Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

MÙA BÁO HIẾU




Tháng 11 đã về. Đối với người Kitô hữu, tháng 11 được gọi là mùa báo hiếu, vì trong tháng này người tín hữu dồn mọi nỗ lực như dâng thánh lễ, hy sinh, việc lành, chăm sóc và thăm viếng mồ mả để cầu nguyện cho những người đã lìa thế.Một điều đáng mừng là trong những ngày nầy, nghĩa trang các giáo xứ tưng bừng hoa nến và dạt dào tình người. Cha cố Phaolô Nguyễn Công Minh đã nói một câu rất hay: “Hãy làm cho nghĩa địa thật đẹp, đến nỗi ai cũng mong ước được ở đó”.

Giáo hội dạy chúng ta rằng: Lá rụng về cội. Hết đời sống tạm, thân xác trở về đất, còn hồn thiêng về với Chúa, nếu chết trong ơn nghĩa Người. Nhưng mấy ai hoàn toàn trong sạch để xứng đáng chiêm ngắm Thiên Chúa là Đấng cực thánh, nên thường linh hồn phải trải qua giai đoạn thanh luyện cho nên trong trắng. Sau khi đã chết, con người không còn điều kiện lập công, phải nhờ đến Giáo hội lữ hành cầu nguyện cho. Hãy cầu nguyện nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là những người thân thuộc. Nếu họ đã được giải thoát thì những lời cầu nguyện được chuyển cho những linh hồn khác và các linh hồn đó sẽ cầu bầu cho ta khi ta đã lìa thế.

Mỗi lần viếng Đất Thánh, không những là để cầu nguyện cho các linh hồn đã đành mà còn là dịp ta suy gẫm về cái chết của chính mình, sống sao cho xứng đáng người con cái Chúa, trong khi chờ đợi ngày Chúa gọi ta về với Người. Một nhà tu đức nào đó đã dạy: nghĩ về cái chết không phải là để bi quan, nhưng là để sống cho đúng ý nghĩa cuộc đời hơn, để đặt cho mình những câu hỏi và tìm cho ra ý nghĩa cuộc đời: Tôi từ đâu tới, sẽ đi về đâu, sinh ra để làm gì???

Cha Nguyễn Tầm Thường đã có những suy tư sâu sắc trong những bài suy niệm của mình. Cha nói tới nhân quả bằng những ví dụ rất cụ thể, giúp ta hiểu sự cần thiết của các ơn đại xá và tiểu xá mà ta nhường lại cho các linh hồn:
« Bí tích giải tội tha thứ tội ta phạm. Nhưng bí tích giải tội không cất cái “quả” do nhân kia gây ra. Thí dụ 1: Tôi nói xấu một người. Bao nhiêu người nghe tôi nói, có thành kiến về người đó. Gây ác cảm với người đó. Từ chối không cho người đó công ăn việc làm. Không tin tưởng người đó. Tôi biết mình phạm tội. Tôi đi xưng tội. Tội tôi được tha. Nhưng bí tích giải tội không có năng lực biến đổi hết ý nghĩ xấu trong tâm trí tất cả những người kia. Họ ở khắp nơi như dòng nước chảy thấm xuống ruộng đồng rồi. Họ vẫn ác cảm với người tôi vu khống chuyện xấu mà họ không có. Cái vết thương kia là “quả” do “nhân” tôi gieo, bí tích giải tội không chạy đến từng người và đính chính dùm tôi được. Đó là karma. Đó là nhân quả. Đó là nghiệp báo.
Thí dụ 2: Một người con không học hành, chửi bới bố mẹ. Gây đau khổ cả gia đình. Sau nhiều năm hoang đàng, nay sám hối. Bố mẹ tha thứ, cả dòng họ mừng vui. Nhưng sau nhiều năm không học, cho dù hôm nay sám hối, vẫn không trường nào cho anh mảnh bằng. Không ai cho anh kiến thức. Hậu quả vẫn còn đó.
Thí dụ 3 :Sau năm 1975. Hoàn cảnh đất nước bấy giờ ai cũng nghèo túng. Chồng đi cải tạo. Một mình bà nuôi lũ con chưa đến tuổi khôn. Chỉ vì cãi vã, tức người hàng xóm. Một người bỏ thuốc độc giết con heo nái, cả bày heo con chết theo. Tất cả sự sống của gia đình người ta trông chờ vào mấy con heo… Đàn heo chết. Gia đình suy sụp, con cái nheo nhóc bệnh tật, nợ nần không ngóc lên nổi. Tôi phạm tội ác. Tôi đi xưng tội. Chúa tha tội. Lương tâm tôi đền tội chưa khi bà mẹ kia phải chia các con đi ở đợ cho dân trong làng kiếm miếng ăn? Nếu tôi xưng tội và “đền tội” bằng chục kinh Kính Mừng thì đâu là ý nghĩa đền tội? Bí tích giải tội không làm cho bày heo sống lại. Mất bày heo, con cái họ bệnh tật không thuốc chữa. Bà mẹ đau đớn vì tiếc của rồi phát điên. Hệ lụy này ai mang? Tôi đi xưng tội, nhưng bà hàng xóm kia vấn nghèo khổ, vì không lấy lại được bày heo. Các con bà nheo nhóc không có cơm ăn. Bí tích giải tội không giải quyết hệ lụy nhân quả này. Vậy ai mang? – Luyện tội.
Cha Nguyễn Tầm Thường có 2 bài nói về cái chết rất ấn tượng (ngày lễ vàng, ngày lễ bạc). Chết rồi ai cũng giống nhau, mới chôn thì mùi hôi tanh nồng nặc, chết lâu thì chỉ còn xương, sọ nào cũng giống nhau, chẳng phân biệt nổi sọ của người thông minh hay dốt nát. Nếu trở về thăm mộ vào ngày lễ vàng thì chẳng còn dấu vết gì nữa, chẳng ai biết mình và chẳng còn lưu dấu nơi công trình gì nữa, tựa như vỏ trấu bị gió cuốn và mất hút nơi chân trời.
Kiếp người mong manh là thế đó. Hãy sống tốt giây phút hiện tại. Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành Người ban rất dồi dào phong phú. Và quan trọng nhất là hãy gắng tiến lên trên con đường trọn lành, mỗi ngày – từng chút một. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày Chúa gọi ta về chung hưởng hạnh phúc với các bậc tổ tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét