Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Cầu nguyện




Có một người bạn gửi tin nhắn nhờ tôi giúp họ biết cách cầu nguyện thế nào để họ cảm thấy được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Tôi nghĩ đây là một điều khó, và cố gắng soạn ra vài kiến thức đơn giản để giúp người bạn nầy đi được một vài bước trong đời sống cầu nguyện
 Cầu nguyện là việc thiết yếu của đời sống. Chúa dạy ta phải cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Chính Chúa Giêsu đã luôn giữ mối liên lạc với Chúa Cha bằng những giây phút dành riêng cho việc cầu nguyện và ngay cả trong suốt ngày sống.
 Cầu nguyện thế nào. Các môn đệ đã từng xin Chúa Giêsu dạy cho cách cầu nguyện và Chúa đã dạy cách cầu nguyện như kinh Lạy Cha. Nhưng kinh Lạy Cha muốn nói lên ý hướng và tâm tình khi cầu nguyện, chứ không hẳn là Chúa Giêsu bảo cứ đọc đi đọc lại kinh đó trong những giờ cầu nguyện.
 Cầu nguyện là việc làm do Chúa Thánh Linh thúc đẩy. Ngài như gió muốn thổi cách nào tùy ý, nên có thể nói cách cầu nguyện của mỗi người không ai giống ai, và hãy trực tiếp xin Chúa Thánh Thần dạy cho cách cầu nguyện. Chúng ta có đọc sách hay tìm thầy để học cách cầu nguyện thì đó cũng chỉ là tham khảo, rồi mỗi người sẽ tìm được cách phù hợp cho riêng mình. Người VN mình cứ nghĩ cầu nguyện là đọc kinh, đọc càng nhiều kinh thì càng tốt, nhưng nhiều khi miệng đọc mà tâm không suy, đọc xong giờ kinh mà thấy lòng trống vắng.

Thực ra kinh được soạn ra để dùng trong những lần cộng đoàn tụ họp và những kinh đó cũng là một cách tổng hợp giáo lý để giúp mọi người cùng cầu nguyện và cùng tuyên xưng niềm tin vào Chúa, vào các Thánh. Tôi nghĩ chỉ có kinh Mân Côi và kinh Thần Vụ là buộc phải đọc đầy đủ, còn những kinh khác chỉ là một cách giúp tín hữu cầu nguyện chứ không buộc đọc. Một thực trạng là nhiều người trẻ không thích đọc kinh dài dòng, nhưng họ cũng chẳng biết đến cách cầu nguyện phù hợp với tâm hồn mình.
Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, là việc tiếp xúc của hai tâm hồn, như con nói chuyện với Cha, như hai người bạn gặp nhau, người này nói người kia nghe và kết quả là hai tâm hồn liên kết chặt chẽ với nhau. Chuyện kể rằng có vị Giám Mục nọ đến kinh lý một xứ đạo miền quê, Ngài nghe biết trong giáo xứ có một bà nhà quê rất đạo đức và chuyên chăm cầu nguyện. Vị Giám Mục đến thăm bà và hỏi cho biết sự tình. Bà già đó kể rằng : “con không biết chữ nên không thể cầu nguyện được như các cha, hằng ngày con chỉ biết dùng kinh Lạy Cha để cầu nguyện, nhưng con rất buồn là hầu như con không bao giờ đọc hết kinh được. Cứ mỗi lần đọc được câu ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’ là nước mắt con đã giàn giụa vì mình chỉ là thụ tạo hèn yếu mà lại được gọi Thiên Chúa là cha mình. Đức Giám Mục nghe đến đó thì hiểu được lòng đạo đức sâu xa của bà nên nói với bà là cứ duy trì cách cầu nguyện như thế là đủ rồi.

Để cầu nguyện liên lỷ trong suốt ngày sống là một điều khó, vì ta còn phải làm việc suốt ngày và còn gặp gỡ anh em. Nhưng hãy thánh hóa ngày sống bằng những giờ cầu nguyện cố định trong ngày và dùng những lời nguyện tắt để kết hợp với Chúa khi ta nhớ đến Ngài, thêm vào đó là ta sống tốt giây phút hiện tại với ý hướng ‘luôn tìm kiếm ý Chúa’, sống dưới con mắt Chúa.
Những lời nguyện tắt thông dụng được ví như hơi thở của linh hồn hướng về Chúa (ngợi ca, tạ ơn, phó thác, yêu mến, hiến dâng, xin lỗi) :
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, con phó thác đời con cho Chúa.
Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Này con xin đến để thi hành ý Chúa.
Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.
Nói tóm lại, có thể một câu Kinh Thánh ngắn gọn, lời một bài thánh ca, một câu của một kinh quen thuộc… tự nhiên vụt đến trong lòng với một niềm cảm mến sâu xa. Nhiều khi ta đang lái xe trên đường hay lao động một mình, thì lời một bài hát vụt đến làm hồn cảm mến sốt sắng còn hơn một giờ kinh quen thuộc, đó là hoạt động của Thánh Thần vậy.
Ai đó đã từng nói về niềm tin : “Một là tin tất cả, hai là không tin gì cả”. Người có đức tin vững mạnh thì tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và quan phòng mọi sự trong cuộc đời mình, còn kẻ không có đức tin thì cho rằng mọi sự đều tự nhiên. Đức tin được ví như ngọn lửa, hằng ngày phải được nâng niu nuôi dưỡng bằng  nhiều cách : Đọc và suy gẫm Lời Chúa, tìm hiểu thêm giáo lý bằng những sách thiêng liêng, tham dự phụng vụ để lãnh nhận ơn Chúa, cầu nguyện tắt, những giây phút tĩnh tâm trong ngày, lần hạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét