Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Hạnh phúc trong tầm tay



Ai đó đã từng nói: Khoảng cách từ chân lý đến quả tim là một câu chuyện. Đúng vậy, chỉ cần kể một câu chuyện là chân lý được sáng tỏ, kẻ đơn sơ hiểu được chân lý cách rõ ràng. Để sống hạnh phúc trên cuộc đời này, tôi xin kể vài câu chuyện, phần tiêu cực trước:

- Có hai người tu hành sống với nhau rất hòa thuận trong một cộng đoàn như những nhà ẩn sĩ. Một ngày nọ người trẻ hơn mới đề nghị với người kia: lâu lắm rồi chúng ta không cãi nhau, hôm nay chúng ta cãi nhau một mẻ cho cuộc sống bớt đơn điệu đi. Người kia nhìn bạn mình một cách khó hiểu và nói: làm sao mà cãi nhau được khi không có lý do? Người trẻ hơn mới đề nghị: Tôi ra phía ngoài kia nhặt một cục đá lớn đem vào giữa sân, nhận là của mình, còn anh thì nói là của anh, thế là chúng ta cãi nhau.
Ừ, cứ thế mà làm. Người trẻ hơn ngồi trên cục đá và hô lớn: cục đá này là của tôi. Người kia hỏi lại: anh căn cứ vào đâu để bảo đó là của anh?- Vì tôi đã nhặt được ngoài kia và tôi đã khiêng vào đây. Người lớn tuổi hơn bèn bảo: vậy nó là của anh rồi, anh cứ giữ lấy… thế là cuộc cãi nhau đã kết thúc.

- Lúc còn nhỏ, khoảng 10 – 11 tuổi, chúng tôi nhập chủng viện, có anh bạn kia thường kể chuyện về gia đình mình, nội dung cứ xoay quanh vấn đề cái tôi, (tôi là): cha tôi, mẹ tôi, em tôi, của tôi. Khoe khoang bản thân là một nhu cầu tâm lý muốn thể hiện, ở những trẻ nhỏ nó thể hiện một cách ngây ngô và tinh vi hơn ở người lớn, nhất là thời đại kỹ thuật số là cơn nghiền Facebook: khoe bản thân mình, của cải mình, tài khéo mình, bạn bè mình, lối sống mình. Điều lạ là càng khoe lại càng thiếu, càng ăn lại càng đói.

- Một chàng trai trẻ gặp một vị tu hành. Chàng trai đầy tư lự, còn vị tu hành rất an bình. Chàng trai cất tiếng: Thưa thầy, con muốn hạnh phúc. – Ta nghe chưa rõ, giấy bút có sẵn đây, con ghi ra giấy. Chàng trai liền ghi: TÔI MUỐN HẠNH PHÚC. Thầy cầm lấy và đọc, liền sau đó thầy lấy bút và xóa bớt chữ tôi, chỉ còn lại 3 chữ; tiếp đó thầy xóa luôn chữ muốn và trao tờ giấy chỉ còn lại hai chữ ‘hạnh phúc’  cho chàng trai. Thế đó, muốn hạnh phúc thì biết bỏ cái tôi và cái muốn của mình, thì hạnh phúc ắt tự đến.


Đó là phần tiêu cực, và đây là vài câu chuyện về khía cạnh tích cực:


- Lòng biết ơn. Thánh I-Nhã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ, Ngài viết: “Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỗi tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa là chủ và là Chúa của vũ trụ này…”. Hãy biết ơn cha mẹ, người bạn đời, tha nhân quanh ta, bạn bè… vì những chăm sóc, quan tâm, câu chuyện trao đổi… đều nằm trong chuỗi quan phòng kỳ diệu của Cha trên trời để giúp ta được hạnh phúc và lớn lên.

- Nhận lỗi. Có hai gia đình sống cạnh nhau. Gia đình nhà giàu có dư của cải nhưng lại thiếu hạnh phúc, còn gia đình nhà nghèo lại rất êm ấm. Một hôm anh nhà giàu cất bước sang nhà hàng xóm để tìm hiểu lý do nào mà họ sống rất hòa thuận. Anh mới ngồi một lát thì người con dâu của gia đình đi chợ về, cô bị trợt suýt té; người mẹ chồng vội chạy ra đỡ cô và nói: mẹ sơ ý không quét chỗ nước đọng đó; anh chồng cũng vội chạy ra và xin lỗi vợ vì mình không ra sớm một chút để dìu vợ từ ngoài cổng – đường rất trơn; người con dâu bèn nói: con xin lỗi mẹ, em xin lỗi anh, cũng tại con sơ ý và không cẩn thận nên mới trượt. Người nhà giàu chợt hiểu lý do của hòa thuận là mỗi người biết nhận lỗi về mình thay vì đổ lỗi cho nhau.

Hóa ra để hạnh phúc cũng thật đơn giản: đừng giành giật ‘của tôi’ và bớt nói ‘tôi là’, biết nói ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’ thường xuyên hơn. Một trong những biểu hiện sự vô cảm trong xã hội là khi con người không biết dùng đến hai từ ‘cảm ơn và xin lỗi’ trong cuộc sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét