Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Lời chứng




Lời Đức Phaolô VI: ““Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Trong vài tháng gần đây, giáo dân vùng Dakmil có hai dịp được thấy vị cha chung Vinh Sơn trong vai trò nhân chứng về đức khiêm nhường và khó nghèo. Dịp trước, Ngài về dâng lễ tang cho thân mẫu của một sơ thuộc giáo xứ Đức Lệ, hôm ấy ngài đi xe bus và gọi một ông xe ôm chở đến nhà thờ. Dịp sau Ngài cũng đi xe bus, ghé vào nhà cầu nguyện cho thân mẫu của một linh mục và một sơ thuộc giáo xứ Vinh Hương, thăm viếng và chuyện trò trong giây lát, ngài lại tiếp tục đi bộ đến trạm xe bus gần đó để về lại nhà, dù cho nhiều người nài ép ngài lên xe otô để họ chở về. Người giáo dân rất cảm kích trước cách hành xử của đức cha Vinh Sơn: từ bỏ mình để đi xe công cộng, nêu gương khiêm tốn và khó nghèo. Đức cha Vinh Sơn nói với một ai đó rằng Ngài làm thế là vì muốn sống lòng thương xót.

 Quả đúng như vậy, muốn được hưởng lòng thương xót thì mỗi người phải ý thức thân phận tội lỗi yếu hèn của mình và lòng thương xót thúc đẩy mình biết trao ban cho anh em. Người ta không thể thương xót khi cứ khư khư nắm giữ tất cả, tích trữ cho mình mọi lợi lộc và đặc quyền, mải đua đòi giàu sang và vinh dự mà quên mất người nghèo. Đúng là phong cách Phanxicô đã được cụ thể hóa nơi một vị giám mục, mừng lắm thay. Đức Phanxicô cũng thường xuyên đi xe công cộng, không cần kẻ rước người đón và thiếu nhiều tiện nghi nội thất. Ngài thường xuyên có những cuộc thăm viếng đến những người nghèo, nhà tù, nhà dưỡng lão, nơi chăm sóc người khuyết tật. Ngài không sợ mất mạng khi đi xe mui trần để được tiếp xúc với dân chúng, kể cả trong những chuyến thăm mục vụ đầy bất trắc ở Tây Á vừa qua.
Thánh Phaolô nói : “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, nhưng không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau: (Eph 12,25). Như vậy, Trong thân thể Chúa Kitô, mỗi người tùy theo ân điển Chúa Thánh Thần và tùy theo chức vụ mình mà xây dựng cộng đoàn. Những người đã chịu phép rửa gồm có các giám mục, linh mục và giáo dân. Các giám mục rất quan trọng, là đại diện cho 12 tông đồ, là những cột trụ trên đó Giáo hội được xây nên, bởi đó cả giáo phận hằng ngày đều phải cầu nguyện cho các ngài được bước theo Thần Khí, khôn ngoan và thánh thiện. Nhưng còn các linh mục thì sao?- Người giáo dân thỉnh thoảng mới cầu nguyện cho các ngài được sống thánh thiện, nhưng nhiều người hằng ngày lại nói xấu các ngài, muốn tố cáo nếp sống mà họ không ưa của ngài với TGM, không muốn sống thân thiện và gặp gỡ ngài. Đúng như có lần đức Phanxicô có nói: “Làm linh mục khó hơn giám mục vì hằng ngày phải trực tiếp gặp gỡ giáo dân với nhiều công việc mục vụ”. Những lời xầm xì về linh mục quản xứ là một hiện tượng xảy ra trong nhiều giáo xứ. Một phần do cung cách sống và làm việc của linh mục, nhưng phần khác là do ma quỷ hoành hành và gây chia rẽ. Vậy hãy tập thói quen tốt là đừng bép xép lên án về cha quản xứ của mình, ngài là đại diện của giám mục để chăm sóc mục vụ trong giáo xứ, chuyện của linh mục là chuyện của ‘bề trên’ còn tôi là ai mà dám lên án anh em?  Nếu một ai đó đang nói xấu người khác thì nếu mình không can thiệp được thì cách tốt nhất là ‘tẩu vi thượng sách’ để khỏi mang tội nói xấu.


Nói xấu linh mục là cách nhanh nhất để triệt tiêu ơn gọi trong cộng đồng dân Chúa và thật bất công khi có vô số linh mục dấn thân truyền giáo, sống khó nghèo, đạo đức, tử vì đạo mà chẳng được nhắc đến !

Hành động tốt của đức giám mục Vinh Sơn có một sức mạnh lan truyền. Nếu bạn không làm được việc tốt để xây dựng thân thể Chúa Kitô thì cũng đừng chích thuộc độc cho thân thể đó. Nếu như có ai đó đang muốn tìm hiểu và gia nhập đạo mà chứng kiến cảnh người giáo dân nói xấu linh mục của mình thì việc đó sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào ? Hãy nhớ lời thánh Gioan Thánh Giá: “Vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Sách GLHTCG dạy rằng: “Bởi vì bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều phải tin rằng Ngài hiện hữu và Ngài ban phần thưởng cho những kẻ kiếm tìm Ngài” (Dt 11,6). Tin vào Chúa hàm nghĩa rằng tất cả những gì chúng ta làm, hoặc không chịu làm, đều có ý nghĩa với Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét