Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2025

Ơn thánh

 



“Bàn thạch Phê rô trường tồn thay, đồng trụ Phao lô trường tồn thay” (Hai người tiên phong) đã nói lên vai trò của hai vị tông đồ: Ngôi nhà Giáo hội được xây trên nền đá Phê rô và những trụ đồng vững chắc Phaolô là rường cột của tòa nhà đó. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng chiêm ngắm công trình của ơn thánh, những phép lạ Chúa làm để biến đổi tâm hồn và cuộc đời của hai vị thánh này.

Một giai thoại kể rằng: Khi Chúa Giê su chuẩn bị về trời - mọi sự còn rất dở dang, một vị thiên sứ hỏi Chúa: Chúa có kế hoạch B và C gì nữa không? Chúa Giê su mỉm cười và nói: “Ta tin tưởng vào họ”. Giáo hội lúc đó chỉ vỏn vẹn khoảng vài trăm người, đa số là người thuộc giới bình dân ít học và mất hết tinh thần - nhút nhát sợ sệt người Do Thái; còn ông Saolê, một người thuộc giới Biệt Phái – vì lòng nhiệt thành đang ra sức tấn công những người thuộc giáo phái Giê su. Tuy vậy với ơn Chúa, hai vị tông đồ đã có những bước ngoặt để trở thành những người hoàn toàn thuộc về Đức Giê su Ki tô, dám liều mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin của mình.

Một giai thoại được mô tả trong tác phẩm Quo Vadis (Thầy đi đâu) kể về Thánh Phê rô: Lúc ấy tông đồ Phê rô đang rao giảng Tin Mừng ở Roma, cơn bách hại dữ dội của hoàng đế Nê rô xảy ra, nhiều anh em khuyên ông Phê rô nên trốn sang thành khác để duy trì Hội Thánh, nhưng đang lúc ông đi ra khỏi thành thì gặp Chúa Giê su vác thập giá tiến vào thành, ông Phê rô hỏi “Quo vadis” và Chúa trả lời Thầy đi vào thành Ro ma để chịu chết một lần nữa… và thánh Phê rô đã quay trở lại thành Ro ma và chịu tử đạo để làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giê su là Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại, là Đấng cứu độ duy nhất của trần gian.



Khi Chúa gọi ông Phê rô làm tông đồ, phép lạ mẻ cá lạ - kết quả của sự vâng lời Thầy Giê su - đã làm ông Phê rô thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi”. Chúa đã không loại bỏ ông mà còn phán: “Hãy theo Ta” và Phê rô đã bỏ nghề nghiệp – vợ con để làm môn đệ Chúa. Tuy vậy, ơn Chúa không biến đổi ngay con người mỏng dòn yếu tin thành một tông đồ gương mẫu, các ông còn chậm tin, còn tranh luận cao thấp, còn tự phụ vào sức riêng mình, còn sợ chết… Nhưng một mặt khác của đồng tiền, mặt sáng của ơn Thánh, chúng ta cũng kinh ngạc khi ông Phê rô tuyên tín: bỏ Ngài chúng con biết theo ai – chỉ có Thầy mới đem lại sự sống đời đời, “được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki tô bao nhiêu anh em hãy vui mừng bấy nhiêu để anh em được vui mừng hớn hở vì được chia sẻ vinh quang với Ngài” (1 Pr 4, 13). Chúng ta nhận ra rằng: hành trình theo Chúa, việc biến đổi thành một vị thánh, là một tiến trình bền bỉ của ơn thánh và sự nỗ lực của con người. Hãy học sự kiên nhẫn của Thiên Chúa để có sự nhẫn nại và rộng lượng với anh em.

Còn cuộc đời Thánh Phao lô thì quá nổi tiếng, việc hoán cải từ một người nhiệt thành bắt đạo – trong khoảnh khắc trở thành người rao giảng về Chúa Giê su không phải là quá trình của hoán cải và suy tư thần học mà là sự can thiệp trực tiếp của ơn Chúa, biến ông thành khí cụ của Tin Mừng. Ông Phaolo được Chúa trực tiếp mạc khải về giáo lý, Ngài lui vào sa mạc ( ở ẩn) khoảng vài tuần – liền sau đó Ngài rao giảng về Chúa Giê su một cách dạn dĩ và công khai, khoảng 3 năm sau ngài mới lên Giê ru sa lem để đối chiếu giáo lý mình dạy với ông Phê rô – trong dịp đó ngài còn gặp tông đồ Gia cô bê. Trong thư 2 Cr 11, 18… chúng ta được biết Thánh Phao lô bị tù lâu năm, 5 lần bị đánh 39 roi/lần, 3 lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá tưởng chết; 3 lần bị đắm tàu, một đêm một ngày bị lênh đênh biển khơi và biết bao nguy hiểm trên rừng trên biển, chịu nhiều thiếu thốn về thể xác và mối bận tâm về các giáo đoàn. Thánh nhân kể ra một chút cho ta biết (nói như người điên) còn trong thâm tâm, ngài chỉ tự hào về sự yếu đuối và về thập giá Đức Ki tô, vì biết rằng sức mạnh người tông đồ là ở nơi Chúa: vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.

Mừng lễ 2 thánh Tông đồ, chúng ta ca tụng công trình kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi 2 vị tông đồ: xét theo bên ngoài thì các ngài cũng là những người tội lỗi và yếu đuối, nhưng được cộng tác vào việc rao giảng nước trời là một hồng ân: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Trong Logo của năm thánh những người hành hương của hy vọng, có một dòng chữ nhỏ hơn và đôi khi chúng ta không để ý: “CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG”, câu nói này nói với từng người hãy nỗ lực và cộng tác với nhau làm cho Danh Chúa Gie su vang lên trong nhân loại. Điểm kết luận thứ hai: Giáo hội Công giáo là Giáo hội của Chúa Giê su, Chúa hứa rằng ‘sẽ vững bền’ như ngôi nhà được xây trên nền đá. Xin trích lời của nhà thần học Đức Karl Rahner: “Giáo hội là một bà mẹ nhăn nheo, xin đừng ai nói xấu Giáo hội, vì đó là Mẹ tôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét