Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

Truyền giáo

 



Có lẽ đây là một chủ đề nhức nhối của Giáo hội hoàn vũ và của từng người Ki tô hữu, vì khi lãnh nhận bí tích rửa tội mỗi người được trở thành con cái Thiên Chúa với 3 chức vụ: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Chúng ta ôn lại 3 chức vụ này, thái độ của người được sai và mệnh lệnh phải nói.

 Ngôn sứ là người được sai đi để nói lời của Thiên Chúa, phổ biến đạo lý, sống điều mình tin, mạnh dạn tỏ ra mình là người có đạo. Tư tế là dâng của lễ lên Thiên Chúa, dâng mình làm của lễ sống động và trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Vương giả là vua – cai trị và phục vụ: thống trị nết xấu nơi bản thân, tạo một môi trường lành mạnh và thuần khiết thấm nhuần giáo lý Ki tô, phục vụ trong khiêm tốn và vô vị lợi. Người có đạo lâu năm và cư trú trong một xứ đạo toàn tòng thường dễ quên những phẩm chất của mình: không học hỏi thêm về giáo lý – dù bây giờ có rất nhiều cách để tích lũy và tìm hiểu giáo lý một cách cặn kẽ như các trang mạng, youtube, Kinh Thánh 100 tuần của Đức Cha Khảm… đã vô tri thì bất mộ, mà không yêu mến Giáo hội thì sẽ dẫn đến một thái độ thụ động trong đời sống đạo và việc truyền giáo.

Khi nói về đồng lúa chín vàng, Chúa truyền 2 điều: Hãy xin và hãy ra đi. Thực trạng là thỉnh thoảng chúng ta có xin và đóng góp một ít tiền, còn việc ra đi thì dành cho các nhà truyền giáo – các cha và các sơ. Linh mục Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự) có đưa ra một thống kê về con số tân tòng rất đau lòng: Mỗi năm, tại Việt Nam, số tân tòng (người lớn được rửa tội) khoảng 70.000, trong đó khoảng 40.000 là vì hôn phối, số còn lại rất khiêm tốn, không đủ chia cho các linh mục và tu sĩ mỗi vị/một người (chỉ ghi lại theo trí nhớ). Điều Chúa muốn là mỗi Ki tô hữu hãy ra đi đến vùng nước sâu, ra đi khỏi bản thân mình – khỏi giáo xứ mình để làm một điều gì đó cho Chúa. Chuyện kể về chân phước Charles De Foulcaud (1858 -1916), thời trẻ ngài đã chạy theo danh vọng trong binh nghiệp và mất đức tin, một hôm đứa cháu nhỏ hỏi ngài: “Cậu đã làm gì cho Chúa Giê su chưa?” , ngài đã suy nghĩ nhiều về câu nói đó, đã được ơn hoán cải và đi truyền giáo ở Phi Châu, lập nên dòng Tiểu đệ và Tiểu muội. Chúng ta thường an phận với những gì mình có, thường đưa ra nhiều lý luận cản trở tri thức và hoạt động cho Giáo hội như: biết nhiều khổ nhiều, biết nhiều tội nhiều, mình ít học, mình già rồi không học được nữa… Hãy nhìn xem các xã hội phương tây, họ học mãi và đầu óc họ như đóa hoa hướng dương luôn mở rộng với những kiến thức bổ ích, còn người VN mình cứ nhậu và ngồi chém gió, kèn cựa nhau và ganh tị nhau từng tiếng gáy, mãi bước theo những lối mòn của tập tục.



Chúa truyền dạy: đừng mang bị, đừng mặc hai áo, không đi dép, đừng đi hết nhà này đến nhà khác. Chúng ta dừng lại ở cái bị: bị là để đựng những thứ cần thiết như tiền bạc, muốn nói đến thái độ thu tích (vụ lợi) và an toàn. Trong sứ điệp truyền giáo, Đức Phan xi cô nói với ta: Dù công việc truyền giáo là công việc khó khăn, nhưng những người dấn thân truyền giáo đừng quá tự hào vì những đóng góp được xem như anh hùng của mình, vì sáng kiến và sức mạnh của truyền giáo là từ Thiên Chúa và của Thiên Chúa. Tâm lý bình thường, ta dễ làm việc vì lợi nhuận, nên việc phục vụ vô vị lợi phải được tập luyện. Bạn không thích mất thời giờ, công sức mà không có gì bỏ vào trong bị - đưa về cho gia đình; nhưng hãy nhớ: phục vụ đem lại niềm vui, cho thì có phúc hơn là nhận, hãy vui mừng vì phần thưởng trên trời Chúa dành cho người đầy tớ trung thành.

Hãy nói: bình an cho nhà này, triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hai sứ điệp này liên hệ trực tiếp với nhau: sự bình an là có Chúa hiện diện. Ta dễ nhận ra có những vị tu sĩ rất bình an: họ thanh thản với nhịp sống của tu viện và thời cuộc, dường như họ tránh được những tham sân si, và sự bình an toát ra nơi diện mạo, lời nói, bước đi và nhất là nơi sự tuân phục – khiêm tốn. Ta không thể trao ban sự bình an khi lòng ta không bình an. Người Ki tô hữu bình an vì biết rõ mình từ đâu tới, con đường mình đang đi và nơi mình sẽ đến; họ bình an vì biết Chúa ở với mình, là người cha dũng mạnh – đầy yêu thương và không bao giờ bỏ rơi mình, dù trong hoàn cảnh nào – mãi cho đến ngày tận thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét