Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2025

CẤP KITÔ

 


(Suy niệm của cha Minh Anh):

“Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa!”.

“Hiền lành trong lời nói tạo nên sự tự tin; hiền lành trong suy nghĩ tạo nên sự sâu thẳm; hiền lành trong cho đi tạo nên tình yêu. Hiền lành không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh được kiểm soát!” - Lão tử.

Kính thưa anh chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy quan điểm của Chúa Giêsu về sự hiền lành - điều tạo nên sự tự tin, sâu thẳm và tình yêu. Qua sự hiền lành của chính Ngài và giáo huấn Ngài dạy, Chúa Giêsu muốn đức ái của chúng ta đạt tới một cấp độ cao hơn, ‘cấp Kitô!’.

Với Chúa Giêsu, sự dữ không thể được đáp trả bằng một sự dữ lớn hơn! Với Ngài, luật “mắt đền mắt” - từng được coi là tiến bộ - không còn phù hợp. Ngài mời chúng ta đạt đến một cấp độ hoàn toàn khác của đức ái; Ngài đề nghị hãy chiến thắng điều dữ bằng điều lành.

Trong phiên toà xét xử Ngài, quân dữ khạc nhổ, đánh đấm và vả mặt Ngài. Phản ứng của Chúa Giêsu là im lặng; nghĩa là Ngài đã “giơ cả má bên trái ra nữa”. Đây là sự yếu đuối hay sức mạnh? Đáp trả bằng cách tấn công hay tự kiềm chế? Chúa Giêsu đã chọn điều tốt nhất, vì Ngài biết rõ, bằng cách tấn công, người ta sẽ ‘xuống cùng’ một cấp độ với kẻ tấn công mình. Ở một chỗ khác, Ngài hỏi những kẻ chất vấn và đánh đập Ngài, “Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh điều sai. Nhưng nếu tôi nói đúng, sao lại đánh tôi?”.

Rõ ràng, Chúa Giêsu không phải là nạn nhân; đúng hơn, Ngài đang kiểm soát, tự chủ để không bao giờ mất đi sự bình tĩnh và phẩm giá của mình cho đến phút cuối. Và đó là lý do tại sao chúng ta bắt chước và tôn thờ Ngài. Vì thế, việc ‘giơ cả má bên trái’ không là dấu của yếu đuối, nhưng là dấu của một sức mạnh nội tâm to lớn, một lòng tự trọng sâu sắc và thậm chí là sự tôn trọng phẩm giá của chính kẻ tấn công mình. “Hiền lành không có nghĩa là để người khác giẫm lên, mà là đứng vững mà không cần phải gây tổn thương!” - Rollo May. Phaolô cũng dạy điều tương tự, “Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ!” - bài đọc một. Lời Chúa mời gọi chúng ta không gây tổn thương nhưng tiến đến một cấp độ cao hơn - ‘cấp Kitô’ - vượt lên từ “mắt đền mắt!”.

Anh Chị em,

“Hãy giơ cả má bên trái ra nữa!” Vậy trong các tình huống tương tự, bạn và tôi đừng để mình trở thành nạn nhân, nhưng hãy là ‘chủ nhân’ hoàn toàn tự chủ! Chúng ta không chọn bạo lực; nhưng chọn ‘bất bạo động chủ động’ với lý tưởng tôn trọng con người và phẩm giá của họ, những kẻ mà - cùng Chúa Giêsu - bạn và tôi muốn cứu độ! Thế giới hôm nay đang ‘chứng tỏ’ và ‘chứng kiến’ một ‘sự phá sản’ tàn khốc của một ‘chu kỳ bạo lực và chống lại bạo lực’ không hồi kết. Là con cái Chúa, chúng ta sống sự hiền lành như Thầy Chí Thánh, sống bản lĩnh Kitô giáo, một ‘bản lĩnh đượm chất Tin Mừng!’. Bởi lẽ, bạo lực không hề mặc cả và trả thù không hề ngọt ngào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để điều ác làm con mất tự chủ! Cho con trở nên mạnh mẽ khi biết kiến tạo yêu thương ngay trong những gì ác ý nhất của người khác!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 NB. Lời của M. Gandhi: "Giây phút đẹp nhất của cuộc đời Chúa Ki tô là lúc Ngài thốt lên lời cầu nguyện 'Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm' (Lc 23, 34).

Thánh Stephnô, vị tử đạo tiên khởi đã noi gương Thầy mình, lúc bị ném đá đến gần chết, thánh nhân đã thốt lên: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ" (Cv 7, 60).

Đất nước nào và tổ chức tôn giáo nào cũng có những vị anh hùng dám hy sinh cuộc đời và tính mạng vì lý tưởng và hạnh phúc nhân dân. Điểm khác biệt căn bản nhất giữa các Thánh Tử Đạo và họ là ở sự tha thứ: các vị anh hùng thường chết trong sự oán hận và lòng đầy chí khí trả thù, còn các Thánh tử đạo lìa đời trong sự phó thác vận mệnh trong tay Thiên Chúa và tha thứ cho kẻ làm khốn mình, họ vui mừng vì được nên giống Thầy Giê su, vị tử đạo gương mẫu của Ki tô giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét