Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2025

Thành kiến

 



Theo tự điển, thành kiến là ý kiến nhận xét không hay đã thành cố định, khó thay đổi. Ai trong chúng ta cũng có những thành kiến về người khác, dù có nói ra ngoài miệng hoặc dấu kín trong tiềm thức. Chúa Giê su gọi đó là một trong những ‘cái xà’ nằm trong mắt mình mà mình không thấy trong lúc cứ dễ thấy những ‘lỗi lầm’ rất nhỏ của tha nhân.

Có người nói về tâm lý này bằng hình ảnh: mỗi người đeo hai cái bị, cái trước mặt là để đựng những lỗi lầm của anh em – nên mình luôn nhìn thấy và thấy rất rõ, còn cái bị đeo sau lưng là để đựng những sai lỗi của mình, rất khó thấy và có thể nói là không bao giờ thấy. Thành kiến được ví như chiếc kính màu mình đeo, chính thành kiến làm cho tầm nhìn của ta về người khác mang một màu sắc ảm đạm hay tươi sáng. Chuyện kể rằng: có một người già được xem là minh triết thường ngồi hóng mát dưới bóng cây ở cổng làng, một hôm có một kẻ tha phương đến làng và ngỏ ý muốn ở lại làng một thời gian, anh hỏi cụ già xem tình hình dân làng thế nào trước khi đưa ra quyết định, cụ già mới hỏi anh ‘từ đâu đến và dân ở đó ra sao’, anh cho biết: dân chúng ở đó rất khó ưa, cụ già cho biết: dân ở đây cũng vậy’ và anh lại tiếp tục ra đi; ngày hôm sau cũng có một người lạ mặt khác cũng gặp cụ già với lý do như trên, cũng với những câu hỏi trên và người lạ cho biết: ngôi làng cũ của anh rất đáng sống, dân chúng hiền hòa, anh phải quyến luyến ra đi chỉ vì mưu sinh, cụ già cho biết: ‘dân ở đây cũng giống như vậy’ và anh ở lại trong làng-rất hạnh phúc với chọn lựa của mình. Xin trích một đoạn chia sẻ của cha Minh Anh: “Ma quỷ vui mừng mỗi khi chúng ta nói và hành xử tiêu cực khiến người khác nhụt chí; nó mở tiệc lớn mỗi khi ai đó nói một lời chua cay làm tan nát một cộng đoàn, một gia đình. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức đề phòng và ra sức sống ‘văn hoá khích lệ’. Cha mẹ khích lệ con cái, con cái khích lệ cha mẹ; anh chị em, bạn bè khích lệ nhau để “hoàn thành những gì đã đặt ra”. Bởi lẽ, “Không ai lên thiên đàng một mình!”

Thật đáng sợ khi ta gặp một ai đó, chỉ qua một khắc đồng hồ nói chuyện mà thấy họ chê bai hết người nọ đến người kia về thái độ sống, cách cư xử, cách phục vụ… Tự trong thâm tâm ta đánh giá thấp về người hay phê phán và xét đoán xấu người khác: họ tự tố cáo bản thân họ cũng có những tật xấu mà miệng họ đang dán cho tha nhân, họ kiêu ngạo, họ ganh tị, họ gây bất ổn và chia rẽ trong cộng đoàn, sẽ có ngày họ nói xấu mình và bệnh xét đoán là bệnh hay lây và là một tội lỗi mà người nghe là đồng phạm. Người hay chê sẽ rất ít có lời khen thốt ra từ miệng họ, vì cái tôi họ quá lớn – lớn như một cái xà đến nỗi không còn nhìn thấy bất kỳ vẻ đẹp nào của tha nhân. Chúng ta thường thấy các người làm lớn (như Giám mục, linh mục, người lãnh đạo cộng đoàn) thường im lặng bỏ qua những sai sót nhỏ (không quan trọng) để nói lên lời khích lệ để xây dựng những tập thể và khuyến khích sự đóng góp của các thành viên trong Giáo hội. Hãy nhớ rằng: lời khích lệ sẽ làm cho tập thể lớn lên, còn lời xét nét chê bai sẽ giết chết nó ngay từ trong trứng nước.

Có thể kể đến cái xà mà Chúa Giê su nhắc tới là sự cứng tin vào sự hiện diện và tình thương của Chúa, về giao ước và lời dạy của Chúa. Dân Do Thái, vì cứng tin, đã chạy theo các thần dân ngoại – đã lãng quên những sự dẫn dắt và bao bọc của Chúa – đã bỏ ngoài tai những Lời Chúa ban và những điều khoản của giao ước Sinai. Trái lại, ông Abraham là cha của kẻ tin đã tin tưởng vào lời hứa của Chúa: rời bỏ quê hương đi đến vùng đất hứa và Chúa sẽ làm cho ông thành cha của nhiều dân tộc. Sự cứng tin luôn là một cái xà cản ngăn con người thờ phượng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là Đấng cứu chuộc, là Cha và là Đấng quan phòng cho từng người, từ lúc thụ thai cho đến lúc họ lìa đời. Có câu chuyện kể: Có một nhà trí thức đi ngao du khắp nơi để cho quên ngày tháng, trong tâm hồn ông mang một nỗi buồn lớn vì cô đơn và vì thấy cuộc đời vô vị, một hôm ông gặp một người chăn chiên đang vui vẻ thổi sáo – tuy nghèo, chẳng có học và chẳng có tương lai, cậu mới hỏi người kia: tại sao ông phiền muộn?- Tuy tôi tin có Chúa nhưng tôi thấy cô đơn, tôi nghĩ thế giới này có đến mấy tỷ người làm sao Chúa chăm sóc từng người được; người chăn chiên gãi đầu và nói: ‘tuy cháu không có học thức, nhưng cháu lại cảm thấy niềm vui vì có Chúa là người bạn luôn đồng hành, bác nhìn xuống ngôi làng phía dưới mà xem - mỗi nhà đều có những cửa sổ, tuy chỉ có một mặt trời, nhưng mọi cửa sổ đều được chiếu sáng, Thiên Chúa quyền năng và tình yêu cũng chăm sóc tâm hồn ta như vậy, và người kia cũng được lây niềm vui và sự tin tưởng.



Thánh Phaolo nói: “Niềm vui của Chúa là sức mạnh của anh em, tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên” (Philip 4, 4). Thánh Phaolô tin rằng vui mừng là một khuynh hướng ​​cơ bản mà tất cả chúng ta nên cố gắng duy trì, ngay cả khi mọi sự không diễn ra như ý muốn của chúng ta. Trong lá thư ngắn của Phaolô gửi cho các tín hữu Philipphê, trên thực tế, ngài đã nói về việc hân hoan vui mừng tới mười lăm lần. Và chúng ta nhớ rằng Phaolô đang ở trong tù khi ngài viết lá thư đó! Ngài không để cho hoàn cảnh cướp đi niềm vui của mình. Lạy Chúa, xin hãy giúp con duy trì niềm vui của con, đặc biệt khi con đối diện với những thử thách khó khăn của cuộc sống” (Word among us).

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét