Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Hãy sám hối




Bài Tin Mừng của ngày thứ hai sau lễ Hiển Linh đưa ra một sứ điệp mà chúng ta đã nghe đến nhàm tai, và phần nào đó hơi lạc điệu cho mùa Giáng Sinh "Hãy sám hối vì nước trời đã đến gần", vì ăn năn sám hối là sứ điệp chính của mùa Chay. Nhưng đây là một sứ điệp quan trọng cần cho từng ngày sống. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã hô to trong sa mạc: “Hãy sám hối vì nước trời đã gần bên”, và Chúa Giêsu cũng bắt đầu sứ mạng của mình với lời mời gọi đó.
Trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và nói nhiều điều bí ẩn về tín lý cũng như luân lý. Chúa Giêsu đã công bố Hiến Chương Nước Trời ( 8 mối phúc), đã tóm gọn lề luật Cựu Ước vào hai điều răn mến Chúa yêu người, đã mạc khải liên hệ thần linh của mình là Con Thiên Chúa, là Bánh trường sinh, là Nước hằng sống… nhưng đẹp đẽ nhất có lẽ là những câu chuyện diễn tả lòng xót thương của Thiên Chúa: người phụ nữ ngoại tình được tha, người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, người con hoang đàng, đồng bạc bị mất và con chiên bị lạc và cuối cùng là người trộm lành trên thập giá…
Giáo lý Thiên Chúa mạc khải cho con người cao đẹp là thế, công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu lớn lao vô cùng để mọi người trên nhân gian được phục hồi tước vị là con cái Thiên Chúa, nhưng bản tính con người là yếu đuối nên sa ngã là chuyện bình thường dễ hiểu. Dù bao gồm những tội nhân, Giáo hội có đặc tính là thánh thiện, vì phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Thánh và hướng đến sự thánh thiện: bao lâu còn sống trên trần gian là bấy lâu con người vẫn còn lỗi phạm đến Thiên Chúa tốt lành vô cùng.

Có câu chuyện diễn tả sự vui mừng của Thượng Đế khi con người sám hối như sau: Một hôm Đức Alah sai một vị sứ thần xuống trần gian tìm kiếm một điều gì đó quý giá nhất để đưa về trình diện cho Ngài. Vị sứ thần vừa xuống trần thì xảy ra một trận chiến, máu của những chiến binh nhuộm đỏ cả một vùng đất rộng lớn, vị thần nghĩ: sự hy sinh của những chiến binh để bảo vệ quê hương phải là điều cao đẹp nhất, nên đã gom một ít máu về cho Đấng Alah. Ngài nói: máu hiến tế thật là đẹp, nhưng chưa hẳn là điều quý giá nhất ở trần gian, hãy tìm kiếm nữa đi. Sứ thần tiếp tục đi rảo khắp trần gian và gặp thấy một đám tang của một người giàu với vô số gia nhân biểu lộ lòng xót thương vô hạn, sứ thần lấy một ít nén nhang còn cháy dở và đưa về trời, nhưng lòng hiếu thảo cũng chưa làm vừa lòng Thượng Đế. Lần xuống trần thứ ba của sứ thần hẳn là phải vất vả và mất nhiều thời gian hơn, ngài đang ngồi nghỉ bên vệ đường thì nghe tiếng khóc rên rỉ của một ai đó, nên mới đi tìm hiểu và biết đó là một người đàn ông đang khóc than vì quá khứ tội lỗi của mình quá lớn, có khóc đến hết đời cũng chưa xứng, sứ thần liền hứng lấy những giọt nước mắt thống hối đó và đưa về trời… và đây đúng là điều mà Thượng Đế muốn.

Chuyện cũng xảy ra như vậy với những đứa con trong gia đình chúng ta. Chúng ta dạy dỗ con cái nhiều chuyện và mong nó thành đạt nhiều điều. Chúng ta khen thưởng chúng mỗi khi thành công và răn bảo chúng mỗi khi lầm lỡ để mong nó tiến lên và trưởng thành hơn. Tuy vậy, là cha mẹ, chúng ta biết rõ khả năng của từng đứa và mức độ thành công cũng khác nhau, nhưng điều cha mẹ mong ước là lòng chân thành sám hối của từng đứa con mỗi khi lầm lỡ: “con xin lỗi, con sẽ cố gắng tốt hơn”. Sự sám hối có hai yếu tố: hối hận vì làm điều xấu và quyết tâm chừa bỏ. Trong xã hội, nhiều khi ai đó làm điều rất xấu cho ta và sau đó họ xin lỗi ta, nhưng ta nghĩ: “Tốt hơn là đừng làm điều tệ hại đó, cứ làm cho đã rồi xin lỗi thì có ích gì?”. Đó là vì tấm lòng ta không được quảng đại, nhưng Thiên Chúa thì không như thế, Ngài luôn tha thứ không mệt mỏi và luôn mong chờ đứa con đi hoang trở về, Ngài lặn lội vào trong sa mạc để tìm lại con chiên bị lạc… vì lòng xót thương của Ngài rất lớn lao đến nỗi trí óc con người không suy tưởng được. Ngài yêu ta đến nỗi ban Con Một của mình, ban cho người công nhân thứ 11  điều không xứng với công sức của anh, và người trộm lành được ban thưởng nước trời ngay ‘ngày hôm nay’.

Đức Phanxicô có thói quen xin người khác cầu nguyện cho mình kể từ khi làm giám mục vì ý thức sự mỏng giòn của mình, cần ơn trợ giúp để chu toàn nhiệm vụ. Ngài vẫn tiếp tục xin mọi người cầu nguyện cho Ngài trong nhiệm vụ Giáo hoàng và ngài vẫn xưng tội 2 tuần/lần. Điều đó nói với chúng ta điều gì? – Hãy sám hối ăn năn tội lỗi của mình trong mỗi ngày sống, đó là thái độ làm vui lòng Chúa hơn cả, đừng đợi đến lúc xét mình xưng tội hoặc vào mùa Chay mới sám hối. Một dấu hiệu rõ nét nhất của một xứ đạo phồn vinh là cha xứ siêng ngồi Tòa và giáo dân nườm nượp đến xưng tội, vì chắc chắn họ cùng tiến lên phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét