Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Không sám hối

 



Chúa Giê su trách những thành đã chứng kiến nhiều phép lạ và nghe lời rao giảng của Chúa nhưng không chịu sám hối (Mt 11, 20). Điều này đáng cho ta suy nghĩ, nhiều khi chúng ta có phần nào đó giống dân Kho-radin, Bết xai da và Ca phác naum: đa số chúng ta được rửa tội từ tấm bé, đi nhà thờ đều đặn mấy chục năm trời… để rồi dễ quên vài điều: kẻ nhận nhiều thì phải trả nhiều, chúng ta có sống như lòng Chúa mong ước không, có cần phải sám hối nữa không – hay đã tốt và thánh đủ rồi?

Trong thời đại chúng ta, nền thần học được khuyến khích nói về lòng thương xót hơn là nói về sự nghiêm khắc và trừng phạt của Thiên Chúa. Ngày nay rất hiếm khi nghe các linh mục giảng về sự nổi giận của Thiên Chúa và những hình phạt lửa thiêu đốt trong hỏa ngục, ta ngại nhìn hình ảnh và nghe nói về ma quỷ. Nhưng trong Tin Mừng, chúng ta vẫn gặp những câu nói nghiêm khắc Chúa Giê su dành cho những người không sám hối – không thay đổi cuộc sống cho phù hợp với giáo lý Chúa dạy: Ta không biết các ngươi, hãy cút cho khỏi mặt Ta. Chúa Giê su vẫn thường nói đến sự thưởng phạt khi đến ngày tận cùng thế giới, và cách riêng, sự thưởng phạt sẽ đến sớm hơn cho từng người ngay sau cuộc phán xét riêng – khi ta đến trình diện Chúa.

Tôi còn nhớ lời một cha giáo dạy: “Nếu quá nhấn mạnh rằng Chúa là Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót thì e rằng ở hỏa ngục rất vắng vẻ, nhưng nếu nhấn mạnh đến sự công thẳng của Thiên Chúa thì e rằng thiên đàng rất ít người cư ngụ”. Bởi đó, hãy luôn nhớ rằng: mình là khách lữ hành đang tiến về quê trời, hãy lo kiếm sống và thường xuyên biết hướng mắt nhìn về quê trời và chuyên tâm lo lắng cho phần rỗi linh hồn như là mục đích quan trọng nhất trong cuộc đời.

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, tin vào Đức Giê su – Đấng đã chết và phục sinh - để được ơn cứu độ’ là nội dung căn bản của giáo lý Ki tô giáo (Kerygma). Chúng ta thử tìm hiểu nguyên do tại sao mà dân những thành bị Chúa trách lại không sám hối?- Thứ nhất là họ đến với Chúa là để tìm dấu lạ, lợi lộc vật chất như chữa bệnh – được ăn no – thỏa tính tò mò; thứ hai là vì họ chưa đủ tin vào Chúa Giê su nên không dám đánh đổi đời mình để sống như Lời Chúa dạy; thứ ba là ơn Chúa chưa lôi kéo họ đủ và chưa có sự cộng tác của từng tâm hồn: lắng nghe, suy đi nghĩ lại, quỳ gối xuống để lãnh nhận ơn thánh. Sự cứng lòng của chúng ta cũng có phần nào đó giống họ: mình cũng theo Chúa giống như mọi người, cũng tầm tầm thường thường vậy thôi, không tích cực mà cũng không xấu xa như nhiều người khác, việc sám hối là dành cho những tội nhân ngoại hạng – còn tôi còn tốt chán. Hãy nhớ rằng: thiên đàng không có chỗ dành cho người không làm điều tốt, bởi đó việc sám hối là việc của những người bước ra khỏi sự tầm thường để sống tốt hơn như lòng Chúa mong ước, là việc làm của mỗi ngày. Cha xứ giáo xứ Vinh Hương thường nêu lên một ý lễ rất đặc biệt: xin ơn biết sống đẹp lòng Chúa.

Một trong những lý do để ta không sám hối là so sánh với người khác. Đừng quên rằng Thiên Chúa có một sự lãng phí lớn lao: Ngài tạo nên mỗi người không ai giống ai, trong 7 tỷ người trên hành tinh này không ai là bản sao (coppy) của người khác, mỗi người có những nén bạc và thánh giá khác nhau… nên việc so sánh cuộc hành trình của mình với một ai đó là không hợp lý và rất sai lầm: mỗi người có con đường phải đi, hãy so sánh mình với Thiên Chúa. Những lệnh truyền của Chúa như: Hãy đi rao giảng Tin Mừng, hãy nên trọn lành như Cha trên trời, hãy tha thứ cho anh em như Cha trên trời mình đã tha thứ, hãy vác thập giá mình mà theo Thầy, anh em hãy đón nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không… có một giá trị phổ quát (dành cho mọi người) nhưng cũng có những âm hưởng riêng tùy ân ban của Chúa dành cho từng tâm hồn. Tốt nhất là hãy sám hối, hãy so sánh mình với Chúa, ai ra sao mặc họ - vì mỗi người đều có con đường phải đi.



Không sám hối nói lên một sự xơ cứng tâm hồn, trong giáo dục người ta dùng tĩnh từ ‘cố chấp’. Trên hành trình sống đạo, Chúa muốn từng tâm hồn phải có một sự nhiệt thành: nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, đừng hâm hâm dở dở… tại sao vậy? – thưa: người dốt biết mình dốt thì mới quyết tâm học, người biết mình chưa tốt thì mới quyết tâm trở nên tốt hơn. Chúa muốn ta trở nên như trẻ nhỏ: biết cậy dựa và tin tưởng tuyệt đối với cha mẹ, và quan trọng hơn là tình yêu con trẻ dành cho cha mẹ là một tình yêu tinh tuyền, tha thiết, không so đo tính toán: chỉ muốn làm vui lòng cha mẹ. Chúa mong bạn và tôi có một sự gắn bó mật thiết với Chúa, tiếng Chúa sẽ nói cho ta biết điều gì là tốt và điều gì là xấu, tình yêu Chúa sẽ thúc bách tâm hồn ta sám hối - thay đổi như lòng Chúa mong ước.

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Luật trời

 



Ông Moi sen nói với dân Do Thái: những lời được ghi trong Kinh Thánh Cựu ước là những mạc khải của Thiên Chúa cho con người để họ được sống đời đời; Lời không ở nơi cao trên trời và xa bên kia biển, mà Lời được ghi trong sách và trong lòng người (Tl 30, 10-14). Trong những chuyện thần thoại và kiếm hiệp thường nói tới những ‘bí kíp’ là những công thức bí mật được cất giấu ở những nơi tuyệt mật – đem lại sức mạnh siêu việt cho ai sở hữu được nó.

Tin Mừng Gioan mở đầu: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Lời ở với Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1), Và khi đến thời viên mãn Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để hoàn tất mạc khải và hiến thân mình làm giá chuộc cho muôn người: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20). Ngôi Lời đã làm người, nên Lời của Chúa Giê su được phán như Đấng có uy quyền, và Ngài đã tóm gọn lề luật trong một điều luật quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27). Chúng ta nhận ra rằng: bí kíp này hoàn toàn là của Cựu Ước, không có một chữ nào của thời Tân Ước, vậy công trình nhập thể, rao giảng, chết và phục sinh của Chúa không có một ý nghĩa gì đáng kể sao? – Thưa, Chúa Giê su đến để thực hiện lời dạy đó, và chừng đó là đủ.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa (Yahweh, Gia- vê), Thiên Chúa ngươi. Dân Do Thái đã phải chật vật đấu tranh để trung thành với Đức Chúa, là Chúa của các tổ phụ, là Đấng đã đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, đã ký kết giao ước Sinai, đã yêu thương và bảo bọc dân qua dòng lịch sử của họ. Nhiều khi họ thấy Chúa ở quá xa, hoặc Chúa đã bỏ rơi họ… và họ thờ thêm các thần của dân ngoại, và mỗi lần như thế thì Thiên Chúa nổi giận vì Ngài là Đấng hay ghen. Chúa Giê su đã làm gương cho ta về đức thờ phượng: Ngài đến để chu toàn ý Cha và chỉ thờ phượng một mình Chúa.

Hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Đây là một câu văn khá hay, nhưng chúng ta không dừng lại ở văn chương mà ở ý nghĩa: dành mọi sự cho Thiên Chúa. Thực tế là chúng ta hay chọn thái độ nửa vời: vẫn tuyên xưng Chúa là Chúa tể vũ trụ, là Đấng đã yêu thương chịu chết cho mình và sau khi chết ta sẽ được sống với Ngài muôn đời, thế nhưng lòng ta vẫn chạy theo danh vọng, tiền bạc và lạc thú trần gian. Chúng ta nhớ lại bộ phim Tây Du Ký: trong con người Đường Tăng (mỗi chúng ta) vẫn có Tôn Ngộ Không (lý trí, sự thông minh), Trư Bát Giới (đam mê xác thịt, tình cảm), Sa tăng (người hỗ trợ, trung thành và ôn hòa), và Bạch long mã (thân xác).  Chúa Giê su đã yêu đến chết, yêu hết lòng-hết linh hồn và hết trí khôn; Chúa vẫn bị cám dỗ đi con đường tắt, xuống khỏi thập giá… nhưng vì tình yêu, Chúa đã yêu đến cùng và hoàn tất ý định cứu chuộc của Cha giao phó.



Hình ảnh của người Sa ma ri nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giê su. Luật Do Thái cắt nghĩa người đồng chủng mới là người thân cận, nhưng qua dụ ngôn thì Chúa Giê su giúp ta hiểu: mọi người là anh em tôi vì cùng là con một Cha trên trời, và Chúa đã chết để liên kết mọi dân tộc thành những chi thể của một thân thể duy nhất là Giáo hội. Người Sa ma ri đã chạnh lòng thương người bị nạn, đã dừng lại săn sóc bất chấp nguy hiểm, tốn kém và phiền phức: Chúa Giê su đã yêu nhân loại đến cùng và còn mãi yêu những tâm hồn tìm đến nương ẩn bên Ngài.

Hãy kính thờ Chúa hết lòng, và hãy yêu tha nhân vì Chúa hiện diện nơi họ. Mến Chúa yêu người hòa quyện vào nhau như hai mặt của một đồng tiền của nhân đức thờ phượng là vậy.

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2025

Pha trộn

 



Sách Sáng Thế nói cho ta biết Thiên Chúa chủ động đưa dân Israel sang Ai Cập, ở đó họ sẽ phát triển thành một dân lớn, và rồi sẽ đến ngày Thiên Chúa đưa họ trở về lại đất Ca na an (St 46,49,50). Chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa có muôn ngàn cách, tại sao lại để dân Do Thái bị khổ sở ở đất Ai Cập?

Thưa, đó là một mầu nhiệm: con người không bao giờ hiểu được tư tưởng và cách hành động của Thiên Chúa, chúng ta chỉ đoán được phần nào thôi, và khi diện đối diện với Ngài (sau cái chết) chúng ta mới hiểu được Chúa và hiểu thấu những điều kỳ diệu Chúa đã làm, và sự ngạc nhiên đó càng làm cho chúng ta yêu mến Chúa không cùng. Câu chuyện dân Do Thái sinh sống một thời gian ở Ai cập có một mục đích là họ trở nên chất xúc tác để Danh Chúa được cả sáng. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy bài học nầy trong những biến cố lịch sử của dân tộc Việt Nam: biến cố 1954 đã tạo nên một sự pha trộn giữa hai miền Nam Bắc, biến cố 1975 có thể được nhìn như một bước ngoặt lịch sử cho Giáo hội 2 miền (miền Bắc được hồi sinh, miền Nam có cơ hội nhìn lại tình trạng thần quyền lẫn lộn thế quyền, những người Việt kiều trở nên men cho xã hội Tây phương, những vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên đã trở thành những Giáo xứ rất sinh động).



Tin Mừng Gioan kể 2 câu chuyện nói về việc để danh Chúa được tôn vinh. Câu chuyện thứ nhất kể về anh mù từ thuở mới sinh, Chúa nói: không phải do tội của anh, cũng không phải do tội cha mẹ, mà chỉ để danh Chúa được tôn vinh nơi anh (Ga 9, 3). Câu chuyện thứ hai là anh Lazaro chết 4 ngày được sống lại, anh là người bạn thân của Chúa – Chúa được báo tin và ở rất gần, vậy mà anh ta phải nằm trong mộ, lý do ? – Chúa nói: “Thầy mừng là đã không ở đó, để các con tin” (Ga 11, 15). Chúng ta khá ngạc nhiên khi thấy dân Do Thái bị làm nô lệ khổ cực suốt mấy chục năm, anh mù bị khổ mấy chục năm và anh La za rô cùng gia đình phải trải qua sự thất vọng tột cùng… là để con người nhận ra vinh quang Thiên Chúa. Xem ra như vậy thì ‘để danh Chúa được nhận biết’ là một lý do cao cả - trổi vượt lên mọi điều khác. Châm ngôn sống của Dòng Tên (Dòng Chúa Giêsu) là "Ad maiorem Dei gloriam" trong tiếng Latin, có nghĩa là "Để vinh danh Chúa Hơn" hoặc "Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn"Cụm từ này được sử dụng rất nhiều bởi Thánh Ignatius Loyola, người sáng lập Dòng Tên, và đã trở thành phương châm sống của các tu sĩ Dòng Tên. Họ thấm nhuần châm ngôn này và coi đó là một trong những mục tiêu chính trong đời sống dâng hiến của mình, hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của họ (Internet).

Xin Chúa cho con nhìn ra kế hoạch của Chúa khi con được đặt trong đất nước, vùng miền và xứ đạo con đang sống: để góp phần mình vào việc làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Xin đừng để con trở nên vô dụng, nhưng là một chiến sỹ của nước trời, như lòng Chúa mong ước. Amen.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

Sứ mạng

 



Bài trích sách Sáng Thế nhắc đến nhân vật Giuse, tể tướng Ai Cập, là một trong 12 người con ông Gia cop. Ông Giu se đã sớm nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, nên lòng ông không hề giận ghét và có ý định trả thù các anh em vì đã cạn tình ráo máng với mình, ông chỉ thử thách anh em để giúp họ có lòng sám hối thật sự vì những hành vi gian ác xưa kia. Giuse đáp rằng: “Anh em đừng sợ! Nào chúng ta có thể chống lại thánh ý Chúa sao? Các anh đã lo nghĩ sự dữ cho tôi, nhưng Thiên Chúa đã đổi nó ra sự lành để tôi được vinh hiển như anh em thấy hôm nay và để cứu sống nhiều dân tộc (St 50,20).

Câu chuyện ông Giuse của Cựu Ước là hình ảnh của chính Chúa Giê su, một người cũng bị bán và bị giết - tưởng chừng như một thất bại, nhưng rồi Người đã phục sinh: cái chết tự hiến của Người đã trở nên giá chuộc cho nhân loại, viên đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường – xây nên tòa nhà Giáo hội và của thành thánh Giê ru sa lem trên trời. Câu chuyện Chúa gọi các tông đồ cũng là một phác họa cho kế hoạch Thiên Chúa thường dùng: Chúa gọi những người thuyền chài ít học và thu thuế để làm nền móng cho Hội Thánh, và chính ơn Chúa đã hoạt động trong lịch sử để Giáo hội đó trường tồn cho đến ngày tận thế.

Bài học lịch sử đó vẫn là lộ trình của từng người chúng ta: bàn tay Chúa vẫn dìu dắt cuộc đời từng người chúng ta, mỗi người có một sứ mạng khi được sinh ra và đặt để trong môi trường cụ thể mình đang sống, chỉ có điều là chúng ta thường không nhận ra sứ mạng và lãng quên những việc kỳ diệu Chúa làm cho mình. Đức Phan xi cô nói: “Ở nguồn gốc của việc làm một Ki tô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”(GE 7).

Có những đứa con thưa chuyện với cha mẹ: “con không hiểu tại sao mình phải sống?”. Sở dĩ người ta đặt câu hỏi đó là vì đã quên rằng mình có một sứ mạng: làm sáng danh Chúa, nói cho người khác biết tình thương của Chúa dành cho nhân loại và cho từng người. Người Ki tô hữu dễ quên sứ mạng của mình khi sống chung đụng với dân ngoại: họ chỉ có những chỉ tiêu ngắn hạn như nuôi dạy con cái, có nghề nghiệp ổn định, lo liệu gia đình cho con, hưởng thụ cuộc sống; họ chỉ lo sống sao cho người khác chấp nhận mình và không ai ức hiếp được mình, thế thôi. Chúa Giê su nói đến sự vô dụng của người Ki tô hữu được ví như muối bị lạt: khi họ sống mà quên mất sứ mạng của mình, để rồi chỉ lo những chuyện vụn vặt như cơm ăn áo mặc, tích góp tiền bạc, danh vọng và thú vui… tất cả sẽ qua đi nhanh chóng khi ta già, bệnh và chết. Chỉ có một điều tồn tại sau khi ta chết là những thứ mình đã trao ban và hiến dâng cho Chúa và anh em.



“Nước Trời đã đến gần” luôn là câu cửa miệng của Chúa Giê su khi Người sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Con người xưa cũng như chúng ta hôm nay luôn xem Tin Mừng như một giáo lý cao siêu và tốt đẹp, nhưng cứ từ từ áp dụng – còn bây giờ cứ vui hưởng cuộc sống đã. Não trạng như vậy thì Tin Mừng chỉ là một phạm trù luân lý, nhưng đúng hơn Tin Mừng phải là một cuộc gặp gỡ - một biến cố đổi đời – một viên ngọc quý khiến ta vui mừng đánh đổi tất cả để bước theo Giê su.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

Truyền giáo

 



Có lẽ đây là một chủ đề nhức nhối của Giáo hội hoàn vũ và của từng người Ki tô hữu, vì khi lãnh nhận bí tích rửa tội mỗi người được trở thành con cái Thiên Chúa với 3 chức vụ: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Chúng ta ôn lại 3 chức vụ này, thái độ của người được sai và mệnh lệnh phải nói.

 Ngôn sứ là người được sai đi để nói lời của Thiên Chúa, phổ biến đạo lý, sống điều mình tin, mạnh dạn tỏ ra mình là người có đạo. Tư tế là dâng của lễ lên Thiên Chúa, dâng mình làm của lễ sống động và trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Vương giả là vua – cai trị và phục vụ: thống trị nết xấu nơi bản thân, tạo một môi trường lành mạnh và thuần khiết thấm nhuần giáo lý Ki tô, phục vụ trong khiêm tốn và vô vị lợi. Người có đạo lâu năm và cư trú trong một xứ đạo toàn tòng thường dễ quên những phẩm chất của mình: không học hỏi thêm về giáo lý – dù bây giờ có rất nhiều cách để tích lũy và tìm hiểu giáo lý một cách cặn kẽ như các trang mạng, youtube, Kinh Thánh 100 tuần của Đức Cha Khảm… đã vô tri thì bất mộ, mà không yêu mến Giáo hội thì sẽ dẫn đến một thái độ thụ động trong đời sống đạo và việc truyền giáo.

Khi nói về đồng lúa chín vàng, Chúa truyền 2 điều: Hãy xin và hãy ra đi. Thực trạng là thỉnh thoảng chúng ta có xin và đóng góp một ít tiền, còn việc ra đi thì dành cho các nhà truyền giáo – các cha và các sơ. Linh mục Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự) có đưa ra một thống kê về con số tân tòng rất đau lòng: Mỗi năm, tại Việt Nam, số tân tòng (người lớn được rửa tội) khoảng 70.000, trong đó khoảng 40.000 là vì hôn phối, số còn lại rất khiêm tốn, không đủ chia cho các linh mục và tu sĩ mỗi vị/một người (chỉ ghi lại theo trí nhớ). Điều Chúa muốn là mỗi Ki tô hữu hãy ra đi đến vùng nước sâu, ra đi khỏi bản thân mình – khỏi giáo xứ mình để làm một điều gì đó cho Chúa. Chuyện kể về chân phước Charles De Foulcaud (1858 -1916), thời trẻ ngài đã chạy theo danh vọng trong binh nghiệp và mất đức tin, một hôm đứa cháu nhỏ hỏi ngài: “Cậu đã làm gì cho Chúa Giê su chưa?” , ngài đã suy nghĩ nhiều về câu nói đó, đã được ơn hoán cải và đi truyền giáo ở Phi Châu, lập nên dòng Tiểu đệ và Tiểu muội. Chúng ta thường an phận với những gì mình có, thường đưa ra nhiều lý luận cản trở tri thức và hoạt động cho Giáo hội như: biết nhiều khổ nhiều, biết nhiều tội nhiều, mình ít học, mình già rồi không học được nữa… Hãy nhìn xem các xã hội phương tây, họ học mãi và đầu óc họ như đóa hoa hướng dương luôn mở rộng với những kiến thức bổ ích, còn người VN mình cứ nhậu và ngồi chém gió, kèn cựa nhau và ganh tị nhau từng tiếng gáy, mãi bước theo những lối mòn của tập tục.



Chúa truyền dạy: đừng mang bị, đừng mặc hai áo, không đi dép, đừng đi hết nhà này đến nhà khác. Chúng ta dừng lại ở cái bị: bị là để đựng những thứ cần thiết như tiền bạc, muốn nói đến thái độ thu tích (vụ lợi) và an toàn. Trong sứ điệp truyền giáo, Đức Phan xi cô nói với ta: Dù công việc truyền giáo là công việc khó khăn, nhưng những người dấn thân truyền giáo đừng quá tự hào vì những đóng góp được xem như anh hùng của mình, vì sáng kiến và sức mạnh của truyền giáo là từ Thiên Chúa và của Thiên Chúa. Tâm lý bình thường, ta dễ làm việc vì lợi nhuận, nên việc phục vụ vô vị lợi phải được tập luyện. Bạn không thích mất thời giờ, công sức mà không có gì bỏ vào trong bị - đưa về cho gia đình; nhưng hãy nhớ: phục vụ đem lại niềm vui, cho thì có phúc hơn là nhận, hãy vui mừng vì phần thưởng trên trời Chúa dành cho người đầy tớ trung thành.

Hãy nói: bình an cho nhà này, triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hai sứ điệp này liên hệ trực tiếp với nhau: sự bình an là có Chúa hiện diện. Ta dễ nhận ra có những vị tu sĩ rất bình an: họ thanh thản với nhịp sống của tu viện và thời cuộc, dường như họ tránh được những tham sân si, và sự bình an toát ra nơi diện mạo, lời nói, bước đi và nhất là nơi sự tuân phục – khiêm tốn. Ta không thể trao ban sự bình an khi lòng ta không bình an. Người Ki tô hữu bình an vì biết rõ mình từ đâu tới, con đường mình đang đi và nơi mình sẽ đến; họ bình an vì biết Chúa ở với mình, là người cha dũng mạnh – đầy yêu thương và không bao giờ bỏ rơi mình, dù trong hoàn cảnh nào – mãi cho đến ngày tận thế.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Hưởng nhờ

 



Bài đọc Sáng Thế 19, 20-22 nói đến một chi tiết đáng cho chúng ta để ý, vì giúp cho chúng ta sống đạo tốt hơn: ông Lot đã xin sứ thần vào trú trong thành Xô-a để tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa – Chúa sắp mưa lửa xuống hai thành Sodoma và Gomora và các vùng lân cận. Có thể nói rằng: nhờ có ông Lot mà thành Xô-a được cứu thoát, điều này làm ta liên tưởng đến mầu nhiệm Các Thánh Thông Công: các phần tử trong Thân Thể mầu nhiệm Chúa Ki tô được hưởng nhờ công trạng của nhau. Sự hưởng nhờ lớn nhất là: chúng ta được cứu chuộc nhờ công trạng Chúa Ki tô mang lại: "nhờ Người mang thương tích mà chúng ta được chữa lành" (Is 53,5).

Dựa vào SGLHTCG từ số 946-962, chúng ta có thể kể đến những sự hiệp thông cụ thể như sau: Hiệp thông trong ơn Thánh: Giáo hội lữ hành, Giáo hội đau khổ và Giáo hội vinh quang có thể chuyển cầu cho nhau; hiệp thông công trạng: việc nhỏ nhất chúng ta làm vì đức mến đều sinh ích lợi cho mọi người, trái lại mọi tội lỗi đều làm tổn thương đến toàn thân thể. Mọi tội lỗi đều ‘mang tính xã hội’, gây ra những ‘hậu quả xã hội’. Cả những tội thầm kín vẫn làm thiệt hại Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô; đó là chưa nói đến những tội công khai, vốn sẽ tác hại nghiêm trọng, gây tai tiếng và có thể dẫn người khác vào đường tội lỗi; thậm chí, mất đức tin. Địa vị càng cao, tàn phá của tội càng lớn!

Trong tác phẩm ‘Xúp cháo gà cho người Ki tô hữu’ có kể câu chuyện: Trong thời đệ nhị thế chiến, có một chiếc máy bay phe đồng minh (Mỹ) bị rơi ở Đức, viên phi công thoát nạn một cách thần kỳ. Mấy chục năm sau, tại Mỹ, trong một cuộc gặp gỡ tôn giáo, diễn giả kể lại câu chuyện trên, ông cho rằng: có ai đó đã cầu nguyện cho mình, đó là lý do mình mới thoát nạn một cách may mắn và thần kỳ như vậy; có một thính giả ngồi nghe, bà biết rõ thời gian và địa danh chiếc máy bay rơi và chính bà đã tha thiết cầu nguyện xin cho người phi công được thoát nạn, vì nếu bị bắt thì chắc chắn cái chết trong lò sát sinh đang đợi chờ anh.



Bạn có nghĩ được rằng: nhiều khi Chúa muốn ban ơn lành cho kẻ Ngài yêu thương, và nhờ họ mình cũng được hưởng nhờ không? Đức Phan xi cô nhắc nhở những người khỏe mạnh: hãy biết ơn những thành phần đau khổ của Hội Thánh, những người tàn tật, bệnh tật, đau khổ tinh thần và những người lành thánh, vì nhờ lời van xin tha thiết của họ mà ơn thánh tuôn đổ trên Giáo hội và trên địa cầu. Chúng ta thường tạ ơn Chúa, vì những ơn mình thấy được và cả những ơn mình không nhận ra là ơn; chúng ta tạ ơn người vì những người mình biết và cả những người âm thầm cầu nguyện cho mình mà mình không biết, vì thế câu 'xin Chúa trả công vô cùng cho kẻ làm phúc cho chúng con' không bao giờ thừa!

Câu nói cửa miệng ĐGH Phanxico là: xin hãy cầu nguyện cho cha. Để có thể nói câu này, người nói phải ý thức sự yếu đuối của bản thân và xác tín vào sự chuyển cầu cũng như tác động thông công của ơn thánh. Chúa muốn chúng ta chuyển cầu cho nhau, giữa những người sống, điều này khó vì tính ghen tị: trong thâm tâm ta không muốn kẻ khác được hơn mình về bình an – thành công… Còn việc chuyển cầu cho người đã khuất thì dễ hơn, nhưng chúng ta phải xin những người đã khuất cầu nguyện cho mình nữa, dựa vào SGLHTCG số 958: “Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu”.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

MỘT LỜI CẢNH TỈNH CẦN THIẾT

 



 (Rev. Ron Rolheiser, OMI)

Một tu sĩ dòng Biển Đức chia sẻ câu chuyện này với tôi.  Trong những năm đầu đời tu, tu sĩ bị phẫn uất vì cần bất cứ gì cũng phải xin phép Đan viện phụ.  “Tôi nghĩ làm vậy thật ngốc.  Một người trưởng thành như tôi, muốn một cái áo mới cũng phải xin phép bề trên.  Tôi thấy mình như trẻ con vậy.”

 

Nhưng khi lớn thêm vài tuổi, cái nhìn của người tu sĩ khác đi. “Tôi không chắc lắm về mọi lý do, dù tôi chắc chắn chuyện này có liên quan đến ân sủng.  Nhưng đến một ngày, tôi thấy ‘chuyện cái gì cũng phải xin’ có một khôn ngoan sâu sắc.  Chúng ta chẳng sở hữu gì cả, chẳng có gì mặc định là của chúng ta cả.  Tất cả đều là ơn ban.  Nên về mặt lý thuyết, phải xin tất cả mọi thứ, chứ không lấy như thể chúng ta có quyền.  Chúng ta cần biết ơn Thiên Chúa và vũ trụ vì mọi sự đã được ban cho chúng ta.  Bây giờ khi tôi cần một cái gì đó cần xin phép, tôi không còn cảm thấy mình là con nít.  Thay vào đó, tôi cảm thấy mình hòa hợp thích đáng hơn với cách thức điều hành mọi sự trong vũ trụ theo ơn ban mà trong đó không một ai có quyền tối hậu trên cái gì.”

 

Điều mà tu sĩ này hiểu ra chính là nguyên tắc nền tảng cho mọi linh đạo, mọi luân lý, và mỗi một điều răn, cụ thể là tất cả mọi sự đến với chúng ta như một tặng vật, chứ chẳng có gì là của chúng ta.  Chúng ta nên biết ơn Thiên Chúa và vũ trụ vì cho chúng ta những gì chúng ta có, và chúng ta cẩn thận đừng đòi thêm như thể mình có quyền.

 

Nhưng điều này rất trái ngược với cái tôi bản năng và văn hóa của chúng ta.  Trong cả hai điều này có những tiếng nói mạnh mẽ bảo chúng ta nếu không thể lấy được điều mình muốn thì mình là kẻ yếu đuối, yếu đuối theo cả hai nghĩa.  Thứ nhất là tính cách yếu đuối, quá hèn nhát không dám giành lấy cuộc đời.  Thứ hai, là bị sự dè dặt của tôn giáo và luân lý làm cho yếu đuối, không thể giành lấy một cách thích đáng và sống cho thật trọn vẹn.  Những tiếng nói này bảo chúng ta phải lớn lên, vì trong chúng ta có quá nhiều thứ sợ hãi và ấu trĩ, vì chúng ta là đứa trẻ bị những thế lực mê tín giam giữ.

 

Chính bởi những tiếng nói như vậy mà ngày nay, trong một văn hóa tự nhận là Kitô hữu và luân lý, những nhân vật chính trị và xã hội lại hoàn toàn thật lòng tin, cho rằng sự cảm thông là sự yếu đuối của con người.

 

Chúng ta cần một lời cảnh tỉnh quan trọng.

 

Tiếng của Chúa Giêsu là phản đề hoàn toàn đối với những tiếng nói này.  Cảm thông là nhân đức gần như tối hậu của con người, là phản đề của sự yếu đuối.  Chúa Giêsu nhìn vào những gì là dứt khoát, hùng hổ và tích lũy trong xã hội chúng ta, cho dù chúng được ngưỡng mộ đến như thế nào, Ngài cũng sẽ nói rõ rằng đó không phải là ý nghĩa của việc đến bàn tiệc ở tâm điểm vương quốc Thiên Chúa.  Chúa Giêsu sẽ không có chung sự ngưỡng mộ của chúng ta dành cho những người giàu có và nổi tiếng vốn quá thường xuyên giành lấy, như thể họ có quyền, tài sản và địa vị quá mức của mình.  Khi nói rằng người giàu vào nước trời còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim, có lẽ Chúa Giêsu sẽ làm rõ hơn khi nói thêm: “Dĩ nhiên trừ khi người giàu giống như trẻ con, xin phép vũ trụ, cộng đoàn và Thiên Chúa khi muốn một chiếc áo mới!”


 

Khi tôi ở nhà tập, linh mục phụ trách tập viện đã cố gây cho chúng tôi ấn tượng về ý nghĩa của sự khó nghèo đời tu, ngài bảo chúng tôi viết mấy chữ la-tinh: ad usum (để bạn dùng) trong mỗi quyển sách được phát.  Dù quyển sách này được giao cho chúng tôi dùng riêng, nhưng chúng tôi không sở hữu nó.  Nó chỉ được để cho chúng tôi dùng, quyền sở hữu thì ở người nào đó khác.  Rồi chúng tôi được dạy, điều này cũng đúng với bất kỳ vật gì được giao cho chúng tôi dùng riêng, từ bàn chải đánh răng cho đến chiếc áo mặc trên người: chúng không thật sự là của chúng tôi, mà chỉ đơn thuần được giao cho chúng tôi dùng.

 

Một tập sinh thời đó cùng tôi, sau này đã rời dòng và bây giờ là bác sĩ, anh vẫn là bạn thân của tôi, anh chia sẻ với tôi, dù bây giờ là bác sĩ, anh vẫn viết mấy chữ ad usum trong mọi quyển sách của anh.  Lý luận của anh: “Tôi không ở dòng tu.  Tôi không có lời khấn khó nghèo, nhưng tôi thấy khi ở thế giới này, nguyên tắc linh mục dạy chúng tôi thật xác đáng không khác gì khi ở tập viện.  Chúng ta chẳng sở hữu gì hết.  Những quyển sách này không hẳn là của tôi.  Chúng được giao cho tôi, tạm thời, để tôi dùng.  Chẳng có gì hoàn toàn thuộc về bất kỳ ai.  Và tốt nhất là đừng bao giờ quên điều đó.”

 

Bất kể chúng ta giàu có, uy lực và trưởng thành đến thế nào, thì trong chuyện xin phép để mua một chiếc áo mới luôn có một điều gì đó thật lành mạnh.  Nó giữ chúng ta hòa hợp với sự thật rằng vũ trụ thuộc về tất cả mọi người, và tối hậu là thuộc về Thiên Chúa.  Mọi thứ đến với chúng ta đều là tặng vật, cho nên chúng ta đừng bao giờ mặc định xem cái gì là của mình, mà hãy mặc định xem là đã được ban cho!

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI