Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Năm mới




Mùa vọng đã khai mạc năm phụng vụ mới. Mùa vọng là mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô đến trong biến cố Giáng Sinh và cũng để đón chờ việc Ngài đến trong vinh quang.Điều trùng hợp là hai câu Tin Mừng Lc 21,34-36 vừa được dùng trong ngày cuối năm, vừa được dùng trong ngày đầu năm: “Anh em chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng sự đời. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Dầu biết rằng trần gian là quán trọ, là nơi ở tạm để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời mai sau, nhưng lòng con người khó tránh khỏi sự dính bén với vật chất và giá trị đời nầy. Thánh Gioan Tông Đồ nói đó là đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải. Còn giáo sư Peter Kreff thì nhận định về Kitô giáo ở Âu Châu: “Kitô giáo đang suy đồi, đang chết tại Âu Châu, vì người ta theo đuổi một chủ nghĩa khoái lạc trần tục được xã hội kính trọng. Nỗi đam mê duy nhất của nó hiện nay là dục vọng chứ không phải tôn giáo”. Biến cố nước Pháp bị khủng bố vừa qua là một điều xấu mà ai cũng phải lên án, nhưng chắc chắn đó cũng là một tiếng chuông thức tỉnh cho nhiều người rằng: cuộc sống trần gian thật là tạm bợ, hãy lo tìm phần rỗi linh hồn.

Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói tới việc người đầy tớ phải tỉnh thức và sẵn sàng vì không biết giờ nào ông chủ sẽ về. Có những đầy tớ nghĩ rằng còn lâu ông chủ mới về, nên ăn uống say sưa và đánh đập tớ trai tớ gái. Chúa còn bảo: “Vào lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Tùy tình trạng tâm hồn, mỗi người chúng ta sẽ được hưởng phúc thiên đàng hay bị phạt trầm luân.

Thời tuổi trẻ, con người đam mê làm việc và dệt nhiều ước mơ cho cuộc đời. Bước sang tuổi thanh niên, họ thực hiện ước mơ đó trong bậc sống gia đình hay bậc tu trì, rất sôi nổi và với nhiều đấu đá để đạt nhiều thành tích. Nhưng rồi sẽ đến giai đoạn tuổi già, là lúc con người đã nghiệm được nhiều sự đời, cảm thấu nhiều nỗi đau, và nhất là chia tay với nhiều người thân, nên đã hiểu được rằng: ‘cuộc đời là tương đối’, sống sao cho có đức và hạnh phúc, giá trị cuộc đời không phải là những gì mình ‘có’ mà ở những gì mình ‘là’. Khổng-Tử đã kể lại các giai-đoạn thành-đạt của cuộc đời ngài như sau: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" (Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên-chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự-lập, bốn mươi tuổi mới thấu-hiểu hết sự lý trong thiên-hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến-thức và kinh-nghiệm hoàn-hảo để có thể phán-đoán ngay được mọi sự-lý và nhân-vật mà không thấy có điều gì chướng-ngại khi nghe được, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý-muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý). Trong lời phát-biểu trên, Đức Khổng-Tử có ý nói rằng con người tới một lứa tuổi nào đó mới có khả-năng nhận-thức và thực-hành những điều mà người chưa đạt đến lứa tuổi đó thì chưa nhận-thức và thực-hành được.


Lạy Chúa, không biết con có sống đến ngày Chúa quang lâm hay không, nhưng xin cho con biết cầu nguyện và tỉnh thức luôn, vì không biết ngày giờ Chúa gọi con về bên Ngài. Xin cho con biết chăm chỉ làm việc vì chu toàn bổn phận là con đường bảo đảm nên thánh, nhưng xin đừng để lòng con ra nặng nề bởi sự dính bén của cải, ham muốn danh vọng. khao khát đam mê và những giá trị người đời ca tụng. Xin cho con biết nói như Thánh Phaolô: tôi coi mọi sự đời nầy là rơm rác trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa tôi. Xin cho con biết trở về với tình thương bao la của một người Cha, Ngài luôn muốn yêu thương cả loài người, như gà mẹ muốn tụ họp đàn con dưới cánh. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét