Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Lòng trông cậy Chúa




Biến cố tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam (19.6.1988), là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Không chỉ là sự nổi tiếng của hai chữ Việt Nam, nhưng biến cố nầy củng cố niềm tin cho các tín hữu đang phải trải qua muôn vàn thách đố của một xã hội rối ren thời hậu chiến. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thắp lên  ngọn đuốc thiêng dẫn đường cho các tín hữu biết can trường thể hiện niềm tin, như men trong bột để làm dậy men một khối bột gấp 10 lần số men hiện có (7 tr/90 tr).

Sách Macabê kể lại câu chuyện: Bà mẹ can trường chịu đựng việc xử tử 7 đứa con trong một ngày là nhờ lòng trông cậy của bà được đặt nơi Chúa. Bà tin rằng Chúa sẽ nâng đỡ cuộc sống hiện tại trên trần thế, ban ơn trong gian nan và thưởng công bội hậu ở đời sau. Bởi đó, bà khích lệ con cái mình: đừng sợ mất mạng sống mình để trung thành với Thiên Chúa là Đấng muôn trùng cao cả.

Nhiều người nói rằng: người có đạo tôn thờ Thiên Chúa một cách vụ lợi vì họ trông chờ được thưởng công trong nước trời. Thực ra, hạnh phúc thiên đàng không phải là phần thưởng cho những công lao ta lập được khi sống trên đời, giống như chiếc huy chương mà vận động viên lập được do tài năng và lao động của mình, mà do lòng chạnh thương của Chúa ban cho. Hãy nhớ lại câu chuyện người công nhân giờ thứ 11 và câu chuyện người trộm lành trên thập giá. Đàng khác, hạnh phúc thiên đàng cũng không phải là thỏa mãn những đam mê mình đã ‘kiêng khem’ trên trần gian, nay được bù lại một cách phủ phê bất tận, mà là no thỏa trong tình yêu Thiên Chúa là nguồn cội của muôn loài. Thánh Augustinô đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Ngài". Hạnh phúc thiên đàng là sự nghỉ ngơi, kết hiệp, chiêm ngắm và yêu mến Thiên Chúa.

Trong vài năm trở lại đây, những người Hồi giáo quá khích IS đã khủng bố và giết hại những người không thuộc phe họ. Họ tin rằng "Những ai bị giết vì “Chúa” đều được vào thiên đàng lạc thú". Nhưng Giáo hội Công giáo cũng tin rằng những người Kitô hữu bị giết cũng là những vị tử đạo, vì họ bị giết là vì không chịu cải đạo sang Hồi giáo. Những Kitô hữu nầy không có cơ hội được tuyên xưng đức tin một cách công khai, nhưng tuyên xưng bằng chính mạng sống của mình; dù họ im lặng chịu hành hình, hoặc thân xác nổ tung vì bom đạn thì những giọt máu của họ đổ ra là một lời chứng hùng hồn rằng họ đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Người tử đạo của IS ở trong tư thế tấn công, thù ghét, làm khiếp sợ để truyền giáo; còn người tử đạo Kitô giáo thì trốn chạy và hiền lành như chiên bị sát tế, tha thứ cho kẻ làm khốn mình, noi gương cuộc tử đạo của Thầy Giêsu.
Giáo lý dạy rằng: kiếp sống trần gian là kiếp lữ hành tiến về quê trời, tựa cuộc xuất hành về đất hứa của dân Do Thái xưa kia. Thực ra con đường từ Ai Cập về đất hứa cũng không xa xôi gì, vậy mà cuộc xuất hành đã trải qua 40 năm trong sa mạc là để nhằm thanh luyện họ. Trong cuộc xuất hành đó, dân Chúa đã trải qua sự truy đuổi của quân đội Ai Cập, đã trải qua sự thiếu thốn cơ cực, đói khát và chán nản, nên đã nhiều lần lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa… nhưng cuối cùng họ đã vào đất hứa, họ đã cảm nghiệm được sự đồng hành gần gũi của Chúa. Cuộc hành trình của dân Do Thái là hình ảnh cuộc hành trình của mỗi người chúng ta đang cùng nhau tiến về quê trời. Là công dân nước trời, là con cái ánh sáng, Kitô hữu luôn bị bắt bớ vi đi ngược dòng đời. Nếu nghĩ rằng mình vừa là con cái Chúa vừa được thế gian yêu mến thì đó là một ảo tưởng. Thế gian có những ‘ngẫu tượng’ của mình và nghe theo lời dạy của vị thần đó, trong lúc Kitô hữu chỉ tôn thờ Thiên Chúa và sống theo lề luật Chúa dạy thì sao mà không có xung khắc và bách hại? Ngày xưa, các Thánh Tử Đạo Việt Nam chẳng làm gì hại nước hại dân, nhưng các Ngài đã bị giết chỉ vì không chịu chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên trời đất, là Tình Yêu. Ngày nay, người ta cũng ‘không ưa’ người Công giáo khi họ tìm kiếm việc làm, người ta dùng luật pháp để hủy hoại gia đình và những giá trị Kitô giáo, người ta hạn chế không cho Giáo hội cộng tác vào y tế và giáo dục để hạn chế tầm ảnh hưởng của tôn giáo.

Ai đó đã từng nói: Trong giấc mơ ai cũng mong ước trở thành thánh tử đạo, nhưng trong cuộc sống ta khó sống cho ra con người. Điều đó muốn nói lên rằng bao lâu còn sống trên trần gian thì cuộc giằng co giữa thiện và ác luôn giao tranh mãnh liệt. Hãy cầu xin với các thánh Tử Đạo Việt Nam để xin ơn phù hộ trở nên chứng nhân can trường giữa dòng đời. Ma quỷ như sư tử gầm thét đang rảo quanh ta để tìm mồi cắn xé. Hãy luôn trông cậy vào Chúa, Chúa sẽ kíp ra tay, cả trong cuộc sống thường nhật và cả khi cần đổ máu để minh chứng cho sự hiện diện của Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét