Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

KẺ DỖI HỜN.



Trong cuộc sống bon chen và phải lăn lộn để sống, có lẽ không ít thì nhiều ai cũng đã từng trải qua những lần ‘giận mát’ một ai đó, những lúc ấy được ví như cơn cuồng say: mất hết cả khôn ngoan và ngập tràn chán chường đau đớn. Thật đáng thương thay!

   Để khỏi đụng chạm ai, tôi xin thú nhận mình đã là kẻ dỗi hờn , mà lại hờn dai nữa đấy! Nghĩ lại mà thấy xấu hổ và tội nghiệp cho chính mình. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi cũng có một vài “kinh nghiệm” về vấn đề nầy. Thường kẻ hờn mát bao giờ cũng chọn ‘ông to mặt lớn’ mà giận, chứ chẳng bao giờ giận mát với một kẻ ‘vô danh tiểu tốt’. Thường trong một xứ đạo thì cha xứ, HĐGX, các vị hội trưởng…. là những đối tượng được chọn để hờn mát. Có kẻ còn hờn mát lây đến cả Chúa, nghĩa là bỏ cả nhà thờ hoặc sống đạo rất hời hợt!

Biểu lộ: Biểu lộ trước tiên là bỏ bê - bỏ ngang công việc phục vụ đang làm trong xứ, dù việc đó lớn hay nhỏ, với mục đích gây chú ý. Kẻ đó có thể làm một hành động khó hiểu nào đó để gây tiếng vang, để tỏ thái độ…. Kẻ ấy rất thích nói về đề tài này, nói một cách say sưa và khao khát có ai đó khơi mào câu chuyện. Câu chuyện được kể nhiều lần nên ngày càng dài, càng nhuyễn và ly kỳ…mặc dù mỗi lần kể xong thì cả người nghe lẫn người kể đều tràn ngập sự chua chát và đau đớn trong tâm hồn, vì ở đây có mặt của ‘kẻ tầm thường’ là ma quỷ. Người giận và người say thường mất khôn!

 Tôi đã từng đọc được một câu chuyện rất hay liên quan đến chuyện này, chỉ xin kể sơ lược: Chuyện xảy ra tại một làng quê nhỏ, người ta đồn với nhau rằng người đàn ông nọ đã làm một hành động xấu trong làng. Sau khi tin đồn tới tai mình, người đàn ông đó rất đau khổ, gặp ai ông ta cũng kể lại câu chuyện của chính mình cốt để đính chính những điều xấu xa được đồn đại. Ông ta chặn những người đi nhà thờ về, xuất hiện ở những đám đông và tìm gặp bất cứ ai bắt gặp để kể câu chuyện của mình. Câu chuyện càng ngày càng dài… Những lúc rảnh rỗi hoặc lúc đêm về, ông lại tự kể lại câu chuyện nhiều lần, để sao cho câu chuyện thêm mạch lạc và dễ tin hơn. Thế nhưng, một điều lạ là càng kể ông ta càng cảm thấy mọi người không tin mình, buộc ông phải nói nhiều hơn….. và cuối cùng ông bị điên!

Nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa của kẻ hờn dỗi là mặc cảm tự ti, lòng ghen tức ngấm ngầm (nhưng vì tự ái, đương sự  khó nhận ra và rất khó chấp nhận), người đó muốn chứng tỏ mình không sợ, mình bất cần, mình có bản lãnh, người đó muốn chứng minh rằng mình….hơn hoặc ít ra cũng bằng người kia (nhóm kia). Người đó muốn kể dài, kể mãi …để kiếm thêm đồng minh, để thêm tự tin, tự an ủi và tự yên phận. Một lời sửa dạy hoặc góp ý chung chung cho nhiều người, nhưng lại được kẻ giàu tự ái ôm vào mình (họ cho rằng người kia nhắm tới họ), để nhấm nháp và đau khổ. Họ tự chọn lấy đau khổ và hình như lòng tự ái được vuốt ve: Họ thấy mình là nhân vật quan trọng và được chú ý.

Ra khỏi cơn mê: Thật may là tôi không bị điên và cũng không còn hay giận mát nữa. Thật là hạnh phúc vì đã tìm lại được bầu trời xanh, tìm lại được lý tưởng cho cuộc đời là Phục vụ. Ngồi nhìn lại đời mình: "Sao lúc đó mình lại ấu trĩ nhân cách và suy nghĩ trẻ con thế? Sao một câu nói cỏn con lại làm cho mình tiêu hao năng lực và trở nên như điên dại thế?"

Xin rút ra một vài kinh nghiệm để sống:
- Thiên hạ có miệng thì họ nói mặc họ, họ có nói xấu tôi thì người ta cười họ, họ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, có ảnh hưởng gì đến mình đâu. Mình im lặng và ‘trơ trẽn’ thì họ mới sợ và chán nói; trái lại nếu mình xao động và như bị trúng đòn thì càng kích thích họ nói thêm.
- Đời người ngắn ngủi lắm! Mỗi sáng thức dậy, hãy tự nhủ ngày hôm nay tôi sẽ sống hạnh phúc và đừng thích đóng vai ‘ông già đau khổ’. Sống trên cuộc đời nầy, sướng hay khổ là do mình chọn cho mình: thái độ sống, cách sắp xếp công việc..
- Để trở thành người đáng yêu thì phải biết nghe người khác nói, bớt than thở và khoe mình đi, có óc hài hước và có tấm lòng khoan dung - đôn hậu…





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét