Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Khuôn mặt Chúa



Chúa nhật truyền giáo

Chúa nhật truyền giáo, ngày nhắc nhở giáo dân ý thức về vấn đề truyền giáo trong Giáo hội và đóng góp quỹ truyền giáo. Nói về truyền giáo, ta nhớ 3 câu Kinh Thánh rất dễ nhớ:
-Các con hãy đi khắp muôn dân, rửa tội cho họ, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.
-Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người.
-Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Mỗi người Kitô hữu khi lãnh bí tích rửa tội là nhận sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng, họ lãnh bí tích thêm sức để thêm sức mạnh – trở nên chiến sỹ Chúa Kitô, bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn và Chúa sai họ lên đường - quy tụ những người khác chưa thuộc về đàn chiên, bí tích hòa giải băng bó và chữa lành những tâm hồn bị thương tích, bí tích hôn phối quy tụ họ lại thành những cộng đoàn nhỏ - chiếu rạng tình thương mến- sinh sản và giáo dục những thế hệ kế thừa của niềm tin, bí tích truyền chức nâng một số người được tuyển chọn để họ trở thành những ‘thuyền trưởng’ trong lãnh vực truyền giáo, bí tích xức dầu bệnh nhân giúp sức cho những phần tử dường như đã đi trọn hành trình dương gian – và họ vẫn trợ giúp nhiều cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Trước nhu cầu truyền giáo mênh mông, tại sao Chúa không bảo các Kitô hữu hãy kíp lên đường gặt lúa, mà lại dạy: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt”. Có phải thụ động quá chăng? - Chúa muốn xác định với ta rằng: công cuộc truyền giáo là việc làm của Chúa Thánh Thần: Chúa biết rõ nhu cầu truyên giáo cần rất nhiều người – nhưng Chúa chọn ai là tùy theo ý Ngài muốn. Ta tự hỏi: tại sao Chúa không mở chủng viện khắp 5 châu, lập những trung tâm truyền giáo, chọn những nhân tài giảng thuyết hùng biện rồi ‘tẩy não’ cho họ, tại sao Chúa âm thầm sống 30 năm mà lại sống công khai có 3 năm và chết thê thảm khi công cuộc truyền giáo còn dang dở, tại sao Chúa lại chọn 12 tông đồ quê mùa ít chữ - lại chọn cả một người đang hăng say lùng sục bắt bớ tín hữu Kitô? Quả đúng Chúa là người không biết tính toán. Nhưng đường lối Chúa thật không ai dò thấu, vì đã có Chúa Thánh Thần…

Khốn cho tôi, nếu tôi rao giảng Tin Mừng với lòng kiêu ngạo. Câu chuyện kể về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14) thật là tương phản: Người biệt phái đầy dẫy công trạng nên ông ta chẳng thấy Chúa đâu, còn người thu thuế vì lòng trống không nên Chúa hiện diện rõ ràng, ông ra về và được nên công chính. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác định: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Nếu người làm việc truyền giáo luôn khoe khoang mình giỏi, đạo đức, rửa tội cho biết bao nhiêu người,  thích được ca tụng và phô trương lòe loẹt sang trọng… thì chắc chắn sẽ rước lấy thất bại. Người tông đồ phải là người gần gũi với dân chúng. Người ta nhớ mãi câu chuyện Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã lội nước đi thăm những vùng ngập lụt ở Hà Nội vào năm 2008 vì lòng chạnh thương. Người ta cũng nhắc lại mẫu gương hy sinh từ bỏ của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, khi Ngài nghỉ hưu ở Đại Chủng viện Saigon: Trời động mưa, xơ đang trực xin tắt điều hòa, Ngài đồng ý; mãi sau trời không mưa mà vẫn oi bức, thầy đang trực xin ý Ngài để bật điều hòa lại, Ngài cũng ừ - nhưng thầy sờ vào áo Ngài thấy đã ướt đẫm mồ hôi từ lâu, hóa ra Ngài đã học bài học từ bỏ mình từ thuở nào rồi.

Nếu truyền giáo mà ta cứ chê bai các tôn giáo khác là sai lầm và không tốt thì sẽ bị họ phản ứng ngay, họ không thèm nghe ta nói về đạo nữa. Người kiêu ngạo cũng khó mà chấp nhận Tin Mừng, vì lòng họ đã đầy tràn: kiêu hãnh, tự phụ và tự mãn về mọi phương diện. Chỉ có người thấy mình thiếu thốn và lòng mình trống rỗng mới có thể đón nhận Chúa ngự đến và làm chủ đời mình. Khi hoạt động tông đồ trong các đoàn thể, mỗi người phải dẹp cái tôi xuống mới có thể cộng tác với nhau và mới chiếu tỏa tình yêu thương cho người khác trông thấy mà thèm. Ngay trong gia đình, mỗi người cũng phải lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau thì mới có sự hòa hợp, hạnh phúc và ấm áp. Nếu người cha cứ bắt mọi người răm rắp theo ý mình, vì mình là chủ gia đình; nếu người vợ cũng nghĩ mình bình đẳng với chồng, chẳng ai chịu nghe ai thì ắt sẽ có chiến tranh dài dài; nếu con cái đề cao tự do của ‘thời đại mới’, cho rằng cha mẹ lạc hậu, chẳng còn nghe lời của các vị thì xung khắc xảy ra hằng ngày. Thánh Phaolô dạy về gia đình: “Chồng hãy yêu thương vợ, vợ hãy phục tùng chồng, con cái hãy nghe lời cha mẹ”, mà muốn thực hiện được luân lý đó – mỗi người phải có lòng khiêm tốn, biết nghĩ đến nhu cầu và hạnh phúc của người khác.

Nghệ thuật truyền giáo là phải biết nhỏ lại. Chỉ khi ta biết nhỏ lại thì khuôn mặt Thiên Chúa mới lộ ra nơi ta, người khác sẽ thấy Chúa và họ tìm đến với đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét