Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Lòng quảng đại




Những bản văn của Chúa Nhật 32 Tn gợi lên cho ta những suy tư về lòng quảng đại. Trao ban và nhận lãnh là hai khía cạnh của tình yêu. Sự thường thì việc cho đi khó hơn là nhận lãnh. Nhưng khi một người khá dư đầy của cải thì việc nhận lãnh cũng rất khó, vì tính sĩ diện và không muốn mang ơn. Và thường một người túng thiếu thì chỉ mong nhận lãnh mà ít nghĩ đến việc cho đi, vì nghĩ rằng mình chẳng có gì để trao ban.
Hai bà góa, một ở Sa-rép-ta và một trong Tin Mừng Mác-cô lại đánh động chúng ta vì họ thể hiện một sự quảng đại trong việc trao ban: rộng rãi cho đi trong cảnh nghèo túng cùng cực của mình. Bà góa nghèo của thời cựu ước được hưởng phần thưởng ngay: mạng sống cả 3 người được cứu sống suốt qua mùa hạn hán. Phép lạ xảy ra là do lòng xót thương của Chúa cộng với lòng quảng đại của bà. Còn bà góa của thời tân ước được Chúa Giêsu khen tặng hết lời, như một mẫu gương cho ta noi theo. Chúa Giêsu đề cao tấm lòng của người đàn bà góa nầy vì hành động cho đi đến cùng của bà là hình ảnh của chính cuộc đời Ngài. Chúa Giêsu đã từ bỏ cõi trời đến ở với loài người để chia sẻ phận người, và khi đến thời đến buổi Chúa cũng trao ban tất cả cho ta trong việc hiến tế chính mình để đền tội cho nhân loại (Hr 9,26).

Lời tiên tri Ê-li-a nói “đừng sợ” đã được hai bà góa thực hiện một cách triệt để. Hai bà cứ cho đi tất cả, dù mình chẳng còn lại gì và chẳng biết ngày hôm sau sẽ sống thế nào. Có thể nói hai bà góa đã có một sự tin tưởng đến liều lĩnh rằng Thiên Chúa sẽ định liệu, họ trao ban cả cái tôi để hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Chúng ta liên tưởng đến thái độ của ông Abraham khi dám lìa bỏ quê hương và khi dơ tay định sát tế đứa con trai duy nhất của mình, vì vâng lệnh Chúa. Và đó cũng là thái độ của Mẹ Maria khi nhận lời thiên sứ truyền tin, của thánh cả Giuse và của các thánh tử đạo: trao ban cả mạng sống và cả tương lai vào tay Chúa định liệu. Đừng sợ để mở cửa tâm hồn cho Chúa Kitô và đừng sợ khi Chúa muốn ta hiến thân phục vụ anh em. Mẹ Têrêxa nói với ta rằng: Hãy cho đi đến độ ta cảm thấy đau đớn thì việc cho đi mới đáng kể. Việc 'cho đi' phải được luyện tập như bài tập thể dục. Một phương cách tập luyện hữu ích là tham gia sinh hoạt tập thể trong giáo xứ và giáo phận. Đôi lúc ta đau xót vì mất giờ, vì đụng chạm, vì chẳng có lương bổng, nhưng hãy nghĩ đến những lời của Kinh Hòa Bình để tìm được lẽ sống: "chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là khi gặp lại bản thân, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời".
Xã hội đang loạn lên vì con người thường vơ vét mọi lợi lộc và những điều tốt lành cho mình mà không xét đến anh em. Người ta buôn bán vũ khí, buôn bán nô lệ thời mới (cơ phận, mại dâm, lao động), ma túy và hàng lậu, dùng hóa chất trong sản xuất (chế biến, chăn nuôi, trồng trọt, nước thải ô nhiễm) … miễn sao thu lợi càng nhiều càng tốt, ai chết mặc ai. Gần đây, Việt Nam được xếp vào tốp đứng đầu về tỷ lệ bệnh ung thư. Điều nầy cũng dễ hiểu vì điều kiện sinh hoạt và môi trường sống còn thiếu vệ sinh, hệ thống kiểm định an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo: nhìn đâu cũng thấy chất độc nhưng không ăn không uống thì lại chết đói. Nghĩ đến cái chết và nghĩ đến bệnh ung thư ta cảm thấy sợ, nhưng cũng là một động lực để ta sống tốt những ngày được Chúa ban cho sức khỏe. Còn giờ nào, ngày nào gặp gian nan thử thách thì cứ phó thác cho Thiên Chúa định liệu. Hãy can đảm đi ngược dòng khi biết trao ban rộng rãi cho tha nhân, đừng làm gì lợi mình mà hại người.
Có rất nhiều bà góa thời tiên tri Ê-li-a nhưng chỉ có bà góa ở Sarepta là được Chúa đoái thương. Điều này nói lên hồng ân nhưng không. Được trở thành con cái Chúa cũng là một hồng ân nhưng không mà ta phải cảm tạ suốt đời. Được sinh ra trên cõi đời, được sống đến giây phút nầy, được hưởng sự êm ấm của một gia đình, được ngồi trước màn hình vi tính, được lành lặn cơ thể, được có những của cải và điều kiện như đang có… đều là một ân ban hơn là vì tôi xứng đáng. Bởi đó, hãy dâng lời tạ ơn mỗi ngày (kinh cám ơn, kinh đội ơn).
Được gọi trở thành linh mục và tu sĩ, hoặc để sống bậc sống gia đình cũng là một hồng ân nhưng không mà ta phải tạ ơn và nhất là hãy sống khiêm tốn phục vụ. Trong bài Tin Mừng Chúa cảnh giác dân chúng đừng học theo và đừng  “đánh giá sai” lối sống hình thức của các kinh sư: hám danh, giả hình, hưởng thụ. Tiêu chuẩn để đánh giá một con người đạo đức là khiêm tốn, trao ban và liên kết mật thiết với Chúa. Chiếc áo không làm nên thầy tu mà là nhân cách: hiến thân, băng bó chữa lành chứ không phải cứ rình làm thịt chiên. Còn đời sống hôn nhân thì rõ rồi: cứ khiêm tốn phục vụ, biết tha thứ, cùng nhau cầu nguyện thì sẽ hạnh phúc.

Môi trường gia đình là nơi thích hợp để rèn luyện đức yêu thương: trao ban và nhận lãnh. Tình yêu cha mẹ dành cho nhau là một lời dạy hùng hồn cho con cái. Nhưng hãy xét mình lại xem mình có nêu gương sáng về sự phục vụ vô điều kiện, phục vụ trong khiêm tốn (không khoe khoang hay kể công) hay không? Hãy coi chừng thói nạnh kẹ và so đo tính toán vẫn ẩn nấp ngay trong các thành viên gia đình. Cha mẹ hãy giúp con cái mình biết tha thứ cho nhau, sống hòa thuận và nâng đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, có vậy con cái chúng ta mới biết trao ban trong đời sống xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét