Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Phán xét




Một nhóm bạn thăm viếng người bệnh. Họ thăm hỏi bệnh tình và gia cảnh của gia đình. Có người nói đến thái độ trước cái chết: sợ gì nhất? – Sợ nhất là phán xét!... và mọi người cười òa.
Đúng là cái chết thật đáng sợ, nếu hình ảnh trước hết là “Từ vực sâu u tối, con kêu lên cùng Chúa” như lời Lm. Võ Tá Khánh đã phân tích, vì hình ảnh đó trái ngược với “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc” (Ngày về của Lm. Kim Long).

Nền thần học ngày xưa thường diễn tả sự khủng khiếp của hình phạt hỏa ngục để người ta khiếp sợ mà không dám phạm tội, nhưng ngày nay người ta lại nhấn mạnh đến tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người khiến con người không phạm tội vì sợ làm mất lòng Chúa. Việc ăn năn tội vì sợ hình phạt gọi là ăn năn tội cách chẳng trọn, còn vì sợ mất lòng Chúa thì gọi là cách trọn. Sự giáo dục con em chúng ta ngày xưa cũng đặt nặng việc kiểm soát, hạch hỏi, roi vọt …để chúng không làm điều xấu vì sợ phạt, nhưng ngày nay nhấn mạnh đến việc tạo ý thức về tình thương cha mẹ và về sự trưởng thành của nhân cách để chúng sống tốt: không phụ ơn cha mẹ và vì lòng tự trọng. Đức Phanxicô mời gọi các mục tử nói nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người hơn là dừng lại ở những luật lệ giáo hội, vì điều trước sẽ thúc đẩy con người tiến lên phía trước, còn điều sau sẽ tạo một cái nhìn cứng nhắc về Giáo hội.
Thần học hiện đại cho ta biết: Không ai xác quyết phần rỗi của những người đã khuất, trừ những trường hợp những người được Giáo hội công nhận bằng việc phong thánh. Khi đến trình diện Đấng Chí Thánh, con người bình thường sẽ trải qua một giai đoạn chịu thanh luyện để xứng đáng diện kiến tôn nhan Chúa, dù họ đã chắc chắn được Chúa ban thưởng. Vậy khi một người đã qua đời, một phần chúng ta cầu nguyện để họ mau chóng nên tinh sạch, nhưng đàng khác họ cũng chuyển cầu cho chúng ta, vì họ đã trở nên nghĩa thiết với Chúa. Đó là mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, mỗi người trở nên máng chuyển thông ơn thánh cho người khác giữa Giáo hội lữ hành, Giáo hội thiên quốc và các đấng nơi luyện hình.
Thần học cũng cho ta biết: hạnh phúc thiên đàng là món quà hào phóng mà Thiên Chúa tặng ban cho con người, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, phần đóng góp của con người chẳng là gì, chỉ là chút tình yêu và thiện chí của người con dành cho Cha mình. Chúng ta có thể đọc được điều ấy qua dụ ngôn người công nhân giờ thứ 11 và câu chuyện người trộm lành trên thập giá, và nơi thư Thánh Phaolô: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8,18).
Nếu chúng ta vững tin vào một Thiên Chúa nhân từ, thì cái chết là cửa ngõ để bước qua kiếp lữ hành trở về nhà cha trong hân hoan. Lời cầu nguyện nơi tang gia mang nhiều tâm tình: tin tưởng phó thác, hân hoan lên đền thánh Chúa, tạ ơn vì muôn ân lộc Chúa ban trên đời và về hạnh phúc thiên đàng, xin lỗi vì những thiếu sót và xin người đã khuất phù hộ cho con cháu biết sống tốt và biết đón nhận thử thách cho đẹp lòng Chúa. Với những tâm tình trên, giờ cầu nguyện nên sử dụng những đoạn Tin Mừng và những bài thánh ca phù hợp để nâng đỡ niềm tin, và bớt sử dụng những bài quá bi thảm tạo nên sự sợ sệt, thất vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét