Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

NHẦY


Xin lỗi quý vị vì tôi dùng một từ phàm tục nơi đây, nhưng là có lý do của nó. Trong một cuộc gặp gỡ với anh bạn kia, chúng tôi nói chuyện ‘trên trời dưới đất’, anh ấy nói: qua câu chuyện người bạn xin bánh giữa đêm khuya và vị quan tòa bất chính, chính vì hai vị nhầy quá mới được việc! Tôi không có ý kiến gì. Thời gian qua, tôi đọc lại cuốn sách ‘Tiếp xúc với Thiên Chúa’ của cha Anthony de Mello SJ, thấy câu nói của anh bạn quá đúng. Tôi còn nói lại với anh bạn: “Chính Chúa thích chúng ta nhầy với Ngài đấy”. Anh bạn không nói gì, tôi phải trích vài tư tưởng trong sách để thuyết phục anh ấy.

Người ta thường dùng từ ‘nhầy’ để nói về một người khi uống rượu hơi nhiều: nói nhiều, nói những chuyện chán ngắt, lặp đi lặp lại một chuyện làm phiền người khác. Như vậy khi nói rằng Thiên Chúa thích con người nhầy khi cầu nguyện thì có quá đáng chăng?

Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã dạy cho họ Kinh Lạy Cha. Nội dung của kinh này là xin ơn, như vậy có thể nói cầu nguyện là xin ơn. Chúa còn nói đến hai câu chuyện đề cao sự nhẫn nại và nài nỉ cho bằng được: mặt dày mày dạn. Người đàn bà góa đã làm cho vị quan tòa ‘đau đầu nhức óc’, còn người bạn cũng quấy rầy quá mức làm người kia phải chiều ý cho yên chuyện. Đúng là nhầy quá mức chịu đựng. Đan sĩ Sisoes (người kế vị thánh Antôn) đã cầu nguyện cho một đan sĩ trong dòng: “Lạy Chúa, dù Chúa có thích hay không thích, con nhất định không chịu để cho Chúa được yên, cho đến khi nào Chúa chịu chữa lành cho người anh em ấy”.

Những người có trí thức thường nghĩ: điều quan trọng nhất trong cầu nguyện là phải có những tư tưởng cao siêu để thưa chuyện với Chúa, để ngợi khen và tạ ơn. Những người này thường cho rằng đọc kinh (kể cả kinh mân côi) là cách cầu nguyện dành cho người ít học, bình dân. Nhưng Tin Mừng nói rõ: Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Có nhiều hình thức cầu nguyện, có thể suy niệm theo bản văn Kinh Thánh hay sách tu đức, cũng có thể dùng một hình thức cầu nguyện khác: kinh mân côi, Kinh Thánh Danh hoặc một tâm tình đơn sơ giúp mình hướng lòng về Chúa. Đừng nghĩ cầu nguyện là phải bóp đầu bóp trán, đó là suy nghĩ – là suy niệm, sẽ trợ lực cho cầu nguyện, nhưng chưa phải là cầu nguyện. Cầu nguyện là việc làm của con tim hơn là  cái đầu, là lòng mình gần với Chúa, ước mong trở nên giống Chúa trong mọi tâm tình và hành động. Xét như vậy thì ta có thể cầu nguyện ngay trong cuộc sống: bằng một tâm tình thờ lạy, cảm tạ, hối lỗi, xin ơn. Thường chỉ cần một mệnh đề ngắn, được lặp đi lặp lại là phù hợp: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa; Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Cầu nguyện phải có lòng tin. Trong Tin Mừng, lòng tin là điều bắt buộc phải có để phép lạ xảy ra, hoặc của chính đối tượng hoặc của người can thiệp. Điều này được minh chứng qua câu chuyện Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã thiết tha cầu nguyện cho người tử tội, và đã cứu được phần rỗi của anh. Nhiều khi ta không mong chờ phép lạ nên phép lạ không xảy ra. Tôi cứ nghĩ Chúa tôn trọng trật tự trong thiên nhiên, nên Chúa không ưa và không thường xuyên’ làm phép lạ, và thế là tôi rất ít mong chờ điều lạ. Chúng ta vẫn thường nghĩ phép lạ xảy ra là khi Thiên Chúa chiều theo ý con người, làm những điều trái với tự nhiên, nhưng phép lạ vẫn thường xảy ra khi con người vâng theo ý Chúa. Những lời cầu xin tha thiết không làm cho lòng Chúa thay đổi, nhưng lại biến đổi quả tim con người (lòng tin, lòng mến, sự cậy trông) và nhờ thế ta được hưởng ân lộc Chúa ban.

Chúa nói: ai xin thì được. Chúa không ra điều kiện là phải tốt và thánh thiện thì mới được nhận lời, nhưng là mọi người, bất cứ ai có lòng tin và sự kiên trì tha thiết thì  được ơn. Điều này làm chúng ta an tâm, vì Chúa không thiên vị  ai, nhưng bất cứ ai miệt mài tìm Chúa đều được Người xót thương (Cvtđ 10,34). Chính bản thân chúng ta có thể cầu nguyện cho những nhu cầu của mình trong niềm tin tưởng, phó thác, cậy trông và yêu mến của một người tội lỗi. Sở dĩ chúng ta cũng xin người khác cầu nguyện cho mình là vì Chúa thích chúng ta cầu nguyện cho nhau, cho kẻ tội lỗi, cho kẻ ta không ưa, và vì có thể người kia mạnh tin hơn.


Cuộc sống luôn ẩn chứa những bất trắc ngoài tầm với của con người, khiến con người phải luôn cầu xin. Dường như chính Chúa xếp đặt, tạo ra những hoàn cảnh trái ý và những bất ổn trong cuộc sống để con người nhận ra sự yếu hèn bất lực của mình và cậy dựa vào Chúa, như đứa con thơ cậy dựa vào cha mẹ vậy. Hãy luôn tin rằng Chúa có thể làm mọi sự, Chúa là Đấng tốt lành, tầm nhìn của Chúa khác xa cái nhìn thiển cận của con người, để nài xin tha thiết với Chúa về những nhu cầu của mình và tha nhân: Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện, nhu cầu cơm bánh, nhu cầu chữa lành, cả những ước mơ nữa. Hãy tạ ơn Chúa khi lòng mình cảm nhận sự xác tín rằng Chúa đã nhận lời ta cầu xin. Và một điều nữa: Thiên Chúa sẵn sàng thay đổi kế hoạch của Người khi con người tha thiết nài xin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét