Chúa
Giê su nói : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không
theo kiểu thế gian”. Chúng ta có thể nhận định ngay rằng: bình an của Chúa Giê
su ban cho chúng ta là sự bình an trong tâm hồn, là bình an đích thật và vững bền;
còn bình an thế gian ban tặng là bình an nằm trên bình diện vật chất, bất toàn
và hữu hạn.
Bình
an Chúa ban là niềm hạnh phúc vì được làm con cái Chúa, được giải thoát khỏi
ách nô lệ tội lỗi và sự lệ thuộc vào sa tan, được Chúa ở cùng, biết những sự thật về Chúa và về mình. Còn bình an thế gian là được yên ổn, hạnh phúc và sung túc
(hưởng thụ). Bình an Chúa ban dựa trên tinh thần tự thoát (khó nghèo vật chất
và thiêng liêng để bám chặt vào Chúa), còn bình an thế gian dựa trên sự sở hữu và tích trữ.
Bình
an mà thế gian ban tặng nằm ngay trong lòng mỗi người chúng ta, nên rất dễ hiểu.
Tháp nhu cầu Maslow sắp xếp nhu cầu của con người thành 5 bậc từ thấp đến cao:
nhu cầu sinh lý (ăn, uống, ngủ, nghỉ, tình dục…), nhu cầu an toàn, nhu cầu
có các mối quan hệ tình cảm, nhu cầu được kính trọng, nhu cầu được thể hiện bản
thân (Internet). Bình an của thế gian là được yên ổn và thỏa mãn, không gặp những
trắc trở và gian lao. Thế nhưng, thứ bình an này rất mong manh: Con người ra sức
xây dựng hòa bình nhưng chiến tranh không ngừng xảy ra trên khắp thế giới, từ
trong gia đình đến tầm vóc thế giới; con người ra sức tìm kiếm hạnh phúc nơi vật
chất nhưng hạnh phúc của họ cũng khó bền lâu… đến nỗi có những triết gia đã phải
thốt lên ‘tha nhân là hỏa ngục và cuộc đời đáng ói mửa’. Và thảm kịch sự chết
làm cho ‘bình an kiểu thế gian’ như đụng phải một bức tường sắt, vừa lạnh lùng
và vừa thất vọng tột cùng. Còn bình an của Chúa Giê su thì rất khác: có Chúa hiện
diện và đồng hành. Con người vẫn bình an ngay trong những gian lao vì biết rằng
Chúa thương yêu từng người như người Cha vừa uy quyền vừa nhân từ… đến nỗi trí
óc con người chỉ hiểu được một phần nào đó.
Xin đừng nghĩ rằng vì Thiên Chúa quyền năng và tốt lành, nên kẻ theo Ngài sẽ không gặp hoạn nạn và những gian lao-hiểu lầm- bệnh tật. Vì nghĩ như vậy, nên có nhiều người đã mất đức tin khi chứng kiến những bất công xảy đến cho những người có đạo, kẻ yếu thế. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Có Thiên Chúa không? Ngài có quyền năng không, Ngài có tình yêu không? Và rồi Thiên Chúa vẫn dường như im lặng! Bức tranh mô tả sự bình an vẽ một thác nước dữ dội, nhưng trong một khe đá có một tàng cây - trên đó chim mẹ đang mớm mồi cho chim con. Đó cũng là hình ảnh minh họa cho bình an mà Chúa hứa ban cho con cái mình. Khi tâm hồn ta gặp xao xuyến, hãy bám chặt vào Chúa Giê su - Đấng đã chiến thắng sa tan - đã phục sinh vinh quang, và hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mọi sự sẽ ổn.
Các
nhà tu đức dạy ta rằng: Chúa yêu ai thì thường ban đau khổ cho họ được nên giống
Ngài. Bởi đó, đau khổ được xem như dấu chỉ được Chúa thương mến, vì chính trong
đau khổ con người nhận ra sự yếu đuối mong manh của mình để bám chặt hơn vào
Chúa. Các thánh thường trải qua tình trạng khô khan, đan cử như mẹ Tê rê xa Calcutta
đã trải qua mấy chục năm trời phải chiến đấu với sự khô hạn thiêng liêng và thánh
nữ Tê rê xa Hài Đồng cũng vậy. Các Thánh còn bị hiểu lầm bởi những người của
Giáo hội, anh chị em trong dòng, bị bách hại và kỳ thị… đó là chương trình của
Chúa để giúp kẻ Chúa yêu trở nên xinh đẹp hơn trên đường nhân đức.
Xin Chúa cho con có được sự bình an của Chúa, ngay giữa cuộc sống bề bộn với mưu sinh, với những cạm bẫy của thế gian, với những cám dỗ mưu tìm sự bình an của thế gian thái quá - mà quên rằng: sự 'bình an của Chúa' chỉ có được khi chúng con biết tín thác hoàn toàn nơi Chúa, như em thơ trong vòng tay mẹ hiền. Xin cho con biết rằng: con chỉ có sự 'bình an của Chúa' khi biết trở nên giống Chúa: từ bỏ con đường tội lỗi, bước theo con đường tự hủy- phục vụ-hiến mình vì anh em-kết hiệp với Thiên Chúa và thi hành Thánh ý Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét