Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Hãy tỉnh thức




Chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc chia sẻ tư tưởng diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, nhờ các mạng thông tin và nhờ việc đi lại – du lịch, kể cả ra ngoại quốc. Bởi vậy các trào lưu tư tưởng và những quan niệm sống cứ như những đợt sóng liên tục vỗ vào hồn ta: tương đối hóa về luân lý và về tôn giáo. Lời Chúa nói với chúng ta thật đáng suy nghĩ: Hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tôi xin kể một vài con sóng nhỏ, nhưng đôi khi cũng làm hồn ta bị ngộp.

Đạo nào cũng tốt. Trước công đồng Vaticanô 2, Giáo hội quan niệm một cách cứng nhắc rằng: chỉ có những ai gia nhập đạo Chúa mới được ơn cứu rỗi, và thời đó việc truyền giáo – rửa tội để cứu vớt các linh hồn diễn ra một cách cấp bách. Nhưng sau nầy Giáo hội dạy ta phải tôn trọng các tôn giáo bạn và dạy rằng: các tôn giáo khác cũng chứa một phần chân lý và những người sống với lương tâm ngay thẳng dù không biết đến Chúa Kitô thì vẫn được hưởng công ơn cứu độ mà Con Thiên Chúa mang lại (áp dụng cho những người không nghe biết về đạo hoặc không có điều kiện gia nhập đạo). Nhưng có người lại  quá rộng rãi khi nói rằng "chẳng cần phải gia nhập đạo Công giáo mới được rỗi linh hồn". Hãy tỉnh thức, vì Giáo Hội dạy rằng: chỉ có Danh Giêsu mới mang lại ơn cứu độ, mọi hoạt động của Giáo hội phải nhằm giới thiệu Thiên Chúa cho con người, như là một sự thiện tốt lành nhất. Và cũng hãy cảnh giác thái độ ỷ lại của một số người cố tình không tìm hiểu và lãnh nhận bí tích rửa tội dù có điều kiện và đã nghe biết về đạo.

Thực hành đạo. Nhiều người có dịp đi Pháp. Họ thường kể về lối sống đạo lạnh nhạt ở đó: các chủng viện, tu viện và nhà thờ nguy nga bị bỏ hoang; giáo dân chỉ đến nhà thờ khi rửa tội, hôn phối và chết. Họ có đạo nhưng không hành đạo. Mỗi lần nghe chuyện, lòng ta cũng có ít nhiều dao động và suy nghĩ: tại sao họ được mệnh danh là Trưởng Nữ của Giáo hội mà nay lại đến mức đó?- Ta nhớ lại, vào thế kỷ 18 – 19, ở Pháp có phong trào tục hóa: bài giáo sỹ, bôi bác tôn giáo như là rào cản tự do con người, đề cao nếp sống hưởng thụ và thực dụng. Có người bạn nói với tôi rằng: “Đạo nào cũng được, miễn là họ là người thực hành đạo, vì nhiều người có đạo mà không hành đạo, thành ra là bôi bác đạo”.- Đức tin là hạt giống, là ngọn nến mà ta phải chăm sóc và nuôi dưỡng để nó lớn lên. Đừng sợ khi ai đó bỏ đạo, tốt hơn là cậy dựa vào Chúa để khỏi sa chước cám dỗ. Một vị Thánh nào đã nói: kẻ bỏ bê việc cầu nguyện thì đã bỏ ngỏ linh hồn cho ma quỷ, việc sa ngã là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn.

Có kẻ cho rằng: nghèo mới giữ đạo, còn giàu lên là mất đạo; hoặc ‘lạc hậu thì còn đạo, văn minh là bỏ đạo’. Luận điệu nầy ẩn chứa một suy luận sâu xa: tôn giáo phát sinh là do nỗi sợ và là sự lầm lạc của lý trí, tôn giáo là liều thuốc phiện của một giai cấp sáng chế ra để thống trị. Không phải thế, đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng mà con người phải cám tạ suốt đời. Niềm vui vì được làm con cái Thiên Chúa phải chiếu tỏa trên khuôn mặt và trong cuộc đời người Kitô hữu, trong các mối giao tiếp và cả những lúc đen tối nhất của cuộc đời, vì ta được Chúa yêu thương và đồng hành.

Trong thời gian vài năm trở lại đây, khoảng vài chục nước ở Âu Châu đã chấp nhận hôn nhân đồng tính, họ lý luận rằng: đó là một khuynh hướng tự nhiên của một số người, xã hội phải tôn trọng và chấp nhận họ như là một đòi buộc của nhân quyền. Một người bạn của tôi có nói: “Thật là buồn cười khi họ nêu ra 4 chữ ‘khuynh hướng tự nhiên’ trong vấn đề hôn nhân đồng tính, vì bất cứ người đàn ông nào dù đã có gia đình vẫn ‘thích’ một người đàn bà khác, đó vẫn là khuynh hướng tự nhiên. Điều quan trọng là tiết chế và tập luyện để có một lối sống lành mạnh theo luân lý”. Ta thử nghĩ xem: nếu xã hội tôn trọng những khuynh hướng tự nhiên nơi ta như trộm cắp, bạo lực, ích kỷ …thì xã hội nầy đã loạn mất rồi!
  Nhiều người có cơ hội học thần học với một số giáo sư có đầu óc ‘thông thoáng’ đã nói: “ở VN thì việc ly hôn khó chứ ở bên tây, giáo hội giải quyết tiêu hôn dễ dàng lắm!”, và dĩ nhiên lòng ta cảm thấy hoang mang. Nhưng trong cuộc họp báo đầu tiên, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM, cảnh giác giới báo chí rằng: ”Nếu quí vị đến Roma chờ đợi những thay đổi ngoạn mục về đạo lý của Giáo Hội với Thượng HĐGM này liên quan đến những người ly dị tái hôn, thì quí vị sẽ thất vọng!..ĐHY tái khẳng định rằng Thượng HĐGM này tìm kiếm một đường lối tiếp cận mục vụ cho những hoàn cảnh khác nhau của gia đình.

Thật đáng mong ước và cần thiết là các Kitô hữu hãy nỗ lực tìm hiểu giáo lý và chuyên tâm cầu nguyện, hầu có thể tỉnh thức trước những luận điệu mang tính tương đối luân lý không ngừng xô đẩy cuộc đời ta. Hãy là những Kitô hữu nhiệt tình chứ không phải là Kitô hữu ‘hâm hâm dở dở’ kẻo bị Chúa mửa ra và bị loại trừ khi đến giờ Ngài viếng thăm đời ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét