Tình yêu
thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: "Xem kìa, họ
yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!" Những Kitô
hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo "đạo yêu
thương". Không có tình yêu thương, chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ Ðức
Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng (ĐGM. Phê rô Nguyễn Văn Khảm).
Không gì quan trọng cho bằng sống hai chữ yêu thương và
cũng không có gì khó cho bằng sống hai chữ đó – yêu như Chúa Giê su đã yêu. Hai chữ yêu thương
là điều răn chính của đạo, và là ‘đề thi trắc nghiệm’ khi ta đến bên tòa phán
xét. Chúa Giê su vừa là Đấng Cứu Chuộc loài người khi sống trọn hai chữ yêu
thương và cũng là gương mẫu cho loài người trong việc ‘yêu như Thầy đã yêu’.
Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao sống yêu thương lại khó?
Bản tính tự nhiên (bản năng sinh tồn) thúc đẩy con người
thu vén cho mình, tranh giành của ăn thức uống và lợi lộc để đảm bảo cho việc tồn
tại của mình. Vậy mà Chúa Giê su lại dạy ta phải biết nghĩ đến người khác như là
anh em con một Cha trên trời, yêu thương mọi người như người thân cận, yêu cả
những người yếu thế và bị bỏ rơi (không có chút lợi lộc gì cho ta). Chúa Cha đã
làm gương khi làm ơn cho kẻ lành người dữ, và Chúa Giê su đã hiến thân cho kẻ tội
lỗi là chúng ta: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mình vì bạn
hữu, Chúa Giê su đã chết cho ta là những kẻ tội lỗi.
Nhà phân tâm học Freud cho rằng libido (khuynh hướng dục
tính) chi phối mọi hành vi con người, nhưng sau nầy đồ đệ của ông lại chủ
trương rằng: khuynh hướng lớn nhất điều khiển con người là nhu cầu thể hiện.
Tôi không đủ kiến thức để phê phán khuynh hướng nào lớn hơn, nhưng chính ‘nhu cầu
thể hiện’ được ví như một cơn khát âm ỉ tác động đến tiềm thức con người. Từ
bên trong tâm hồn, ai cũng ước ao rằng mình đáng được tôn trọng hơn hơn, mình
có khả năng và tài giỏi hơn nhiều người. Còn biểu hiện bên ngoài ư? – Đầy cách: nói to nói
nhiều, nói tốt về mình, nói xấu về người, phê phán đủ thứ, tiệc tùng mời quá rình
rang phiền phức đến nhiều người, ghen tị vì không được đọc – được hát. Tôi
không nói xấu ai đâu, vì tôi cũng vậy thôi mà. Mỗi người phải nhìn sâu vào lòng
mình mới thấy được khát vọng nổi tiếng vẫn tồn tại – mãi cho đến giây phút lìa
đời, nhiều khi mất đức bác ái và làm trò cười cho thiên hạ.
Chúa Giê su là gương mẫu của tình yêu, Chúng ta học sự
trung tín, tha thứ, ban phát, hiến thân, tự hạ từ nơi Thiên Chúa, cách cụ thể
nơi Chúa Giê su:
-Một tình yêu tự hạ: Chúa bỏ đi địa vị của một vị Thiên
Chúa, sinh làm một em bé yếu đuối cần sự chăm sóc của mẹ cha, cần lớn lên mỗi
ngày cả tâm linh và thân xác, làm nghề tay chân để kiếm sống, rao giảng thì bị
chê bai và hiểu lầm, bị giết chết như một kẻ thất bại và yếu thế.
-Một tình yêu trao ban, đổ hết máu mình ra vì hạnh phúc của nhân loại,
hằng ngày ở lại nơi Thánh Thể để đồng hành với các tâm hồn cho đến tận thế.
Một nhà tu đức đã nói: Nếu dùng đức yêu thương làm thước đo
cho bước đường tâm linh của mỗi người thì có thể nói bao lâu còn sống thì chúng
ta còn xúc phạm đến anh em. Ngoài những vị thánh rất đặc biệt như mẹ Tê rê xa,
đa số chúng ta luôn cảm thấy mình chẳng làm được gì nhiều cho đồng loại, nghèo nàn
về thành quả và có thể nghèo nàn cả tình yêu. Dầu vậy, chúng ta cũng phải nỗ lực
thanh luyện tâm hồn để loại bớt sự ích kỷ và khuynh hướng thể hiện nơi mình, từ
đó chúng ta sẽ đưa ra những cách ứng xử phù hợp với đức yêu thương Chúa dạy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét