Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sức mạnh thật sự của Giáo hội





“Khi Đấng Bầu Chữa, Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ làm chứng nhân danh Thầy”. (Ga 15,26)


Chính nhờ ‘sự an ủi của Chúa Thánh Thần’ mà Giáo hội được lớn lên. Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội. Chính nhờ Ngài mà các kẻ tin hiểu được ý nghĩa sâu xa về giáo lý và hiểu những mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần, hôm nay cũng như những ngày Giáo hội sơ khai, đang hoạt động trong mỗi nhà truyền giáo, khi họ biết để cho Ngài chiếm hữu và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần sẽ đặt trên môi miệng các vị những lời mà môi miệng họ không thể nghĩ ra, và cũng cùng lúc đó, Ngài tác động trên những kẻ nghe lời giảng, để lòng họ rộng mở cho Lời Chúa được thấm nhập – hầu Nước Thiên Chúa được trị đến.

Những phương tiện rao giảng Tin Mừng thật là quan trọng, nhưng ngay cả những kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể thay thế được tác động nhẹ nhàng của Thánh Thần Chúa. Những chuẩn bị rất công phu của một nhà thuyết giảng sẽ vô hiệu nếu không có Thánh Linh. Nếu không có Thánh Thần, những biện chứng hùng hồn cũng không có tác động nào trên quả tim con người. Nếu không có Ngài, những lược đồ với những khám phá mới mẻ về tâm lý và xã hội cũng  nhanh chóng trở nên vô hiệu.

Chúng ta đang sống trong Giáo hội – thời đại Chúa Thánh Thần. Khắp nơi, người ta cố gắng tìm hiểu để biết rõ Ngài hơn, dựa vào những mạc khải của Kinh Thánh. Nhân loại sẵn sàng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài. Họ tụ họp chung quanh Ngài và họ muốn để cho Ngài dẫn dắt. Ngày nay, Chúa Thánh Thần có một vị trí thượng tôn trong đời sống Giáo hội, Ngài đặc biệt nổi bật trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Thật không phải tình cờ mà phút khởi đầu của công cuộc rao giảng Tin Mừng đã xảy ra vào sáng ngày lễ Hiện Xuống, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Phải nói rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc rao giảng: chính Ngài thúc đầy mỗi người phải rao giảng Tin Mừng, và chính Ngài – nơi sâu thẳm của tâm hồn- làm cho Lời cứu độ được hiểu thấu và đón nhận. Nhưng cũng có thể nói Ngài cũng là đích đến của việc rao giảng: Chỉ có Ngài làm phát sinh một tạo vật mới – một nhân loại mới là kết quả của việc rao giảng Tin Mừng, một sự hiệp nhất trong những dị biệt mà việc rao giảng Tin Mừng muốn thực hiện trong cộng đồng các Kitô hữu. Nhờ có Chúa Thánh Thần, Tin Mừng thấm nhập vào giữa lòng thế giới, vì chính Ngài giúp con người phân biệt được những dấu chỉ thời đại – những dấu chỉ Chúa muốn – đây là điều mà công cuộc rao giảng Tin Mừng phát hiện ra và đưa đến những thực hành cụ thể trong dòng lịch sử nhân loại. (Dịch từ The Daily Gospel Monday, 10 May 2010).
Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam đã trải qua những thời điểm có nhiều biến cố thay đổi các vị trí lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng và các đức Giám Mục, rất nhiều chú giải từ nhiều phía thông tin đã đến với chúng ta. Có những người nhìn việc thay đổi nhân sự này dưới con mắt nhân loại, thậm chí nặng mùi chính trị, và dường như họ quên mất một nhân vật quan trọng đang hiện diện giữa chúng ta: CHÚA THÁNH THẦN. Ngài là chủ nhân của vũ trụ này.

Nhiều người tự hỏi: “Giáo hội sẽ đi về đâu?”.

Vì thấy trước những gian lao con thuyền Giáo hội sẽ vấp phải, trước khi về trời, Chúa chúng ta đã căn dặn: “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Có thể nói câu nói ngắn gọn và nổi tiếng nhất của người tôi tớ Chúa, Đức Gioan-Phaolô 2 là: “Đừng sợ!”. Dù Giáo hội đang bước đi trên những con đường zic-zac, thì hãy luôn xác tín rằng: Thiên Chúa có thể vẽ nét thẳng trên những đường cong (ĐHY Nguyễn Văn Thuận). Và hãy biết rằng: ngay cả hôm nay, Thần Khí Chúa vẫn bay là là trên mặt địa cầu này (Khởi Nguyên 1,2).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét