Chúng ta hầu như thuộc lòng những
chi tiết về câu chuyện kể về ‘Người phụ nữ ngoại tình’ (Ga 8, 1-11), đến độ khó
tìm được một vài tình tiết có thể đánh động lòng mình.
Xuyên suốt những câu chuyện trong
Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái đã tranh luận với Chúa Giê su nhiều vấn đề:
sạch và dơ, vi phạm luật sa bat, nộp thuế cho Rô ma, quyền tha tội, luật nào trọng
nhất, tẩy uế đền thờ… nhưng hầu như là những vấn đề trừu tượng (lý thuyết). Lần
này, họ đưa đến một nhân chứng là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình, luật Moi sen truyền ném đá, còn Chúa dạy sao? Họ chắc mẩm lần này Chúa
không thể tránh được cái bẫy của họ, vậy mà Chúa Giê su đã làm cho họ ngạc
nhiên, lẩm bẩm ra về - để người phụ nữ ở lại, lòng đầy tức tối – trái ngược với
sự tự tin khi họ kéo đến. Chúng ta nhận ra rằng: Chúa luôn điềm đạm, chậm nói
và chậm phản ứng, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Từ lúc sinh ra, cuộc sống
ẩn dật, những va chạm khi đi rao giảng, khi môn đệ chậm tin và phản bội, khi bị
tra tấn và đóng đinh, khi bị sỉ nhục… Chúa luôn thể hiện mầu nhiệm tự hủy và
không mất bình tĩnh.
Câu nói của Chúa Giê su thật đáng
suy gẫm: Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném hòn đá đầu tiên đi. Khuynh hướng kết
tội và ném đá tha nhân là dựa vào bầy đàn. Nếu ai đó ném hòn đá đầu tiên thì
người khác sẽ hùa theo để ném những hòn đá tiếp theo. Chúa Giê su giúp họ nhớ lại
một sự thật mà con người thường lãng quên: không ai là vô tội trước mặt Thiên
Chúa. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, có một vị linh mục đã tưởng tượng: nếu
tội mỗi người hiện lên trên trán thì đố ai mà dám ngẩng mặt lên để kết án người
khác. Chúng ta thường khắt khe với sai lỗi của anh em là vì 2 lý do: tưởng
rằng mình giỏi hơn và tốt lành hơn người khác. Càng sống trong môi trường phải cạnh
tranh để tồn tại, người ta phải để ý đến kỹ năng sống, nếu không sẽ bị quy tội
gây xáo trộn nơi công sở và mất việc như chơi. Nhưng trong những sinh hoạt đạo
đức, chúng ta cũng phải năng xét mình lại để nhận ra những cách cư xử gây bất
hòa với người khác như: vạch lá tìm sâu, góp ý thiếu tế nhị làm mất uy tín
nhau, tranh luận về những thứ vụn vặt và danh từ, người kia tự chịu trách nhiệm
và thực ra họ không hỏi ý kiến ta. Mạng xã hội đã rất tâm lý khi thiết kế nút
like và thống kê lượt người tương tác và theo dõi, nhờ vậy tác giả cảm nhận được
sự đồng thuận và thêm động lực để an tâm với cách hành xử của mình, nhưng hãy cẩn
thận vì nút like có thể được ví như ‘hòn đá đầu tiên’ được ném đi.
Hãy trở về với Cha để mãi sống
trong ân tình. Nội dung mời gọi sự trở về được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả
bài Tin Mừng. Khi thấy đám đông bừng lên sát khí muốn giết chết người phụ nữ phạm
tội, Chúa Giê su cúi xuống viết trên đất – dù bị hỏi dồn dập – từng giây phút
trôi qua nặng nề. Lòng Chúa buồn vì sự kênh kiệu và hợm hĩnh của đám đông, Chúa
mời gọi họ lắng đọng một chút để biết mình. Khi không thể giữ im lặng lâu hơn,
Chúa nói: “Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném hòn đá đầu tiên đi”. Câu này phải
được vang vọng lại trong suốt cuộc đời ta, giúp ta dè dặt hơn khi đối xử với
anh em. Thỉnh thoảng chúng ta nên nhớ lại những tội lỗi mình đã phạm trong quá
khứ để nhắc mình rằng: Tôi thật yếu đuối, và Chúa đã tha tội tôi quá nhiều – vì
nếu Người chấp tội thì tôi đã tiêu đời lâu rồi. Đám đông hôm ấy, từng người một,
đã nhận ra mình cũng là kẻ có tội, nên họ âm thầm rút lui. Chúa Giê su nói với
người phụ nữ: “Ta không kết tội chị, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đây là lời mời gọi hãy thay đổi đời sống phù hợp với lề luật Chúa và được sống
trong ân tình của người con cái Chúa.
Mùa Chay đã gần kết thúc, lời mời
gọi ta trở nên giống Chúa Giê su hiền lành và khiêm nhường trong lòng và đừng kết
án anh em càng trở nên khẩn thiết hơn. Hãy để tâm hồn mình lắng đọng đôi chút để
nhận ra những biểu hiện của lòng kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ … đang làm cho tâm hồn
ta bất an và chật chội để đón nhận ân tình Chúa muốn rộng ban cho ta.