Bài đọc Sáng Thế 19, 20-22 nói đến một chi tiết đáng cho
chúng ta để ý, vì giúp cho chúng ta sống đạo tốt hơn: ông Lot đã xin sứ thần
vào trú trong thành Xô-a để tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa – Chúa sắp mưa lửa
xuống hai thành Sodoma và Gomora và các vùng lân cận. Có thể nói rằng: nhờ có
ông Lot mà thành Xô-a được cứu thoát, điều này làm ta liên tưởng đến mầu nhiệm
Các Thánh Thông Công: các phần tử trong Thân Thể mầu nhiệm Chúa Ki tô được hưởng
nhờ công trạng của nhau. Sự hưởng nhờ lớn nhất là: chúng ta được cứu chuộc nhờ công trạng Chúa Ki tô mang lại: "nhờ Người mang thương tích mà chúng ta được chữa lành" (Is 53,5).
Dựa vào SGLHTCG từ số 946-962, chúng ta có thể kể đến những sự
hiệp thông cụ thể như sau: Hiệp thông trong ơn Thánh: Giáo hội lữ hành, Giáo hội
đau khổ và Giáo hội vinh quang có thể chuyển cầu cho nhau; hiệp thông công trạng:
việc nhỏ nhất chúng ta làm vì đức mến đều sinh ích lợi cho mọi người, trái lại
mọi tội lỗi đều làm tổn thương đến toàn thân thể.
Trong tác phẩm ‘Xúp cháo gà cho người Ki tô hữu’ có kể câu
chuyện: Trong thời đệ nhị thế chiến, có một chiếc máy bay phe đồng minh (Mỹ) bị
rơi ở Đức, viên phi công thoát nạn một cách thần kỳ. Mấy chục năm sau, tại Mỹ,
trong một cuộc gặp gỡ tôn giáo, diễn giả kể lại câu chuyện trên, ông cho rằng:
có ai đó đã cầu nguyện cho mình, đó là lý do mình mới thoát nạn một cách may mắn
và thần kỳ như vậy; có một thính giả ngồi nghe, bà biết rõ thời gian và địa
danh chiếc máy bay rơi và chính bà đã tha thiết cầu nguyện xin cho người phi
công được thoát nạn, vì nếu bị bắt thì chắc chắn cái chết trong lò sát sinh
đang đợi chờ anh.
Bạn có nghĩ được rằng: nhiều khi Chúa muốn ban ơn lành cho kẻ
Ngài yêu thương, và nhờ họ mình cũng được hưởng nhờ không? Đức Phan xi cô nhắc
nhở những người khỏe mạnh: hãy biết ơn những thành phần đau khổ của Hội Thánh,
những người tàn tật, bệnh tật, đau khổ tinh thần và những người lành thánh, vì
nhờ lời van xin tha thiết của họ mà ơn thánh tuôn đổ trên Giáo hội và trên địa
cầu. Chúng ta thường tạ ơn Chúa, vì những ơn mình thấy được và cả những ơn mình không nhận ra là ơn; chúng ta tạ ơn người vì những người mình biết và cả những người âm thầm cầu nguyện cho mình mà mình không biết, vì thế câu 'xin Chúa trả công vô cùng cho kẻ làm phúc cho chúng con' không bao giờ thừa!
Câu nói cửa miệng ĐGH Phanxico là: xin hãy cầu nguyện cho
cha. Để có thể nói câu này, người nói phải ý thức sự yếu đuối của bản thân và
xác tín vào sự chuyển cầu cũng như tác động thông công của ơn thánh. Chúa muốn chúng
ta chuyển cầu cho nhau, giữa những người sống, điều này khó vì tính ghen tị:
trong thâm tâm ta không muốn kẻ khác được hơn mình về bình an – thành công… Còn
việc chuyển cầu cho người đã khuất thì dễ hơn, nhưng chúng ta phải xin những
người đã khuất cầu nguyện cho mình nữa, dựa vào SGLHTCG số 958: “Lời cầu nguyện
của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu
của họ cho chúng ta nên hữu hiệu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét