Trong bài Tin Mừng thứ 7 tuần 12 TN (Mt 8,5-17), kể lại một
loạt những phép lạ chữa lành của Chúa Giê su: Chúa phán một lời là người đầy tớ
viên đại đội trưởng dù ở xa vẫn được chữa lành, đụng đến tay bà mẹ vợ của ông
Phê rô và bà khỏi cơn sốt, chiều đến Chúa chữa lành những người bị quỷ ám và mọi
kẻ ốm đau. Thế nhưng, phần kết của bài Tin Mừng lại nói một câu rất lạ: “Để ứng
nghiệm lời ngôn sứ Isaia ‘Người mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các
bệnh hoạn của ta’.
Chúa dùng quyền năng của Thiên Chúa để xua trừ ma quỷ và chữa
lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của con người, điều đó đã được kể như một dấu hiệu
của Đấng Thiên Sai, như một vị bác sĩ chữa trị cả bệnh thân xác và tâm hồn của
con người. Vị bác sĩ dùng thuốc và tài năng để đẩy lui bệnh tật, thế là xong;
nhưng nơi Chúa Giê su thì khác, Chúa gánh lấy các tật bệnh của ta và nhờ Ngài
mang thương tích mà tất cả chúng ta được chữa lành. Điều này muốn nói lên điều
gì?- Thưa: Chúa Giê su là Đấng Cứu Chuộc. Vì loài người đã phạm tội, mà tội
mang đến án phạt và sự chết, Chúa Giê su là Adam mới đã gánh lấy những đớn đau
nơi thân xác và khổ não trong tâm hồn để giao hòa loài người với Đấng Tạo Dựng
và nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Ki
tô.
Một nhà tu đức dạy rằng: mỗi ngày bạn nên suy ngắm về sự
thương khó Chúa Giê su trong 10-15’, để tri ân Chúa và để múc lấy nguồn ân
thánh. Để sống hạnh phúc trên cuộc đời này, người ta kể ra 4 kỹ năng: IQ là chỉ
số thông minh, EQ là chỉ số tình cảm, cảm thức xã hội và cảm thức về Thiên Chúa;
ngày nay con người thường bất hạnh vì cắt đứt mối liên lạc với Thiên Chúa: họ
không còn nhạy cảm với sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống, họ không hiện diện
trong các cử hành phụng vụ và kết quả là hai bên không thể nói chuyện và hiểu
nhau – đến độ không nhận biết nhau khi đến tòa phán xét.
Trong phép lạ chữa lành người đầy tớ viên đại đội trưởng,
chúng ta nhận ra 2 chi tiết: thoạt nghe chuyện người đầy tớ bị đau đớn, không cần
lời van xin, Chúa nói ‘chính tôi sẽ đến chữa nó’. Điều này nói lên tấm lòng
nhân hậu của Chúa Giê su, Ngài muốn chữa lành và cứu giúp con người trong cơn
cùng khốn của họ, vấn đề là người con có để cha mình giúp sức hay không. Chi tiết
thứ hai là lòng tin mạnh của viên đại đội trưởng: không cần Chúa phải đến tận
nơi, chỉ cần Chúa phán một lời thì đứa con mình cũng được khỏe và Chúa đã khen
lòng tin như thế. Câu nói của Chúa ‘ông tin thế nào thì được như vậy’ đã được
các nhà tu đức diễn tả: “Thiên Chúa hành động tùy theo lòng tin của chúng ta,
vì Ngài tôn trọng tự do của con người”. Đối với nhiều người, đức tin là một điều
ngoại thân, thêm thắt vào cuộc đời để tạo cho đời một hương vị và một trương mục
bảo hiểm, liệu cho ‘vừa vừa phải phải’ cho khoản đầu tư này … kết quả là tôn
giáo chỉ mang tính tương đối trong những chọn lựa đạo đức và trong những quan
tâm hằng ngày của họ. Lòng mạnh tin phải dẫn chúng ta đến chỗ đặt Thiên Chúa ở
vị trí cao nhất trong những quan tâm cuộc sống, yêu mến Ngài trên hết mọi sự và
trên hết mọi người, tuân giữ Lời Ngài và phục vụ Ngài trong vai trò và trong kế
hoạch yêu thương của Ngài.
Xin Chúa trợ giúp lòng tin yếu đuối của chúng con. Xin cho
con cảm nhận lòng thương xót của Chúa rất mãnh liệt và rất đỗi dịu dàng, như
tình thương của người cha và của người mẹ với những đứa con được sinh ra trong
tình thương và vẫn mãi muốn bao bọc bằng tình thương. Xin cho con biết thưa xin
vâng với những điều xảy ra trong cuộc sống, đó là cách trao cho Chúa sự tự do của
mình để Chúa có thể hành động và yêu thương con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét