Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Ngẫu tượng




Đức Phanxicô đã nói về xã hội đương đại: Ngày nay tiền bạc được tôn thờ như một ngẫu tượng, sự thành công và nổi tiếng cũng là một ngẫu tượng. Người ta đánh giá một con người bằng tiền bạc và sự thành công, người ta còn đồng hóa sự thành công với đạo đức và sự kính trọng nữa. Trong chương trình ‘Chuyện chưa một lần được kể’ được trình chiếu trên truyền hình, những nhân vật thành đạt thường được mời phỏng vấn, những con người nầy quả thực đã trở nên những thần tượng cho nhiều người trong xã hội, nhất là người trẻ: nhiều người thèm muốn được nhiều tiền, nhiều danh và nhiều tình như họ ! Truyền thông người ta chỉ đề cập đến thành công và tuyệt nhiên không nói đến khía cạnh đạo đức, vì một xã hội duy vật và hưởng lạc chẳng hơi đâu mà nói tới chuyện đạo đức.

Mới đây, tôi được xem qua cuộc nói chuyện của anh Bờ Vai với anh Huỳnh Trấn Thành (người dẫn chương trình, diễn viên hài, diễn viên điện ảnhdiễn viên lồng tiếng). Sự  nghiệp của anh thì vẻ vang rồi, nhưng đời sống tình cảm của anh thì có vấn đề, mới 29 tuổi đầu nhưng ít nhất là đã chung sống với 4 người, anh kể về đời sống tình cảm như là một phong cách sống thời thượng: rất nhẹ nhàng và rất bình thường. Tiêu chí bạn đời của anh được tóm lại trong 4 điểm:
-Chăm chỉ làm việc, đồng nghĩa với việc có thu nhập.
-Biết hưởng thụ đồng tiền mình làm ra.
-Anh luôn bảo vệ suy nghĩ của mình, không nhượng bộ, chồng bảo thì vợ phải nghe vì mình đã suy nghĩ kỹ (một hình thức độc tài, gia trưởng). (những chữ trong ngoặc là suy nghĩ của người viết).
-Quan điểm sống, nếu không hợp thì chia tay, đôi lúc không cần phải nói mà cứ âm thầm rút lui, không giận dữ oán trách nhau khi đường ai nấy đi (vô trách nhiệm. Quan điểm sống ở đây là một từ rất rộng, có thể hiểu về ý nghĩa hôn nhân và đời người, tôn giáo, giáo dục con cái, và cả về 3 điểm trên).

Việc truyền hình đưa lên những chương trình phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng: ca sĩ, người mẫu, danh hài, người dẫn chương trình chẳng có gì sai cả. Nhưng đúng là truyền thông là con dao hai lưỡi. Đức Phanxicô nói: “Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người ta có thể yêu thương hay gây đau thương, tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau tàn nhẫn. Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Ðây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao” (hết trích). Các danh hài và những người thành đạt đã trở thành thần tượng cho nhiều người trẻ: họ mơ được nên giống phần nào về giàu sang và sống thoải mái như những người thành đạt đó, nhưng ẩn số nằm sau sự thành đạt là lối sống phóng khoáng về luân lý! Một lối sống hưởng thụ được xã hội đề cao sẽ làm cho con người thời đại xa dần đạo lý: chung sống mà không kết hôn, sống độc thân để không phải chịu trách nhiệm xã hội.

Tôi nhớ đến có một câu chuyện kể về một vị trạng nguyên nào đó được vợ nuôi ăn học từ khi còn nhỏ. Nhà vua muốn gả con gái cho vị tân trạng nguyên, nhưng vị ấy đã khẳng khái nói với vua: “thần đã có vợ từ khi còn trẻ, vợ đã giúp thần thành tài là có ý muốn nhờ cậy lúc về già, nay làm sao phụ lòng được. Xin nhà vua minh xét, thần xin đội ơn vua”. Gia đình được Giáo hội và xã hội đề cao như là tế bào căn bản, nếu gia đình lành mạnh thì xã hội và Giáo hội khỏe mạnh. Thế nhưng, ngày nay gia đình đang bị những trào lưu ngoại giáo tấn công: lòng ích kỷ và dửng dưng, tiền giá trị hơn tình, ly dị và đồng tính. Ngẫu tượng thành công và tiền bạc dường như đang muốn đánh bại lâu đài hôn nhân Kitô giáo: yêu thương, chung thủy suốt đời và giáo dục con cái theo giáo lý Kitô.

Ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Người Kitô hữu phải biết dùng Lời Chúa và đời sống cầu nguyện để đáp trả lại các cuộc tấn công của ma quỷ, đừng như cây sậy ngả nghiêng trước những cơn lốc cuộc đời. Chúa nói với ta rằng: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mc 4,24). Trước đây tôi cứ hiểu chuyện ‘đong bằng đấu nào’ ở đây là chuyện công phúc và chuyện đối xử với tha nhân, nhưng ở đây thực sự Chúa đang nói tới việc chúng ta chuyên chăm đọc và suy gẫm kho tàng Lời Chúa thế nào, có biết đầu tư sự khao khát, thời gian đọc và cầu nguyện với Lời Chúa hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét