Bài trích sách Sáng Thế 16, 18-23 kể lại chuyện ông Abraham
chuyển cầu cho dân 2 thành Sodom và Gomora, hầu giúp họ tránh khỏi cơn thịnh nộ
của Thiên Chúa, vì tội lỗi của họ quá nhiều. Đây là một đoạn Kinh Thánh rất hay
– giúp ta hiểu hơn về sự cầu nguyện cho người khác, gọi là sự chuyển cầu. Chúng
ta dừng lại một vài từ được nói đến trong bản văn này.
Kêu thấu. Đức Chúa xuống xem những tiếng kêu than của những
người khốn khổ đã thấu đến trời có đúng hay không. Chúng ta đã gặp cụm từ này từ
những chương đầu của sách Sáng Thế khi máu của Abel cũng đã kêu thấu trời vì bị
Cain giết. Thiên Chúa rất gần gũi với người khốn khổ không chốn tựa nương, những
người nghèo và những kẻ bị loại trừ. Khi họ bị ức hiếp, vì không biết cậy dựa
vào đâu khác, họ kêu đến trời và trời lắng nghe họ. Bởi đó, Kinh Thánh Cựu ước
dạy rằng: đừng giữ tiền công của người nghèo đến ngày mai, đừng lấy áo choàng của
người khác vì họ không có gì để đắp qua đêm, 7 năm thì có một năm ân xá tù nhân
– tha nợ cho vay – đất nghỉ ngơi, quan tâm đến cô nhị quả phụ và khách ngoại kiều…
Hãy học nơi Thiên Chúa sự nghỉ ngơi và lòng thương xót. Ngày hôm nay con người
vẫn lên án những hành vi xâm lược, giết hại người vô tội, phá thai, buôn bán nô
lệ, đánh cắp cơ phận người khác, án tử hình; còn trên bình diện cá nhân, đừng lừa
tình, làm hại người nghèo, đừng làm mất danh dự kẻ khác và vu cáo… vì tiếng kêu
của người đau khổ sẽ thấu đến trời cao và Chúa sẽ xem xét. Tôi còn nhớ một lời
dạy: Nếu mình lấy một đồ vật của người nghèo, họ càng đau xót thì tội mình càng
lớn.
Chuyển cầu. Ông Abraham, cha của kẻ tin, có một mối liên lạc
thân tình với Thiên Chúa; thế nhưng chúng ta không thấy ông xin cho có vài đứa
con như lời Chúa đã hứa được thành sự, dù đó là điều ông bà đau đáu trong lòng.
Nhưng khi nghe biết Chúa sẽ trừng phạt hai thành tội lỗi thì ông liền mở miệng
cầu xin, mục đích là chuyển cầu cho họ được tránh khỏi tai họa. Đáng tiếc là
ông không dám đi quá giới hạn 10 người công chính, một phần ông sợ Thiên Chúa nổi
giận, phần khác có lẽ ông không ngờ là trong thành có quá ít người công chính
như vậy. Trong việc cầu nguyện, Chúa cũng muốn chúng ta chuyển cầu cho nhau: Lạy
Cha chúng con, xin cho chúng con… Có câu chuyện kể về bàn tiệc thiên đàng và hỏa
ngục chỉ khác nhau một điểm duy nhất: ở thiên đàng người ta quan tâm và giúp đỡ
nhau – trái lại ở hỏa ngục thì ai nấy chỉ ích kỷ lo cho mình. Đừng nghĩ chết rồi
mới có thiên đàng hỏa ngục, ngay từ đời này khi ta yêu thương và quan tâm nhau
thì đã có thiên đàng rồi. Có câu chuyện kể về một vị tu sĩ rất đạo đức, đã nhiều
lần thiên sứ đến muốn cất mạng ông để đưa ông về trời, nhưng ông cứ khất lần vì
đang bận việc bổn phận và đang phục vụ cộng đoàn; thế rồi một hôm khác, lúc ông
rảnh rỗi thì thiên sứ lại đến, ông xin sẵn sàng ra đi, nhưng thiên sứ mỉm cười
hỏi lại: “Chứ bấy lâu nay ngài tưởng mình đang ở đâu?”. Mỗi người hãy là người
chuyển cầu cho nhau, là người canh giữ phần rỗi của nhau, đó là bổn phận tự
nhiên của những người con của Một Cha trên trời. Đặc biệt là các linh mục và
người lãnh đạo cộng đoàn, người cha mẹ trong gia đình … là người chuyển cầu và
canh giữ phần rỗi cho các thành viên mình chịu trách nhiệm.
Lời chuyển cầu của ông Abraham làm chúng ta liên tưởng đến lời
khẩn nài của ông Moi sen khi dân chúng thờ con bò vàng: Xin Chúa thương xót, xin nhớ lại lời hứa của Chúa (cho mình trở
thành cha nhiều dân tộc và nhiều dân tộc qua mình được chúc phúc/ sẽ bao bọc
che chở dân Chúa chọn), nếu Chúa nổi giận
trừng phạt thì không được đâu (người công chính bị giết lây/ dân ngoại sẽ
chê cười khi Chúa đem dân vào sa mạc để tru diệt họ), chính sự kiên trì để nói
khó với Chúa đã làm Thiên Chúa tươi nét mặt. Các nhà tu đức dạy rằng: cầu nguyện
không làm cho Thiên Chúa thay đổi bằng những lý luận sắc bén, nhưng làm cho
lòng người thay đổi, vì khi nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho dân và
cho mình, mình sẽ tin cậy hơn và yêu mến Chúa hơn, và đó là những điều cần thiết
để Thiên Chúa thực hiện ý Ngài.