cần phải thấm đẫm nét hiền hòa và gần gũi, như một cuộc trò chuyện giữa những người bạn đồng hành trên đường đi. Đây chính là cách mà nhà truyền thông vĩ đại nhất của mọi thời, Chúa Giêsu thành Nadarét, khi đi cùng hai môn đệ thành Emmaus, đã trò chuyện với họ, làm cho lòng họ bừng cháy khi Ngài giải thích các sự kiện dưới ánh sáng của Thánh Kinh. Martin Luther King đã từng nói: “Nếu tôi có thể giúp đỡ ai đó khi đi với họ, nếu tôi có thể làm ai đó vui lên bằng một lời nói hay bài hát... thì đời tôi sẽ chẳng vô ích”.

Nói đến truyền thông là nói đến truyền giáo - truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Nói đến truyền giáo người ta phân làm hai trường hợp: có những người không tin đạo vì chưa được nghe về đạo, nhưng có những người không tin đạo vì họ chứng kiến cuộc sống không tốt của những người có đạo. Đừng nghĩ truyền thông là nói cho lưu loát về đạo mà cốt yếu là một đời sống thánh thiện, bởi đó phải tránh xa một lối sống tầm thường, không có niềm vui và không có niềm hy vọng. Giáo hội dạy ta truyền đạo bằng sự lôi cuốn, bằng đức ái và lòng tốt, bằng sự nhẫn nại chăm sóc tha nhân: cuộc sống đạo tốt là cách truyền thông hiệu quả mà ta không ngờ với sự tác động của Chúa Thánh Thần.

 

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2025

Một ít nữa anh em sẽ lại thấy Thầy

 



Tin Mừng Ga 16, 16 - 23 ghi lại những lời Chúa Giê su nói trong bữa tiệc ly: “ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy và ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy”. Câu nói của Chúa ám chỉ đến việc Ngài sẽ trải qua cái chết và sau 3 ngày sẽ sống lại, nhưng chúng ta có thể hiểu rộng hơn: cuộc sống của người Ki tô hữu trên trần gian dường như không thấy Chúa, nhưng chỉ ít lâu nữa -  khi cuộc sống trần gian kết thúc họ sẽ lại thấy Chúa nhãn tiền.

Chúa còn dùng hình ảnh người phụ nữ sắp sinh con lo âu vì sắp trải qua đau đớn, nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Một tử tù vô thần chờ ngày bị hành quyết, lòng đầy căm phẫn vì bị xã hội ruồng bỏ và không cho anh cơ hội làm lại cuộc đời. Vị linh mục trại giam gặp gỡ anh, nói với anh về Đức Ki tô – vị Cứu tinh của nhân loại, cha kể cho anh về cuộc khổ nạn của Chúa Ki tô: một bản án bất công, nhưng được Ngài ôm ấp từ muôn đời vì đó là giá chuộc cho trần gian, cha đề nghị anh dâng hiến cái chết của mình – hòa với máu cứu độ của Chúa Ki tô… người tử tù như người mù nhìn được ánh sáng, anh hân hoan dâng hiến cái chết vô nghĩa của mình trở nên như một của lễ tình yêu – mang một ý nghĩa cứu độ vì được tháp nhập vào hiến tế của Đấng yêu hết mọi người.

Cuộc sống người Ki tô hữu ở trần gian tràn ngập thập giá và đau khổ và Chúa mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”. Đừng nghĩ rằng: chỉ có người Ki tô hữu là phải vác thập giá và ta cảm thấy thương hại mình và anh em đồng đạo vì phải vác thập giá. Không phải thế, mỗi người trên trần gian đều có thập giá của riêng mình: sống sao cho trọn kiếp người với những bổn phận và tham sân si nơi thân xác mình. Điều khác của người Ki tô hữu so với người ngoại là hai chữ THEO TA: theo cách của Chúa, nên giống như Chúa, vì yêu Chúa và cùng với Chúa. Xét cho cùng, ngày sống của người Ki tô hữu hạnh phúc hơn người không tin Chúa, vì họ hiểu giá trị của những gian lao cuộc đời và có Chúa đồng hành.



Vào tuần thánh năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ánh chính sự đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy” (Tgp. Saigon). Đó cũng là hình ảnh mỗi người chúng ta: bị sốc khi nghe tin dữ, tiếp đến là an bình đón nhận và cuối dùng là tha thiết dâng hiến. Bổn phận của những người còn khỏe mạnh là tìm cách nâng đỡ những ai đang trải qua tình trạng bệnh tật và cô đơn, nay anh mai tôi, chúng ta phải tri ân những người đau khổ vì họ lôi kéo ơn Thánh xuống cho Giáo hội.

Câu nói 'một ít nữa…' còn muốn nói với chúng ta một cuộc trốn tìm giữa Chúa và linh hồn: Có những lúc linh hồn trải qua tuần trăng mật, nhưng lúc khác Chúa lại vắng bóng và một lúc khác Chúa lại ban cho họ niềm an ủi thiêng liêng. Nhiều khi chúng ta nghĩ sai về Chúa rằng Ngài quá nghiêm khắc, đến nỗi khi đọc kinh Lạy Cha ‘ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ đầu chúng ta thường cúi xuống, vì sợ Chúa lại gửi thập giá cho mình (cha Cantalamessa).

Chúng ta thường nghĩ, sống đạo là ta nỗ lực làm gì đó cho Chúa, nhưng đúng hơn là để Chúa thực hiện ý muốn của Người trên chúng ta: xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Mỗi ngày hãy luôn cầu xin cho ý Chúa được thể hiện trong đời mình, trong gia đình mình, trên Giáo xứ và trên toàn vũ trụ … và luôn thưa xin vâng với những điều Chúa cho phép xảy đến. Hãy tin rằng điều đang xảy đến là điều tốt nhất mà Cha nhân lành đã khôn ngoan dự liệu cho chúng ta là con cái Người.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2025

Bình an của Chúa Giê su

 



Chúa Giê su nói : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Chúng ta có thể nhận định ngay rằng: bình an của Chúa Giê su ban cho chúng ta là sự bình an trong tâm hồn, là bình an đích thật và vững bền; còn bình an thế gian ban tặng là bình an nằm trên bình diện vật chất, bất toàn và hữu hạn.

Bình an Chúa ban là niềm hạnh phúc vì được làm con cái Chúa, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự lệ thuộc vào sa tan, được Chúa ở cùng, biết những sự thật về Chúa và về mình. Còn bình an thế gian là được yên ổn, hạnh phúc và sung túc (hưởng thụ). Bình an Chúa ban dựa trên tinh thần tự thoát (khó nghèo vật chất và thiêng liêng để bám chặt vào Chúa), còn bình an thế gian dựa trên sự sở hữu  và tích trữ.

Bình an mà thế gian ban tặng nằm ngay trong lòng mỗi người chúng ta, nên rất dễ hiểu. Tháp nhu cầu Maslow sắp xếp nhu cầu của con người thành 5 bậc từ thấp đến cao: nhu cầu sinh lý (ăn, uống, ngủ, nghỉ, tình dục…), nhu cầu an toàn, nhu cầu có các mối quan hệ tình cảm, nhu cầu được kính trọng, nhu cầu được thể hiện bản thân (Internet). Bình an của thế gian là được yên ổn và thỏa mãn, không gặp những trắc trở và gian lao. Thế nhưng, thứ bình an này rất mong manh: Con người ra sức xây dựng hòa bình nhưng chiến tranh không ngừng xảy ra trên khắp thế giới, từ trong gia đình đến tầm vóc thế giới; con người ra sức tìm kiếm hạnh phúc nơi vật chất nhưng hạnh phúc của họ cũng khó bền lâu… đến nỗi có những triết gia đã phải thốt lên ‘tha nhân là hỏa ngục và cuộc đời đáng ói mửa’. Và thảm kịch sự chết làm cho ‘bình an kiểu thế gian’ như đụng phải một bức tường sắt, vừa lạnh lùng và vừa thất vọng tột cùng. Còn bình an của Chúa Giê su thì rất khác: có Chúa hiện diện và đồng hành. Con người vẫn bình an ngay trong những gian lao vì biết rằng Chúa thương yêu từng người như người Cha vừa uy quyền vừa nhân từ… đến nỗi trí óc con người chỉ hiểu được một phần nào đó.

Xin đừng nghĩ rằng vì Thiên Chúa quyền năng và tốt lành, nên kẻ theo Ngài sẽ không gặp hoạn nạn và những gian lao-hiểu lầm- bệnh tật. Vì nghĩ như vậy, nên có nhiều người đã mất đức tin khi chứng kiến những bất công xảy đến cho những người có đạo, kẻ yếu thế. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Có Thiên Chúa không? Ngài có quyền năng không, Ngài có tình yêu không? Và rồi Thiên Chúa vẫn dường như im lặng! Bức tranh mô tả sự bình an vẽ một thác nước dữ dội, nhưng trong một khe đá có một tàng cây - trên đó chim mẹ đang mớm mồi cho chim con. Đó cũng là hình ảnh minh họa cho bình an mà Chúa hứa ban cho con cái mình. Khi tâm hồn ta gặp xao xuyến, hãy bám chặt vào Chúa Giê su - Đấng đã chiến thắng sa tan - đã phục sinh vinh quang, và hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mọi sự sẽ ổn.


Người Ki tô hữu nhìn thấy sự yêu thương của Chúa ẩn hiện sau màn sương mù đau khổ. Cứ đọc lại Tin Mừng mà xem: Chúa chẳng hứa kẻ theo Ngài sẽ không gặp tai ương khốn khó và chính Chúa đã trải qua một cuộc sống tự hủy từ khi nhập thể đến thập giá, và ngày nay Chúa vẫn âm thầm hiện diện trong Thánh Thể và trong vũ trụ - vì Ngài là Đấng Kín Ẩn. Thánh Phao lô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho kẻ yêu mến Ngài” (Rm 8,28), c
ụm từ này thể hiện niềm tin rằng mọi điều xảy ra trong cuộc sống, kể cả những điều khó khăn, đều có thể được dùng để thúc đẩy sự phát triển và gần gũi hơn với Thiên Chúa. 

Các nhà tu đức dạy ta rằng: Chúa yêu ai thì thường ban đau khổ cho họ được nên giống Ngài. Bởi đó, đau khổ được xem như dấu chỉ được Chúa thương mến, vì chính trong đau khổ con người nhận ra sự yếu đuối mong manh của mình để bám chặt hơn vào Chúa. Các thánh thường trải qua tình trạng khô khan, đan cử như mẹ Tê rê xa Calcutta đã trải qua mấy chục năm trời phải chiến đấu với sự khô hạn thiêng liêng và thánh nữ Tê rê xa Hài Đồng cũng vậy. Các Thánh còn bị hiểu lầm bởi những người của Giáo hội, anh chị em trong dòng, bị bách hại và kỳ thị… đó là chương trình của Chúa để giúp kẻ Chúa yêu trở nên xinh đẹp hơn trên đường nhân đức.

Xin Chúa cho con có được sự bình an của Chúa, ngay giữa cuộc sống bề bộn với mưu sinh, với những cạm bẫy của thế gian, với những cám dỗ mưu tìm sự bình an của thế gian thái quá - mà quên rằng: sự 'bình an của Chúa' chỉ có được khi chúng con biết tín thác hoàn toàn nơi Chúa, như em thơ trong vòng tay mẹ hiền. Xin cho con biết rằng: con chỉ có sự 'bình an của Chúa' khi biết trở nên giống Chúa: từ bỏ con đường tội lỗi, bước theo con đường tự hủy- phục vụ-hiến mình vì anh em-kết hiệp với Thiên Chúa và thi hành Thánh ý Chúa.

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2025

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy

 



Chúa Giê su đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc tuân giữ Lời Chúa. Người nghe và tuân giữ Lời Chúa được ví như kẻ khôn xây nhà trên đá, như hạt giống rơi vào đất tốt và sinh hoa trái dồi dào, và hôm nay Chúa nói: “Nếu anh em tuân giữ Lời Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 10).

Phản nghĩa của ở lại là ‘ra đi’. Kẻ không tuân giữ Lời Chúa là rời xa – ra đi khỏi tình thương của Chúa. Chúng ta liên tưởng đến con cái trong gia đình mình. Đa số con cái chúng ta thường nghe lời cha mẹ bảo ban, chúng sống trong tình thương cha mẹ dành cho chúng và đáp lại tình thương đó bằng một sự gắn bó quan tâm. Có những đứa con ương bướng, không chấp nhận sự ràng buộc và kỷ luật cha mẹ đưa ra, chúng rời xa cha mẹ để tìm kiếm sự tự do và phiêu lưu trên dòng đời, thậm chí cắt đứt liên lạc với cha mẹ như một sự phiền phức và biểu lộ sự ghét bỏ, phản đối. Dĩ nhiên cha mẹ không mấy vui với những đứa con có sự bất hòa với gia đình, và lòng cha mẹ vẫn không ngừng lo lắng cho những đứa con rời xa vòng tay mình: chúng có bằng an và hạnh phúc không, ước gì chúng trở về…

Đó cũng là tâm trạng của Thiên Chúa: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Ma quỷ vẫn luôn rình rập để nói vào tâm trí ta một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: lề luật Chúa cản trở hạnh phúc con người, Thiên Chúa luôn áp đặt lề luật trên tự do của con người, Thiên Chúa ở xa và chẳng biết đến từng phận người, thậm chí Thiên Chúa là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người…  Chúa Giê su đã từng nói: “Hãy bước qua cửa hẹp mà vào nước trời”, và “liệu khi Con Người đến, còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?” Giáo hội và từng tâm hồn luôn bị cám dỗ về niềm tin vào Thiên Chúa. Chúa Giê su đã từng nói với ông Phê rô: “Ma quỷ sàng con như sàng gạo. Phần con, khi trở lại, hãy củng cố đức tin anh em con”.

Ông Phê rô rất tự tin vào tình yêu của mình dành cho Chúa Giê su, thế rồi ông đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình khi chối Thầy vì sợ chết. Ông Phaolo cũng rất tự hào về thế giá của mình (có quốc tịch Roma, là người Biệt Phái, được học hành với ông Gamalien, được nâng lên tầng trời thứ ba, gặt hái nhiều thành công và trải qua nhiều gian truân trong những hành trình truyền giáo), nhưng để tránh cho ông khỏi huênh hoang thì Chúa đã cho ông ‘bị một cái dằm’. Thiên Chúa là nhà giáo dục cần mẫn và tốt lành, Ngài thường dùng những hoàn cảnh để giúp ta vững niềm tin, dạt dào tình mến và bền lòng trông cậy để ta bám chặt hơn vào Chúa. Bởi đó, thay vì than trách vì những gian lao thử thách – những thất bại – những hiểu lầm và coi thường của tha nhân, hãy tập nhìn thấy dấu vết bàn tay Chúa để lại trong cuộc sống hằng ngày. Một vị tu đức nói: bạn là cục đất sét trong bàn tay Chúa, đừng là cục đất sét chai cứng, nhưng hãy là cục đất sét đẫm nước – có khả năng để lại dấu vân tay của Chúa trên đó. Đối với niềm tin vào Chúa, hoặc là bạn tin tất cả - hoặc là bạn không tin gì cả, phần tôi – tôi chọn tin tất cả: Ngài là Đấng tạo dựng trời đất muôn vật, Chúa an bài vận mệnh thế giới, Chúa có một kế hoạch cho cuộc đời mỗi người, và Chúa chăm sóc từng ngày sống của tôi đến từng chi tiết – từng hơi thở. Khi Chúa Giê su nói: ‘hãy trở nên như trẻ nhỏ để được vào nước trời’, Chúa muốn nhấn mạnh đến ý thức phụ thuộc mọi sự vào mẹ cha, không kể công, không có giá trị gì. Chúa muốn ta ý thức sự hư vô bất toàn của mình và hoàn toàn cậy dựa vào Chúa trong mọi sự.




Chúa mong ước từng tâm hồn con cái ở lại trong tình yêu của Ngài, điều đó cũng giống như bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con cái ở lại trong tình thương của gia đình. Tình yêu Chúa trổi vượt về mức độ, khả năng và tầm quan trọng so với cha mẹ trần gian. Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, tình yêu Ngài lại siêu việt đến nỗi trí khôn con người vô phương dò thấu, tình yêu Ngài không loại trừ một ai và mang lại hạnh phúc thật sự - muôn ngàn đời tồn tại. Trong lúc tình yêu cha mẹ trần gian rất hữu hạn và bất toàn. Bản tính tự nhiên của con người là thích ra đi phiêu lưu với những hạnh phúc giả tạo của trần gian, nhưng bản tính của Thiên Chúa lại luôn đi tìm và quy tụ con cái mình về sống trong niềm hạnh phúc thật sự, niềm hạnh phúc mà Con Chúa đã chuộc về bằng giá máu châu báu của Ngài. Và một khi bạn trở lại, hãy củng cố niềm tin của anh em mình bằng gương sáng và lời chứng, để giúp anh em bền vững trong tình yêu Chúa

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2025

Đạo yêu thương

 



Tình yêu thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: "Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!" Những Kitô hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo "đạo yêu thương". Không có tình yêu thương, chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng (ĐGM. Phê rô Nguyễn Văn Khảm).

Không gì quan trọng cho bằng sống hai chữ yêu thương và cũng không có gì khó cho bằng sống hai chữ đó – yêu như Chúa Giê su đã yêu. Hai chữ yêu thương là điều răn chính của đạo, và là ‘đề thi trắc nghiệm’ khi ta đến bên tòa phán xét. Chúa Giê su vừa là Đấng Cứu Chuộc loài người khi sống trọn hai chữ yêu thương và cũng là gương mẫu cho loài người trong việc ‘yêu như Thầy đã yêu’. Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao sống yêu thương lại khó?

Bản tính tự nhiên (bản năng sinh tồn) thúc đẩy con người thu vén cho mình, tranh giành của ăn thức uống và lợi lộc để đảm bảo cho việc tồn tại của mình. Vậy mà Chúa Giê su lại dạy ta phải biết nghĩ đến người khác như là anh em con một Cha trên trời, yêu thương mọi người như người thân cận, yêu cả những người yếu thế và bị bỏ rơi (không có chút lợi lộc gì cho ta). Chúa Cha đã làm gương khi làm ơn cho kẻ lành người dữ, và Chúa Giê su đã hiến thân cho kẻ tội lỗi là chúng ta: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mình vì bạn hữu, Chúa Giê su đã chết cho ta là những kẻ tội lỗi.

Nhà phân tâm học Freud cho rằng libido (khuynh hướng dục tính) chi phối mọi hành vi con người, nhưng sau nầy đồ đệ của ông lại chủ trương rằng: khuynh hướng lớn nhất điều khiển con người là nhu cầu thể hiện. Tôi không đủ kiến thức để phê phán khuynh hướng nào lớn hơn, nhưng chính ‘nhu cầu thể hiện’ được ví như một cơn khát âm ỉ tác động đến tiềm thức con người. Từ bên trong tâm hồn, ai cũng ước ao rằng mình đáng được tôn trọng hơn hơn, mình có khả năng và tài giỏi hơn nhiều người. Còn biểu hiện bên ngoài ư? – Đầy cách: nói to nói nhiều, nói tốt về mình, nói xấu về người, phê phán đủ thứ, tiệc tùng mời quá rình rang phiền phức đến nhiều người, ghen tị vì không được đọc – được hát. Tôi không nói xấu ai đâu, vì tôi cũng vậy thôi mà. Mỗi người phải nhìn sâu vào lòng mình mới thấy được khát vọng nổi tiếng vẫn tồn tại – mãi cho đến giây phút lìa đời, nhiều khi mất đức bác ái và làm trò cười cho thiên hạ.

Chúa Giê su là gương mẫu của tình yêu, Chúng ta học sự trung tín, tha thứ, ban phát, hiến thân, tự hạ từ nơi Thiên Chúa, cách cụ thể nơi Chúa Giê su:

-Một tình yêu tự hạ: Chúa bỏ đi địa vị của một vị Thiên Chúa, sinh làm một em bé yếu đuối cần sự chăm sóc của mẹ cha, cần lớn lên mỗi ngày cả tâm linh và thân xác, làm nghề tay chân để kiếm sống, rao giảng thì bị chê bai và hiểu lầm, bị giết chết như một kẻ thất bại và yếu thế.

-Một tình yêu trao ban, đổ hết máu mình ra vì hạnh phúc của nhân loại, hằng ngày ở lại nơi Thánh Thể để đồng hành với các tâm hồn cho đến tận thế.




Một nhà tu đức đã nói: Nếu dùng đức yêu thương làm thước đo cho bước đường tâm linh của mỗi người thì có thể nói bao lâu còn sống thì chúng ta còn xúc phạm đến anh em. Ngoài những vị thánh rất đặc biệt như mẹ Tê rê xa, đa số chúng ta luôn cảm thấy mình chẳng làm được gì nhiều cho đồng loại, nghèo nàn về thành quả và có thể nghèo nàn cả tình yêu. Dầu vậy, chúng ta cũng phải nỗ lực thanh luyện tâm hồn để loại bớt sự ích kỷ và khuynh hướng thể hiện nơi mình, từ đó chúng ta sẽ đưa ra những cách ứng xử phù hợp với đức yêu thương Chúa dạy.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

Nếu ông là Đấng Ki tô?

 





Chúa Giê su là con người của lịch sử, điều đó đã được ghi lại trong các sách Tân ước, ngoài ra một vài sử gia Do Thái và Ro-ma đương thời cũng ghi lại những dấu vết liên quan đến nhân vật Giê su trong sử liệu của Đế quốc. Câu hỏi: ‘Ông Giê su là ai, có phải là Đấng Cứu độ không’ là một câu hỏi quan trọng – được dân Do Thái và con người mọi thời thắc mắc, vì chính câu trả lời sẽ định đoạt lối sống cho từng người. Bởi đó, trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su luôn tìm cách giúp con người nhận ra sự thật về Ngài.

Ngoài 2 lần được tiếng từ trời xác nhận “Con là Con Ta yêu dấu”, Chúa Giê su luôn tự khẳng định: Ta từ trời mà đến, Ta với Cha là một, Ta không nói hoặc làm gì mà không phải do Cha truyền, các việc Ta làm nhân danh Cha đã làm chứng về Ta. Chúng ta dừng lại ở mệnh đề cuối để ngẫm nghĩ xem những việc đó là việc gì?

Trước hết, đó là những mạc khải về nước trời. Chúa Giê su khẳng định: chỉ có Con Người là Đấng từ trời mà đến, nên biết những chuyện trên trời và dân chúng nhận ra Chúa giảng dạy như kẻ có uy quyền; Chúa thường dùng dụ ngôn để diễn tả những mầu nhiệm nước trời và chỉ có kẻ Cha lôi kéo mới có thể hiểu được, còn kẻ khác lại cười nhạo và bỏ đi. Những phép lạ Chúa làm như: chữa lành bệnh tật, hóa bánh ra nhiều, xua trừ ma quỷ, người nghèo được rao giảng Tin Mừng, người chết sống lại… là để Thiên Chúa được tôn vinh. Khi làm phép lạ ở Ca na, chữa người mù từ khi mới sinh, cho ông Lazaro sống lại, Tin Mừng thường có câu kết: là để Thiên Chúa được tôn vinh (để dân chúng nhận ra Con Người).

Cao điểm nhất là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giê su là một minh chứng của tình yêu Thiên Chúa. Cuộc thương khó của Chúa Giê su đã ‘hoàn tất nhiều Lời Kinh Thánh’ được báo trước trong Cựu Ước, nổi bật nhất là hình ảnh con chiên hiền lành câm lặng bị đem đi xén lông, Người tôi tớ đau khổ gánh lấy tội của muôn người - bị hành hạ đến nỗi không còn hình dạng người, việc sát tế Chiên vượt qua, họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, không một cái xương nào của Ngài bị gãy...

Một nhà tu đức đã nói: Con Thiên Chúa đã đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, chúng ta có thể chia công trình cứu độ làm hai phần: phần chủ động là từ khi nhập thể cho đến hôm tiệc ly, Chúa chủ động rao giảng và chữa lành… và phần thụ động (passif, passio, patient – thụ động, thương khó, bệnh nhân), các động từ đều ở thế thụ động, Chúa bị bắt – bị đánh đòn, bị đóng đinh. Không thể nói phần chủ động hay thụ động quan trọng hơn trong chương trình cứu chuộc, chỉ biết rằng Chúa Giê su yêu thương con người khi ban phát muôn ơn lành hồn xác và ban Lời Hằng sống, và Ngài mang lại ơn giải thoát khi trải qua những cực hình trong niềm tín thác vô biên vào Cha để rồi sống lại vinh quang.



Noi gương Chúa Giê su, cuộc đời mỗi người cũng phải trải qua nhiều gian khổ để học biết lẽ khôn ngoan: mình từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu, sống để làm gì, Đức Giê su là ai – là Thiên Chúa hoặc là con người… Giáo hội dạy ta rằng: Đức Giê su là Thiên Chúa làm người, là căn nguyên ơn cứu rỗi cho kẻ tin vào Ngài. Trong sách Công vụ nói: “Chính tại Antiokia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki tô hữu”. Chữ hữu ở đây không phải là có, mà là bạn cùng chí hướng, Ki tô hữu là bạn của Đức Ki tô (từ điển Công Giáo). Mỗi người chúng ta là bạn của Đức Ki tô, điều đó không mới vì Chúa Giê su đã từng nói: Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, các con là bạn hữu của Thầy vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha thì Thầy đã cho các con biết (Ga 15, 15).

Điều cần ghi nhớ là hãy sống thân tình với người bạn Giê su. Thật hạnh phúc khi được trở thành bạn hữu của Chúa Ki tô, một người Bạn trung thành và tốt lành đến độ hy sinh mạng sống vì ta. Hãy sống tình thân hữu với người Bạn Giê su, đừng chỉ bằng lòng với những lời kinh sáo rỗng và một thánh lễ mỗi tuần; cần phải chuyện trò thường xuyên-đơn giản và thân tình như khi ta nói chuyện với bạn bè, hãy đến thăm Ngài nơi Thánh Thể thường xuyên hơn. Hãy có những thao thức của Bạn Giê su: tìm kiếm ý Thiên Chúa, làm giãn cơn khát tình yêu, cơn khát mọi người được hưởng ơn cứu độ. Đóng góp phần ít ỏi của mình vào chương trình cứu độ, không chỉ bằng những hoạt động nhưng còn bằng những phần bị động: chịu hiểu lầm, bệnh tật, vất vả, nhiều nỗi sợ của kiếp người… được hiến dâng vì tình yêu. Triều đại Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 kéo dài 26 năm, thời gian cuối đời rất bệnh tật nên nhiều người nói về việc từ nhiệm, ngài trả lời: “Chúa Giê su không xuống khỏi thập giá”, ý ngài nói: tôi lãnh đạo Giáo hội bằng đau khổ và bằng ơn Chúa. Tôi còn nhớ ngay trong lễ tang của ngài, dân chúng ở quảng trường Thánh Phê rô hô lớn: “Santa subito” (Phong thánh ngay), ngài nổi tiếng không chỉ vì có nhiều tông huấn quan trọng nhưng còn vì là ‘một con người trải qua nhiều đau khổ: xuất thân từ một Giáo hội đau khổ, bị mổ xẻ nhiều lần và bệnh pakison hành hạ lâu năm, nhiều chỉ trích trong vai trò lãnh đạo Giáo hội... nên tiếng nói của ngài toát lên sức thuyết phục rất lớn.



Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2025

Ta thí mạng sống Ta vì đoàn chiên

 



Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn thôi (Ga 10, 10-18) mà Chúa Giê su đã nhắc lại đến 5 lần điệp khúc ‘Ta thí mạng sống Ta vì đoàn chiên’, như vậy đây là một điều rất quan trọng mà Chúa muốn ta ghi nhớ và tìm hiểu. Chúng ta thử tìm hiểu câu nói trên một cách kỹ lưỡng để nhận ra rằng: mỗi lần Chúa nói một ý khác nhau.

Lần đầu tiên, Chúa giới thiệu: “Người chăn chiên tốt chính là Ta, Ta thí (trao đổi, liều mất) mạng sống vì đoàn chiên, để chiên được sống dồi dào”. Chúa so sánh người chăn chiên xấu và người chăn chiên tốt. Người chăn thuê thì không dám liều chết để bảo vệ mạng sống chiên mà tìm cách thoát thân, lợi dụng đoàn chiên hơn là lo cho chiên được phát triển. Lần thứ hai, Chúa nói: “Như Cha biết Ta và Ta biết Cha và Ta thí mạng sống vì đàn chiên”, Chúa Cha có một kế hoạch cứu độ và Chúa Giê su chấp nhận kế hoạch này vì lòng yêu mến Cha và vì sự cấp thiết của nó: Chúa Giê su phải chết để cứu nhân loại. Lần thứ 3, Chúa nói: “Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là vì Ta thí mạng sống mình để rồi lấy lại”, vì sự vâng phục của Người Con thì Chúa Cha lại yêu mến Con hơn nữa, đặt Ngài làm Đấng Cứu độ và ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Cv 7, 55). Lần thứ tư, Chúa nói: “Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta”. Cái chết thập giá không phải là kết quả của mưu đồ chính trị và là sự xui xẻo của những tình huống không lường trước (ngoài tầm kiểm soát), nhưng là sự dâng hiến chủ động của Con Thiên Chúa. Lần thứ 5, Chúa nói: “Ta có quyền thí mạng sống Ta”, Lm. Nguyễn Thế Thuấn chú giải: Chúa Ki tô có trong mình sự sống Cha đã thông cho, Ngài được xử lý theo ý định Cha, một cách hoàn toàn tự do.

Chúa Nhật 4 PS được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Giáo hội dành để cầu nguyện cho ơn Thiên triệu linh mục và tu sĩ, là những người dâng hiến đời mình để phục vụ giáo hội và nhân loại. Những người theo đuổi ơn Thiên triệu linh mục và tu sĩ được mời gọi sống theo gương Chúa Giê su, người mục tử nhân lành, Đấng yêu mến Chúa Cha nên đến để thi hành ý muốn Cha, dâng hiến đời mình để đàn chiên (dân Chúa) được sống dồi dào. Một nhà tu đức đã phân tích: khát vọng của ‘con tim hoàn toàn thuộc trọn về Chúa’ được thể hiện qua lý tưởng tử đạo và tu trì, nhưng lý tưởng này chỉ dành cho một số người, còn đa số người giáo dân được Chúa mời gọi bước vào sự từ bỏ thụ động khi họ già đi như một tu viện: họ bị tước bỏ đi những nhu cầu tình dục, sức khỏe giảm sút - sở hữu cạn kiệt...đến độ tùy thuộc mọi sự nơi con cháu hoặc xã hội, họ trở nên tự do (không bị ràng buộc) để có thể dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa – cả mạng sống và cả cái chết.


                                                    

Con đường tu trì không bao giờ là con đường dễ dàng và nhẹ nhàng, và thực ra chẳng có gánh nặng nào là nhẹ - với thời gian. Hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục và tu sĩ, là những người đầu tàu trong các sinh hoạt Giáo xứ, là những vị đứng mũi chịu sào trong những phong trào kỳ thị và bách hại tôn giáo vẫn xảy ra hằng ngày khắp nơi trên thế giới. Đừng có thói quen xoi mói các linh mục và tu sĩ, vì như vậy thì có ai dám đi tu. Đừng đòi hỏi quá cao: các vị phải là gương mẫu trong các nhân đức và hoạt động, trong lúc mình là giáo dân thì lại ù lỳ và không có tinh thần cộng tác. Dù sao thì các linh mục và tu sĩ là những ánh sao lấp lánh trên bầu trời, là chứng nhân cho sự hiện diện của nước trời mai sau, vì nếu không tin rằng có nước trời mai sau, thì ai dám từ bỏ - đi ngược dòng đời và theo đuổi một Đấng vô hình như các Ngài? Chỉ cần các linh mục vắng nhà một tuần thôi, đời sống đạo của một giáo xứ đã rời rạc rồi. Tạ ơn Chúa vì các linh mục và tu sĩ vẫn hiện diện mỗi ngày bên cạnh chúng con, thật ấm lòng. Amen   



Thứ Ba, 6 tháng 5, 2025

Ta là bánh trường sinh

 



Thánh Gioan dành cả chương 6 để nói về Bánh trường sinh. Mở đầu với sự kiện Chúa Giê su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5.000 người ăn no, sau đó Chúa truyền cho các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia, hôm sau dân chúng đi tìm Chúa và gặp Ngài ở Capharnaum và Chúa nói với họ: các ngươi tìm Ta không vì dấu lạ mà vì được ăn bánh no nê, hãy tìm kiếm của ăn không hư nát: tin vào Con Người để được sống muôn đời, phần kết của diễn từ về Bánh Hằng sống là nhiều người bỏ đi vì họ thấy Lời Chúa quá chướng tai, và Thánh Phê rô tuyên tín: “Bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai vì Thầy có những lời ban lại sự sống đời đời”.

Những lời Chúa nói về Bánh trường sinh được hiểu một cách rõ ràng về bí tích Thánh Thể, là lương thực nuôi sống linh hồn Ki tô hữu. Nhưng chúng ta phải hiểu bánh trường sinh trong một chiều kích rộng lớn hơn: Chúa Giê su là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai tin nhận Ngài thì được sống muôn đời; Toàn bộ con người Chúa Giê su (nhập thể, cuộc sống ẩn dật, lời rao giảng, việc tử nạn - phục sinh) là ‘Bánh trường sinh’ nuôi sống nhân loại, mọi việc Chúa làm có giá trị cứu rỗi cho trần gian vì là của Con Thiên Chúa.

Khi mới bước vào lãnh vực truyền thông Ki tô giáo, có anh bạn chia sẻ về kỹ thuật viết bài như sau: “một bài viết hay phải có dàn bài ảo trong dàn bài thực”. Anh bạn đó chỉ ghi nhớ và truyền đạt lại lời anh nghe được từ Đức cha Vinh sơn, chính anh cũng không thể cắt nghĩa và không viết mẫu được. Thế nhưng đến hôm nay, khi đọc lại Tin Mừng Gioan, tôi khám phá ra thánh nhân đã thực hành kỹ thuật này từ xưa rồi và viết rất tuyệt hảo, ví dụ  khi nói về việc tái sinh ở chương 3, nước hằng sống ở chương 4 và Bánh hằng sống ở chương 6... Chúng ta cùng khám phá những tình tiết ở chương 6 này, ‘dàn bài ảo và dàn bài thực’ tương ứng với nhau và quyện vào nhau - tựa dòng nhạc 2 bè của bản tình ca: dân Do Thái đi bè trầm - những thực tại thuộc về đất (dàn bài thực); còn Chúa Giê su đi bè cao - nói về những thực tại cao siêu trên trời (dàn bài ảo). Cơn đói của đám đông khiến Chúa chạnh lòng thương nên đã làm phép lạ cho trên 5.000 người được no thỏa; nhân loại lầm than đói khát chân lý và tình thương và Chúa Cha đã ban cho họ Người Con yêu dấu, Đấng đến để ban cho họ lời hằng sống và máu cứu độ. Dân chúng đổ xô tìm kiếm Chúa, không vì tin vào dấu lạ của Lời Chúa dạy, nhưng vì để được no nê bánh vật chất; trong lúc Chúa mời gọi hãy tin vào Ngài là Bánh trường sinh đem lại sự sống muôn đời. Dân chúng chỉ nhìn Chúa bằng nhãn quan trần thế, là con ông Giu se và là một người làng Nagiaret; Chúa lại tự giới thiệu: Ta là Đấng từ trời mà đến để thực hiện công trình cứu độ và sẽ trở về trời là nơi mình đã phát xuất. Dân chúng nói tới man na là bánh từ trời xuống mà cha ông họ đã ăn và đã chết (phần xác); còn Chúa Giê su lại nói rằng chỉ có Ngài là Bánh đích thực từ trời xuống, ai ăn thì không bao giờ phải chết (phần hồn)… Đến đây thì bản song ca đã đến hồi kết, bánh Trường sinh đòi phải có sự chọn lựa: tin hay không tin.



Nếu bạn và tôi có mặt trong cử tọa hôm ấy, có lẽ chúng ta cũng bỏ đi như nhiều môn đệ, vì Chúa mạc khải những thực tại cao siêu về nguồn gốc thần linh của mình, trong lúc đám đông đối chiếu những lời đó với thân thế và nguồn gốc nhân loại của Chúa mà họ biết rõ … nên  họ thấy lời Chúa nói thật chói tai và sống sượng. Thế nhưng, sau 2000 năm, chúng ta hiểu biết lịch sử cứu độ và được Chúa Thánh Thần soi dẫn, chúng ta muốn tuyên xưng như Thánh Phê rô: “Lạy Thầy, bỏ Ngài chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.

 

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025

Thầy biết con yêu mến Thầy

 



Trong Tin Mừng ông Phê rô được nhắc đến nhiều lần: ông là một trong 3 môn đệ thân tín được chứng kiến những sự kiện quan trọng của Chúa, ông thay mặt anh em để tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki tô, Con Thiên Chúa Hằng sống”, ông đã thề chết để bảo vệ Chúa, đã theo Chúa vào dinh Cai pha và chối Chúa 3 lần, vào buổi sáng Phục sinh ông đã chạy đến mộ Chúa và chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống. Đoạn Tin Mừng Ga 21, 15 -19 là một đoạn Tin Mừng đặc biệt nói về ông Phê rô, qua đó nói về phẩm chất người lãnh đạo Giáo hội.

Câu hỏi đầu tiên ‘con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?’ là một câu hỏi đặc biệt hơn, vì hai lần kia Chúa chỉ hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” Chúng ta dừng lại ở câu hỏi đầu tiên để thấy rằng: Chúa đòi hỏi ông Phê rô phải đặt tình yêu Chúa trên mọi sự và và trên mọi người. Điều giáo lý căn bản này đã được các môn đệ trả lời với các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”. Tình yêu Chúa phải nằm ở vị trí cao nhất và là nguồn mạch cho các mối quan hệ tình yêu nhân loại. Có người bảo: Chúa Giê su yêu nhân loại đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá, điều đó đúng, nhưng trước hết và cao hơn hết, Chúa Giê su yêu Chúa Cha nên đã vâng lời Chúa Cha trong chương trình cứu độ nhân loại. Các Ki tô hữu cũng như vậy, họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng mọi loài và an bài mọi sự, nên họ kính mến Chúa trên hết mọi loài và hơn mọi người – kể cả cha mẹ, ân nhân, vua chúa, vợ chồng và con cái… Và chính vì không ‘sùng bái’ cá nhân mà biết bao cuộc bách hại tôn giáo đã xảy ra. Tình yêu Chúa là nguồn mạch phát sinh và là khuôn mẫu cho tình yêu nhân loại: mọi người trên trần gian là anh em vì có chung một người Cha trên trời, tri ân cha mẹ là người cộng tác với Chúa để sinh thành và dưỡng dục ta, vợ chồng yêu thương và vâng phục nhau theo mẫu gương Chúa Ki tô hiến mình vì Hội Thánh. Con người học nơi Thiên Chúa sự trung tín, sự tha thứ, sự trao ban quảng đại, lòng thương xót...

Trong đời sống đạo, chúng ta dễ hiểu sai câu hỏi của Chúa Giê su “con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” như một sự so sánh: ông Phê rô, để được đặt làm người lãnh đạo, phải yêu Chúa nhiều hơn các tông đồ khác. Người lãnh đạo Giáo hội không phải là người tốt nhất, giỏi nhất, tin mạnh nhất và yêu Chúa nhiều nhất… Sự so sánh của con người luôn khập khiễng, nhất là về những thực tại thiêng liêng và trừu tượng, đàng khác sự so sánh thường đưa đến sự ghen tị và kiêu ngạo hơn là giúp ta thăng tiến hơn trên đường nhân đức, vì thế chúng ta nên loại trừ sự so sánh trong đời sống đạo: ai phục vụ nhiều hơn, ai đáng được lên thiên đàng, ai đạo đức hơn… Một nhà tu đức đã nói: sự khiêm tốn là điều ta phải thường xuyên cầu xin, nhưng đừng bao giờ tạ ơn vì có nó. Câu chuyện người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện đã nói lên chân lý đó.  Báo chí có nhiều bài viết về Đức Phan xi cô để nêu lên những gương sáng của ngài, tôi ghi nhớ một vài chi tiết và câu chuyện về ngài: Khi được bầu làm Giáo hoàng, trước khi ban phép lành đầu tiên, ngài đã xin mọi người cầu nguyện cho mình; câu nói nổi tiếng: tôi là một tội nhân; cử chỉ đáng nhớ: rửa chân và hôn chân các tù nhân; lời khuyên cho các gia đình: hãy luôn dùng 3 từ xin phép- xin lỗi-cảm ơn; bát đĩa có thể bay nhưng đừng để cơn giận qua đêm; ngài luôn gần gũi với người nghèo và dạy: khi giúp đỡ người nghèo nên đụng chạm và nhìn vào mắt họ, mỉm cười với họ - họ hiểu dù thuộc ngôn ngữ khác.



Có câu chuyện kể: Một người nọ trong giấc ngủ mơ mình đứng trước một tòa lâu đài, có hai cánh cổng –cánh cửa bên phải dành cho người có đức tin mạnh mẽ- còn bên kia là người đức tin hời hợt – anh ta đẩy cửa bước vào cánh cửa bên phải; đi tiếp thì lại có hai cánh cổng: bên phải dành cho người sống đức tin tích cực – còn bên kia dành cho người sống hời hợt, anh chọn cánh cổng bên phải và đi tiếp; lần nữa lại có hai cánh cổng: bên phải dành cho người sống bác ái và trung thành với Giáo hội còn cánh cửa bên kia dành cho người không quan tâm nhiều đến Giáo hội và công việc bác ái và anh ta lại chọn cánh cửa bên phải, anh đi tiếp và bỗng con đường dẫn anh đến một khoảng trống vô định và một lò lửa khổng lồ ở bên dưới… anh toát mồ hôi và tỉnh giấc. Thế đó, lòng kiêu ngạo dễ dẫn ta đến hỏa ngục. Dù bạn tham gia phục vụ Giáo xứ nhiều năm trời, dù bạn tham gia nhiều đoàn thể đạo đức, dù bạn chọn con đường tu trì, làm việc bác ái nhiều và đọc kinh nhiều… mà không có lòng mến Chúa, chỉ làm vì hư danh thì coi chừng vô ích. Mọi sự ta có là ân huệ Chúa ban, kể cả hạnh phúc thiên đàng. Đừng nghĩ những ân lộc ta có như tài năng, của cải, sự tôn trọng của tha nhân, niềm vui và sự bình an trong cuộc sống … là do đạo đức của mình và Chúa ban cho vì mình xứng đáng, nếu bạn tin như vậy thì đã cướp mất vinh quang của Thiên Chúa rồi đó.

Câu trả lời của Thánh Phê rô làm chúng ta cảm động: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Câu nói này biểu lộ một sự yếu hèn của phàm nhân dễ sa ngã và sự thông biết mọi sự của Thiên Chúa. Chính sự xác tín rằng ‘Chúa thấu biết mọi sự’ đã dẫn đến một sự bằng an trong tâm hồn ta: dù cho người đời vu oan giáng họa, lòng tôi vẫn an tâm, vì có Chúa biết và Chúa lo liệu; vì Chúa thấu suốt mọi sự nên ta phải giữ tâm hồn được trong sạch khỏi những mưu toan gian ác và ghen ghét trả thù. Lòng yêu mến phải biểu lộ trong hành động: siêng năng đến nhà thờ và cầu nguyện để biểu lộ tình yêu với Chúa; yêu người cũng phải biểu lộ bằng sự gần gũi và chăm sóc nhau. Thánh Gioan tông đồ nhắc: anh em đừng yêu bằng đầu môi chóp lưỡi, hãy cho kẻ đang đói những nhu cầu thiết yếu họ đang cần – thay vì chỉ nói: chúc anh được bình an.