Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

Sứ mạng

 



Bài trích sách Sáng Thế nhắc đến nhân vật Giuse, tể tướng Ai Cập, là một trong 12 người con ông Gia cop. Ông Giu se đã sớm nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, nên lòng ông không hề giận ghét và có ý định trả thù các anh em vì đã cạn tình ráo máng với mình, ông chỉ thử thách anh em để giúp họ có lòng sám hối thật sự vì những hành vi gian ác xưa kia. Giuse đáp rằng: “Anh em đừng sợ! Nào chúng ta có thể chống lại thánh ý Chúa sao? Các anh đã lo nghĩ sự dữ cho tôi, nhưng Thiên Chúa đã đổi nó ra sự lành để tôi được vinh hiển như anh em thấy hôm nay và để cứu sống nhiều dân tộc (St 50,20).

Câu chuyện ông Giuse của Cựu Ước là hình ảnh của chính Chúa Giê su, một người cũng bị bán và bị giết - tưởng chừng như một thất bại, nhưng rồi Người đã phục sinh: cái chết tự hiến của Người đã trở nên giá chuộc cho nhân loại, viên đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường – xây nên tòa nhà Giáo hội và của thành thánh Giê ru sa lem trên trời. Câu chuyện Chúa gọi các tông đồ cũng là một phác họa cho kế hoạch Thiên Chúa thường dùng: Chúa gọi những người thuyền chài ít học và thu thuế để làm nền móng cho Hội Thánh, và chính ơn Chúa đã hoạt động trong lịch sử để Giáo hội đó trường tồn cho đến ngày tận thế.

Bài học lịch sử đó vẫn là lộ trình của từng người chúng ta: bàn tay Chúa vẫn dìu dắt cuộc đời từng người chúng ta, mỗi người có một sứ mạng khi được sinh ra và đặt để trong môi trường cụ thể mình đang sống, chỉ có điều là chúng ta thường không nhận ra sứ mạng và lãng quên những việc kỳ diệu Chúa làm cho mình. Đức Phan xi cô nói: “Ở nguồn gốc của việc làm một Ki tô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”(GE 7).

Có những đứa con thưa chuyện với cha mẹ: “con không hiểu tại sao mình phải sống?”. Sở dĩ người ta đặt câu hỏi đó là vì đã quên rằng mình có một sứ mạng: làm sáng danh Chúa, nói cho người khác biết tình thương của Chúa dành cho nhân loại và cho từng người. Người Ki tô hữu dễ quên sứ mạng của mình khi sống chung đụng với dân ngoại: họ chỉ có những chỉ tiêu ngắn hạn như nuôi dạy con cái, có nghề nghiệp ổn định, lo liệu gia đình cho con, hưởng thụ cuộc sống; họ chỉ lo sống sao cho người khác chấp nhận mình và không ai ức hiếp được mình, thế thôi. Chúa Giê su nói đến sự vô dụng của người Ki tô hữu được ví như muối bị lạt: khi họ sống mà quên mất sứ mạng của mình, để rồi chỉ lo những chuyện vụn vặt như cơm ăn áo mặc, tích góp tiền bạc, danh vọng và thú vui… tất cả sẽ qua đi nhanh chóng khi ta già, bệnh và chết. Chỉ có một điều tồn tại sau khi ta chết là những thứ mình đã trao ban và hiến dâng cho Chúa và anh em.



“Nước Trời đã đến gần” luôn là câu cửa miệng của Chúa Giê su khi Người sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Con người xưa cũng như chúng ta hôm nay luôn xem Tin Mừng như một giáo lý cao siêu và tốt đẹp, nhưng cứ từ từ áp dụng – còn bây giờ cứ vui hưởng cuộc sống đã. Não trạng như vậy thì Tin Mừng chỉ là một phạm trù luân lý, nhưng đúng hơn Tin Mừng phải là một cuộc gặp gỡ - một biến cố đổi đời – một viên ngọc quý khiến ta vui mừng đánh đổi tất cả để bước theo Giê su.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét