Trong những ngày cuối tuần 11 TN
năm lẻ (2 Corinto chương 11 và 12), chúng ta được nghe những lời tự sự của Thánh Phaolô, càng đọc càng thấy
nổi lên những nghịch lý của Tin Mừng. Có thể nói, sau những lời ‘chói tai và
khó hiểu’ của Chúa Giê su được xem là bậc nhất, thì lời của Thánh Phaolô và lối
sống của Ngài được xếp vào bậc nhì. Chúng ta cùng điểm lại vài lời của thánh
nhân để học nơi ngài cái nhìn của đức tin - cái nhìn hướng về trời cao.
Lời thứ nhất: “Tôi tự hào về những
yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki tô có thể hoạt động nơi tôi”. Ai trong
chúng ta cũng có nỗi sợ nhìn thấy sự yếu đuối thể xác và tâm linh của mình và
người thân. Chúng ta cố gắng che đậy sự yếu đuối, sự thất bại, vì sợ người khác
xem thường và tránh xa. Người ta sợ thăm người bệnh là vì nhìn thấy hình ảnh của
mình nơi người anh em đó, cách tốt nhất là đừng nhìn và đừng bận tâm. Thánh
Giáo hoàng Gio an Phaolo 2 được yêu mến vì vào những ngày cuối đời, dám phơi
bày sự yếu đuối của bản thân trước ống kính của truyền hình. Và Thánh Phaolô
đã lặp đi lặp lại câu nói ‘tôi tự hào về những yếu đuối của tôi’ như là điều kiện
để sức mạnh Đức Kitô có thể hoạt động nơi mình – vì khi tôi yếu chính là lúc
tôi mạnh. Thánh Phao lô nói tiếp: ngài vui sướng khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt
bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki tô. Ngài coi mọi sự là rơm rác va thua thiệt trước mối lợi tuyệt
vời là được biết Đức Giê su, “vì Ngài tôi đành mất mọi sự”. Ngài còn xem việc sống
và chết là tùy nơi Chúa, nếu cho ngài chọn thì không biết chọn điều gì! Một nhà
tu đức nói: “Một người nếu hiểu được mầu nhiệm của đau khổ và thập giá thì đã
hiểu hầu hết mầu nhiệm chính của Ki tô giáo”.
Còn lúc phải kể ra những ưu việt
của mình thì Thánh nhân phải kèm theo lời chú thích ‘tôi nói như người điên’.
Chúng ta thì rất khác, vì thường bị ảnh hưởng bởi sự khôn ngoan của thế gian và
theo tính xác thịt ‘tốt thì khoe, xấu thì che, có vậy mới tiến thân được’. Một
trong những tội chúng ta thường lỗi phạm, xưng hoài cho đến chết là khoe mình và chê người: nói tốt về bản
thân, những thành tích và công việc của mình 'tôi, tôi, tôi'. So với Thánh Phao
lô và nhiều vị thánh, sự ưu việt của chúng ta chẳng đáng gì về sự giàu có, kiến
thức, công trạng và thành công, nỗ lực truyền giáo…
Chúa Giê su mời gọi chúng ta tích
trữ kho tàng trên trời vì kho tàng dưới đất sẽ bị trộm và mối mọt gặm mất,
không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Có câu chuyện kể: một
người nọ có 4 người vợ, ông rất cưng chiều ba người vợ sau nhưng không để ý gì
đến người vợ đầu tiên, đến giờ chết ông ngỏ lời với 3 người kia xem họ có đồng
ý đi với ông không và họ đều từ chối – vậy mà người vợ đầu lại đồng ý cùng đi với
ông, 3 người vợ kia là thân xác – của cải – người thân đều rời bỏ ta khi ta chết,
chỉ có linh hồn đi với ta – vậy mà trong cuộc sống nhiều khi ta không mấy quan
tâm đến nàng. Chúa còn dạy ta: “Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của
Người, còn mọi sự khác (cơm ăn, áo mặc, mạng sống) Người sẽ ban cho.
Đừng nghĩ rằng ơn gọi nên thánh
chỉ dành cho một số người có thể dứt bỏ những bận tâm về cuộc sống để chuyên
chăm cầu nguyện. Ơn gọi nên thánh là dành cho mọi người đã chịu phép rửa, họ có
những bận tâm về cơm ăn áo mặc và đầy những yếu đuối, nhưng họ đang nỗ lực bước
tới: bớt nói xấu một chút, chú ý lắng nghe con nói chuyện – dù mình đang mệt,
hy sinh một chút thời gian để cộng tác vào việc truyền giáo và chăm sóc kẻ
khác. Chúng ta chiêm ngắm sự thánh thiện nơi các ‘tầng lớp quý tộc’ nhưng cũng
đừng quên: có rất nhiều vị thánh thuộc ‘giới bình dân’, họ sống thánh âm thầm
giữa dòng đời mà không ai chú ý đến họ (trích ý từ thông điệp nên thánh GE ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét