Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Luật trời

 



Ông Moi sen nói với dân Do Thái: những lời được ghi trong Kinh Thánh Cựu ước là những mạc khải của Thiên Chúa cho con người để họ được sống đời đời; Lời không ở nơi cao trên trời và xa bên kia biển, mà Lời được ghi trong sách và trong lòng người (Tl 30, 10-14). Trong những chuyện thần thoại và kiếm hiệp thường nói tới những ‘bí kíp’ là những công thức bí mật được cất giấu ở những nơi tuyệt mật – đem lại sức mạnh siêu việt cho ai sở hữu được nó.

Tin Mừng Gioan mở đầu: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Lời ở với Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1), Và khi đến thời viên mãn Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để hoàn tất mạc khải và hiến thân mình làm giá chuộc cho muôn người: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20). Ngôi Lời đã làm người, nên Lời của Chúa Giê su được phán như Đấng có uy quyền, và Ngài đã tóm gọn lề luật trong một điều luật quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27). Chúng ta nhận ra rằng: bí kíp này hoàn toàn là của Cựu Ước, không có một chữ nào của thời Tân Ước, vậy công trình nhập thể, rao giảng, chết và phục sinh của Chúa không có một ý nghĩa gì đáng kể sao? – Thưa, Chúa Giê su đến để thực hiện lời dạy đó, và chừng đó là đủ.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa (Yahweh, Gia- vê), Thiên Chúa ngươi. Dân Do Thái đã phải chật vật đấu tranh để trung thành với Đức Chúa, là Chúa của các tổ phụ, là Đấng đã đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, đã ký kết giao ước Sinai, đã yêu thương và bảo bọc dân qua dòng lịch sử của họ. Nhiều khi họ thấy Chúa ở quá xa, hoặc Chúa đã bỏ rơi họ… và họ thờ thêm các thần của dân ngoại, và mỗi lần như thế thì Thiên Chúa nổi giận vì Ngài là Đấng hay ghen. Chúa Giê su đã làm gương cho ta về đức thờ phượng: Ngài đến để chu toàn ý Cha và chỉ thờ phượng một mình Chúa.

Hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Đây là một câu văn khá hay, nhưng chúng ta không dừng lại ở văn chương mà ở ý nghĩa: dành mọi sự cho Thiên Chúa. Thực tế là chúng ta hay chọn thái độ nửa vời: vẫn tuyên xưng Chúa là Chúa tể vũ trụ, là Đấng đã yêu thương chịu chết cho mình và sau khi chết ta sẽ được sống với Ngài muôn đời, thế nhưng lòng ta vẫn chạy theo danh vọng, tiền bạc và lạc thú trần gian. Chúng ta nhớ lại bộ phim Tây Du Ký: trong con người Đường Tăng (mỗi chúng ta) vẫn có Tôn Ngộ Không (lý trí, sự thông minh), Trư Bát Giới (đam mê xác thịt, tình cảm), Sa tăng (người hỗ trợ, trung thành và ôn hòa), và Bạch long mã (thân xác).  Chúa Giê su đã yêu đến chết, yêu hết lòng-hết linh hồn và hết trí khôn; Chúa vẫn bị cám dỗ đi con đường tắt, xuống khỏi thập giá… nhưng vì tình yêu, Chúa đã yêu đến cùng và hoàn tất ý định cứu chuộc của Cha giao phó.



Hình ảnh của người Sa ma ri nhân hậu chính là hình ảnh của Chúa Giê su. Luật Do Thái cắt nghĩa người đồng chủng mới là người thân cận, nhưng qua dụ ngôn thì Chúa Giê su giúp ta hiểu: mọi người là anh em tôi vì cùng là con một Cha trên trời, và Chúa đã chết để liên kết mọi dân tộc thành những chi thể của một thân thể duy nhất là Giáo hội. Người Sa ma ri đã chạnh lòng thương người bị nạn, đã dừng lại săn sóc bất chấp nguy hiểm, tốn kém và phiền phức: Chúa Giê su đã yêu nhân loại đến cùng và còn mãi yêu những tâm hồn tìm đến nương ẩn bên Ngài.

Hãy kính thờ Chúa hết lòng, và hãy yêu tha nhân vì Chúa hiện diện nơi họ. Mến Chúa yêu người hòa quyện vào nhau như hai mặt của một đồng tiền của nhân đức thờ phượng là vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét