Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Danh vọng hão huyền




Tôi đi dự một buổi họp phụ huynh cho đứa con đang học ở một trường trung học. Giáo viên chủ nhiệm chủ trì buổi họp. Sau khi đã trình bày tình hình chung của trường, của khối và của lớp, thì đến phần nhận xét mỗi em học sinh về học tập, đạo đức, cá tính và phần đóng góp vào các sinh hoạt trường.

Nghe phần nhận xét của giáo viên về đứa con mình yêu dấu có lẽ là phần hấp dẫn và được chờ đợi hơn cả. Tuy chỉ là một trường trung học ở một xã vùng quê, nhưng tôi có cảm tưởng rằng: đây là một lớp ‘siêu sao’: đa số học sinh có khả năng tiếp thu quá tốt, một số em xây dựng bài tích cực, ngoan hiền, tháo vát và nhan nhẹn trong các sinh hoạt lớp, một số em thi đua các phong trào thể dục thể thao hoặc thi học sinh giỏi cấp trường… Trong khi đó phần tiêu cực rất nhỏ: một vài em hay nói chuyện riêng, hoặc nghỉ học không có phép. Tôi như người đi trên mây, tưởng tượng rằng: những học sinh của ‘lớp chọn’ nầy sẽ làm nên kỳ tích cho xã hội khi chúng lớn lên. Nhưng rồi tôi nhớ lại những lần họp phụ huynh học sinh các năm trước, các giáo viên chủ nhiệm của các lớp khác cũng có thói quen tô hồng thành tích các em như vậy. Hóa ra đây là thói quen của xã hội: bệnh ham thành tích, chuộng lời khen, thiếu trung thực. 

Khi nói về giáo dục, một nền giáo dục được xem là thành công khi kích thích được trẻ phát triển những khả năng sẵn có nơi chúng hơn là o ép chúng vào khuôn mẫu ta muốn. Xét như vậy thì việc đề cao những khả năng trẻ là việc tích cực và nên làm, nhưng quá đề cao khả năng của trẻ sẽ tạo nên ảo tưởng cho trẻ và phụ huynh, lâu dài sẽ tạo nên một lối sống giả dối và bệnh thành tích, tự ái quá cao. Một vị tổng thống Mỹ được mời phát biểu trong ngày các em nhận bằng tốt nghiệp đã nói: các em được xã hội và gia đình bao bọc quá kỹ, các em chưa chứng tỏ được gì nhiều, chỉ là người bình thường như bao người khác, mọi sự đang nằm ở phía trước và các em phải chứng tỏ mình bằng việc đóng góp cho xã hội. (Tôi tìm chưa được nguồn của bài phát biểu nầy, chỉ biết rằng bài diễn văn nầy rất gây sốc, nhưng người Mỹ là như vậy: họ dám nói thẳng vấn đề).
Trên bình diện tu đức, khi con người tự tin quá mức và không biết quỳ gối cầu xin ơn Chúa, thì người đó sẽ không được Chúa xót thương. Có những người muốn tìm hiểu đạo để lập gia đình, đã học xong khóa dự tòng, nhưng có ước vọng rằng: khi nào hiểu thấu đáo ngọn nguồn giáo lý đã mới nhập đạo. Nhưng đạo là con đường dẫn ta tìm được Chân Lý và Kitô giáo là đạo của Mạc Khải, bởi đó con người phải liều bước đi trong đức tin và phải biết quỳ gối xuống trước Thượng Đế cầu xin ơn soi sáng. Nếu một người cứ đứng ngoài tòa lâu đài để quan sát thì chẳng bao giờ biết rõ về nó và nếu một người cứ đứng thẳng muốn dùng lý trí để phân tích giáo lý Kitô giáo một cách rành mạch thì chẳng ích gì, vì Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Quả vậy, có những mầu nhiệm trong đạo mà lý trí chỉ hiểu phần nào và ta chi hiểu thấu khi sang bên kia thế giới: tội tổ tông, đau khổ, sự dữ, Chúa quan phòng, những mầu nhiệm nước trời, thiên đàng – hỏa ngục… Tiên tri Isaia diễn tả: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.(Is 55,9).

Khen tặng và biết ơn nhau là tốt, nhưng lời khen cũng có những tác dụng phụ ngoài mong muốn: vuốt ve lòng tự cao tự đại trước anh em và Thiên Chúa, kích thích lòng thèm khát danh vọng: lối sống giả dối và lập thành tích. Chúa Giêsu mời gọi ta hãy đến với Ngài để được bổ sức và để học với Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Chúa đã cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, con ngợi khen Cha vì đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”. Muốn được hưởng lòng xót thương Chúa, con người phải ý thức mình là kẻ có tội cần được xót thương, biết sự yếu hèn của mình, biết quỳ gối trước Thượng Đế để hoàn toàn tin tưởng vào Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét