Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Gia đình, trường dạy yêu thương




Vai trò và vị trí của gia đình rất quan trọng cho xã hội và Giáo hội. Gia đình ổn định và sống đúng vai trò của mình thì sẽ cung cấp cho xã hội những công dân có phẩm chất tốt; trái lại, nếu gia đình chỉ bao gồm những mảnh đời tan vỡ và chắp vá trong các mối quan hệ thì xã hội có nhiều bất ổn, vì các thành viên không được giáo dục tốt về những đức tính làm người và nhất là về đức yêu thương.
Khi nói về gia đình, Giáo hội đưa ra nhiều phẩm tính: gia đình là giáo hội tại gia, là cộng đoàn cầu nguyện, là nơi đào luyện những nhân đức cơ bản, là một cộng đoàn yêu thương, gia đình có nhiệm vụ chuyển giao niềm tin giữa các thế hệ . Giáo hội còn đưa ra gương Thánh Gia Thất cho mọi người nọi theo, nơi đó tràn ngập an bình vì có Chúa Giêsu hiện diện, vì các Đấng cầu nguyện trong lao động, và nhất là vì các Đấng rất mực yêu thương tôn trọng nhau. Thực ra, vì là con người, cuộc sống của gia đình Nagiarét chắc hẳn cũng có lúc xảy ra những va chạm nho nhỏ, cũng có những hiểu lầm và hờn dỗi, nhưng các Đấng đã tìm kiếm ý Chúa hơn ý mình, nên mọi chuyện nhanh chóng được giải quyết trong đức yêu thương.
Trong thánh ý nhiệm mầu, Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn tất những ‘điều bí ẩn từ khi tạo dựng vũ trụ’, thế nhưng tại sao Người Con ấy lại sống ẩn dật đến 30 năm để rồi chỉ giảng trong 3 năm? Không phải là để chờ học xong chương trình đại học hay cao học, cũng không phải chờ cho nhân cách chín mùi và uyên thâm kinh nghiệm sống, mà Ngài chăm chỉ làm việc rất đỗi bình thường như mọi người lao động chân tay khác. Điều này hẳn có một ý nghĩa?
Chắc hẳn những ngày sống ở Nagiarét vẫn có một vị trí trong chương trình cứu độ và trong kho tàng mạc khải Thiên Chúa tặng ban cho con người. Người ta thường nhấn mạnh đến việc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu đã mang lại phúc trường sinh cho nhân loại, nhưng đúng hơn cả cuộc đời của Đức Giêsu từ nhập thể cho đến phục sinh đã mang ơn phúc cứu độ cho cả vũ trụ nầy. Không hẳn chỉ những lời Chúa dạy mà toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu là một mạc khải về nước trời. Bởi vậy hãy chiêm ngắm cả những năm dài ẩn dật của Chúa Giêsu nữa để nghiệm ra tình thương của Thiên Chúa.

Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người và trao cho con người làm chủ trái đất để hoàn thành công trình tạo dựng. Thiên Chúa là Đấng hằng làm việc, và chỉ khi con người chăm chỉ làm việc thì họ được trở nên giống như Người, và khi làm việc con người thể hiện việc cai quản và làm chủ của mình: quy hồi vạn vật dưới quyền thủ lãnh của Đức Giêsu. Như vậy, qua việc lao động ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta biết cách thể hiện lệnh truyền làm chủ vũ trụ, vừa có của nuôi thân, vừa cứu giúp anh em đồng loại, vừa thăng tiến phẩm giá con người và vừa làm cho vũ trụ xinh đẹp hơn đúng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói: những giọt mồ hôi và lao nhọc của Chúa Giêsu nơi xưởng thợ cũng góp phần vào giá cứu chuộc. Tội ông bà nguyên tổ đã phạm đã đưa nhân loại vào con đường chết chóc, và để chuộc tội phản loạn nầy, Con Thiên Chúa đã nhập thể và vâng lời Cha cho đến chết trên thập giá. Nhưng thực ra, cả những hy sinh ở Bêlem cho đến những hy sinh qua từng ngày sống trong suốt 33 năm ở dương thế cũng mang một giá trị cứu độ vô biên, mà đỉnh cao là cuộc hiến tế trên đồi Calvê. Những vất vả nhọc nhằn ở xưởng thợ vẫn có giá trị cứu độ vì là của Con Thiên Chúa và vì được ‘tiến dâng’ trong tình yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu tha nhân. Như vậy, xưởng thợ và gia đình Nagiarét cũng là ‘bàn thờ’ để Con Thiên Chúa dâng hiến chính mình mỗi ngày, cũng như bàn thờ thập giá của chiều thứ 6 trên đồi Calvê vậy.

Tân Phúc Âm hóa gia đình là làm cho gia đình mình sống tinh thần Phúc Âm, nhất là sống đức yêu thương: mến Chúa yêu người. Gia đình là trường dạy yêu thương. Bài học yêu thương chỉ có thể học bằng cách thực tập: mỗi thành viên trong gia đình tập yêu thương giúp đỡ nhau vô vị lợi, từ đó mới có thể rộng mở bàn tay ra những môi trường rộng lớn hơn. Môi trường gia đình là ‘bàn thờ’ để mỗi thành viên ngày ngày dâng lên Thiên Chúa hiến lễ cuộc đời khi họ biết quên mình để yêu thương giúp đỡ người khác. Những vất vả trong lao động để nuôi sống gia đình, những hy sinh và những lời cầu nguyện có một giá trị tuyệt vời để ta nên thánh và để góp phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét