Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Hãy là người phục vụ




Khi nói đến hai chữ phục vụ, ta thường nghĩ đến những nhà lãnh đạo xã hội cũng như Giáo hội, vì nó gắn liền với câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn, hãy là người phục vụ”. Từ nhận định đó, ta dễ đi đến xét đoán: các vị cán bộ và một số các linh mục không thực hành được lời dạy của Chúa Giêsu, mà không xét mình rằng  Chúa cũng dạy chính tôi phải có tinh thần phục vụ trong cuộc sống, vì ít ra tôi cũng lãnh đạo trong gia đình hay trong một vài tập thể nào đó.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu có một suy tư rất hay:
“Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối,
thì còn ai muốn đứng đầu nữa không?
Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu
theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ.
Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền
đều không phải là điều xấu,
nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ”. 

Đức Giêsu đã khiêm hạ phục vụ lợi ích con người khi từ bỏ vinh quang cõi trời để mặc thân nô lệ, Chúa lại còn hạ mình để chết tủi nhục trên thập giá, thi hành ý Cha.
Tôi bỗng nhớ lại một vài gương sáng của đức giáo hoàng Phanxicô: Ngài sống ở nhà trọ vì cá tính thích gần gũi và gặp gỡ, ngài thích đi xe mui trần để chào thăm tín hữu mà không sợ một kẻ ‘điên’ nào đó bắn vào mình, ngài nói: Tôi vẫn biết là có thể có kẻ điên nào đó, nhưng nếu tôi tự nhốt mình trong xe bọc kiếng chống đạn, thì trước hết chính tôi là kẻ điên vì không thể gần gũi anh em.
Tôi nghe kể về một linh mục trong giáo phận nhà, bề ngoài không mấy hấp dẫn nhưng cách sống thật đáng nể phục vì mang tính phục vụ và rất quan tâm đến đời sống con chiên bổn đạo. Xin kể một vài chuyện về ngài: Nếu ai đó mời cha dự đám cưới thì có thể Ngài vẫn đi nếu thu xếp được, nhưng nhà có đám tang thì ngài đưa xác tới huyệt mộ cho dù gia đình không mời và dù đã có cha khác làm phép huyệt rồi. Mùa Giáng Sinh, gia đình nào làm hang đá dù lớn dù nhỏ thì cha vẫn đến làm phép hang đá hoặc nhà (nếu nhà chưa làm phép). Ngài nói với giáo dân: tôi làm mọi việc vì lợi ích của anh em, tôi chẳng tích góp gì cho bản thân, bằng chứng là có người thương cảm cha đi dâng lễ đường xa nên muốn tặng cha một chiếc ôtô 800 triệu, cha xin lấy số tiền đó để mua một lô đất cho một họ đạo vùng hẻo lánh. Còn một chuyện nữa, cha thích nuôi chim và chơi cây cảnh, nhưng tuyệt đối không nhận của biếu.
Thư thánh Giacôbê nói với chúng ta về một cuộc chiến nội tâm.Từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng mẹ cho đến ngày lìa thế về lòng đất mẹ, một cuộc chiến dai dẳng từng ngày xảy ra nơi ta giữa hai thái độ cho và nhận. Bản năng tự nhiên thúc đẩy ta nhận càng nhiều càng tốt để bảo đảm nhu cầu sinh tồn, nhu cầu yên ổn, nhu cầu được yêu thương. Chúng ta nhận từ mẹ mình một cung lòng để ở, những giọt máu đầy dinh dưỡng để cơ thể được lớn lên, những tình cảm vui buồn để hạnh phúc. Ra khỏi lòng mẹ, ta nhận từ gia đình và xã hội đủ thứ để lớn lên và phát triển nhân cách. Thế nhưng, sự mong ước nhận lãnh không bao giờ no thỏa về của cải và khoái lạc, nên mới có sự cạnh tranh ghen tị với người khác. Đức khôn ngoan lại dạy ta biết dừng lại chấp nhận cái vừa đủ, biết sống thanh khiết hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo và sinh nhiều hoa trái nhân đức. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu dạy ta sống tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, trong sạch, khao khát sự công chính, biết thương xót, là kẻ tác tạo hòa bình và biết lấy làm hạnh phúc khi bị sỉ nhục và bạc đãi vì danh Chúa. Hãy học tư tưởng của Chúa hơn là khôn ngoan của loài người

Để nên công chính và bình an, con người phải biết học từ bỏ:
Từ bỏ bớt tham vọng và tích trữ của cải cũng như dục vọng để trao ban cho anh em nhiều hơn.
Bớt ghen tương và tranh chấp cãi cọ để mặc lấy sự hiền lành khiêm nhượng như Chúa Giêsu.
Tập bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa mỗi ngày: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Cha trên trời”
Bớt cậy dựa vào của cải, tin cậy vào mình để phó thác nhiều hơn cho Chúa.
Cuối cùng là từ bỏ lại trần gian nầy mọi thứ ta tích góp của kiếp lữ thứ, như lời ông Giop: “Thân trần truồng, tôi sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó, cũng trần truồng. Xin chúc tụng danh Chúa”.

Người tích góp và người biết từ bỏ, ai sẽ hạnh phúc hơn? Chắc chắn người biết sống từ bỏ là người có hạnh phúc đích thực, vì Chúa đã dạy: “Phúc cho các con là kẻ nghèo khó, vì nước trời là của các con”. Nước trời ở đây là chính sự hiện diện của Chúa đem lại sự an bình cho tâm hồn và là hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét