Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đấu tranh




Nói đến đấu tranh người ta liên tưởng đến chính trị, nhưng thực ra sự tranh đấu để giành quyền quyết định luôn tồn tại nơi loài vật và trong bất cứ hình thức nào của loài người, từ tôn giáo cho đến xã hội, từ tế bào nhỏ nhất là gia đình cho đến giáo xứ, giáo phận. Sự đấu tranh là cần thiết để sinh tồn và tiến bộ, nhưng đâu là con đường đấu tranh của người môn đệ Kitô?

Nơi loài vật, con vật nào khỏe hơn và có nhiều ưu thế hơn sẽ là con đầu đàn, sau khi đã trải qua những trận quyết đấu. Con đầu đàn có nhiều lợi lộc về thức ăn uống và những ưu tiên khác, cũng như được cộng đồng nể sợ. Nó luôn tìm cách thể hiện uy quyền, triệt hạ những con nào muốn chiếm vị trí của nó, và khi yếu thế hơn nó đành từ bỏ chỗ đứng ưu tiên để trở nên con vật bình thường.

Nơi con người, việc cạnh tranh để giành phần thắng và ưu tiên cũng luôn tồn tại dưới nhiều hình thức: âm thầm hay lộ liễu. Từ trong tiềm thức, ai cũng muốn trổi vượt hơn người khác, nên ai cũng tự đánh giá cao về mình và hạ thấp người khác. Có câu danh ngôn: Sự kiêu ngạo tồn tại nơi mọi người, có khác chăng là cách thế nó biểu hiện ra bên ngoài.
Giữa vợ chồng vẫn vô tình xảy ra một cuộc giằng co để giữ lại một lãnh địa nào đó cho mình cảm giác ‘khống chế’ được người kia, muốn là người quan trọng hơn và có nhiều kẻ ủng hộ hơn. Khi nói về tâm lý giáo dục, người ta cho biết: nhiêu đứa trẻ vòi vĩnh làm khổ cha mẹ đủ điều vì muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ, muốn được cha mẹ quan tâm đến mình; muốn giải quyết cuộc giằng co tâm lý đó, cha mẹ phải rất khéo léo phớt lờ những đòi hỏi quá đáng, đừng để bị sa vào cuộc chiến và đừng để mình bị lôi kéo thành đồng minh.
Trong giáo xứ vẫn có cuộc giằng co giữa HĐGX và cha quản xứ để giành quyền quyết định nhiều vấn đề xây dựng và tài chính. Nhiều khi xảy ra cảnh ‘cái gì có lợi thì giành còn trách nhiệm lại đùn đẩy’. Nhiều khi giáo xứ mang bộ mặt xã hội và chính trị nhiều hơn là một cộng đoàn huynh đệ, là thân thể Chúa Kitô. Các môn đệ đã nhiều lần tranh luận đến ‘đỏ mặt tía tai’ xem ai là kẻ lớn nhất trong họ, Chúa nói với các ông: “Ai muốn làm lớn, hãy là người phục vụ”. Đức Biển Đức 16, với sự khôn ngoan, đã nhiều lần nhắc nhở Giáo Hội rằng đối với nhiều người, quyền bính đồng nghĩa với sở hữu, thống trị, thành công, nhưng đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm tốn, yêu thương, có nghĩa là đi vào lý luận của Chúa Giêsu Đấng cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ.

Trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu xin:
“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an hiệp nhất, từ trong gia đình và trong giáo xứ. Xin cho chúng con biết đến với Chúa để học bài học khiêm tốn và hạ mình của Chúa. Chúa đã tự hủy mình trong thân phận con người, chẳng oai vệ mà cũng không tranh giành, không ngồi lê đôi mách chuyện thiên hạ hay khoe khoang kiến thức: mọi điều Chúa nói và Chúa làm đều để làm vinh danh Cha và để cứu rỗi con người. Xin cho chúng con biết khiêm tốn hạ mình xuống, nhìn nhận sự yếu đuối của phận người để đừng lên án và xét đoán một ai, có vậy tâm hồn con sẽ bình an và Giáo xứ được hiệp nhất, là chứng tá hùng hồn cho công cuộc truyền giáo”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét