Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

Nếu ông là Đấng Ki tô?

 





Chúa Giê su là con người của lịch sử, điều đó đã được ghi lại trong các sách Tân ước, ngoài ra một vài sử gia Do Thái và Ro-ma đương thời cũng ghi lại những dấu vết liên quan đến nhân vật Giê su trong sử liệu của Đế quốc. Câu hỏi: ‘Ông Giê su là ai, có phải là Đấng Cứu độ không’ là một câu hỏi quan trọng – được dân Do Thái và con người mọi thời thắc mắc, vì chính câu trả lời sẽ định đoạt lối sống cho từng người. Bởi đó, trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su luôn tìm cách giúp con người nhận ra sự thật về Ngài.

Ngoài 2 lần được tiếng từ trời xác nhận “Con là Con Ta yêu dấu”, Chúa Giê su luôn tự khẳng định: Ta từ trời mà đến, Ta với Cha là một, Ta không nói hoặc làm gì mà không phải do Cha truyền, các việc Ta làm nhân danh Cha đã làm chứng về Ta. Chúng ta dừng lại ở mệnh đề cuối để ngẫm nghĩ xem những việc đó là việc gì?

Trước hết, đó là những mạc khải về nước trời. Chúa Giê su khẳng định: chỉ có Con Người là Đấng từ trời mà đến, nên biết những chuyện trên trời và dân chúng nhận ra Chúa giảng dạy như kẻ có uy quyền; Chúa thường dùng dụ ngôn để diễn tả những mầu nhiệm nước trời và chỉ có kẻ Cha lôi kéo mới có thể hiểu được, còn kẻ khác lại cười nhạo và bỏ đi. Những phép lạ Chúa làm như: chữa lành bệnh tật, hóa bánh ra nhiều, xua trừ ma quỷ, người nghèo được rao giảng Tin Mừng, người chết sống lại… là để Thiên Chúa được tôn vinh. Khi làm phép lạ ở Ca na, chữa người mù từ khi mới sinh, cho ông Lazaro sống lại, Tin Mừng thường có câu kết: là để Thiên Chúa được tôn vinh (để dân chúng nhận ra Con Người).

Cao điểm nhất là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giê su là một minh chứng của tình yêu Thiên Chúa. Cuộc thương khó của Chúa Giê su đã ‘hoàn tất nhiều Lời Kinh Thánh’ được báo trước trong Cựu Ước, nổi bật nhất là hình ảnh con chiên hiền lành câm lặng bị đem đi xén lông, Người tôi tớ đau khổ gánh lấy tội của muôn người - bị hành hạ đến nỗi không còn hình dạng người, việc sát tế Chiên vượt qua, họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, không một cái xương nào của Ngài bị gãy...

Một nhà tu đức đã nói: Con Thiên Chúa đã đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, chúng ta có thể chia công trình cứu độ làm hai phần: phần chủ động là từ khi nhập thể cho đến hôm tiệc ly, Chúa chủ động rao giảng và chữa lành… và phần thụ động (passif, passio, patient – thụ động, thương khó, bệnh nhân), các động từ đều ở thế thụ động, Chúa bị bắt – bị đánh đòn, bị đóng đinh. Không thể nói phần chủ động hay thụ động quan trọng hơn trong chương trình cứu chuộc, chỉ biết rằng Chúa Giê su yêu thương con người khi ban phát muôn ơn lành hồn xác và ban Lời Hằng sống, và Ngài mang lại ơn giải thoát khi trải qua những cực hình trong niềm tín thác vô biên vào Cha để rồi sống lại vinh quang.



Noi gương Chúa Giê su, cuộc đời mỗi người cũng phải trải qua nhiều gian khổ để học biết lẽ khôn ngoan: mình từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu, sống để làm gì, Đức Giê su là ai – là Thiên Chúa hoặc là con người… Giáo hội dạy ta rằng: Đức Giê su là Thiên Chúa làm người, là căn nguyên ơn cứu rỗi cho kẻ tin vào Ngài. Trong sách Công vụ nói: “Chính tại Antiokia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki tô hữu”. Chữ hữu ở đây không phải là có, mà là bạn cùng chí hướng, Ki tô hữu là bạn của Đức Ki tô (từ điển Công Giáo). Mỗi người chúng ta là bạn của Đức Ki tô, điều đó không mới vì Chúa Giê su đã từng nói: Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, các con là bạn hữu của Thầy vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha thì Thầy đã cho các con biết (Ga 15, 15).

Điều cần ghi nhớ là hãy sống thân tình với người bạn Giê su. Thật hạnh phúc khi được trở thành bạn hữu của Chúa Ki tô, một người Bạn trung thành và tốt lành đến độ hy sinh mạng sống vì ta. Hãy sống tình thân hữu với người Bạn Giê su, đừng chỉ bằng lòng với những lời kinh sáo rỗng và một thánh lễ mỗi tuần; cần phải chuyện trò thường xuyên-đơn giản và thân tình như khi ta nói chuyện với bạn bè, hãy đến thăm Ngài nơi Thánh Thể thường xuyên hơn. Hãy có những thao thức của Bạn Giê su: tìm kiếm ý Thiên Chúa, làm giãn cơn khát tình yêu, cơn khát mọi người được hưởng ơn cứu độ. Đóng góp phần ít ỏi của mình vào chương trình cứu độ, không chỉ bằng những hoạt động nhưng còn bằng những phần bị động: chịu hiểu lầm, bệnh tật, vất vả, nhiều nỗi sợ của kiếp người… được hiến dâng vì tình yêu. Triều đại Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 kéo dài 26 năm, thời gian cuối đời rất bệnh tật nên nhiều người nói về việc từ nhiệm, ngài trả lời: “Chúa Giê su không xuống khỏi thập giá”, ý ngài nói: tôi lãnh đạo Giáo hội bằng đau khổ và bằng ơn Chúa. Tôi còn nhớ ngay trong lễ tang của ngài, dân chúng ở quảng trường Thánh Phê rô hô lớn: “Santa subito” (Phong thánh ngay), ngài nổi tiếng không chỉ vì có nhiều tông huấn quan trọng nhưng còn vì là ‘một con người trải qua nhiều đau khổ: xuất thân từ một Giáo hội đau khổ, bị mổ xẻ nhiều lần và bệnh pakison hành hạ lâu năm, nhiều chỉ trích trong vai trò lãnh đạo Giáo hội... nên tiếng nói của ngài toát lên sức thuyết phục rất lớn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét