Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2025

Công chính

 



Lời Chúa nói với chúng ta: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì các con không được vào nước trời” (Mt 5, 20). Các kinh sư là các thầy thông luật, các biệt phái là những người giữ luật một cách nghiêm nhặt. Vậy làm sao mà Chúa Giê su đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải ăn ở công chính hơn các vị, nếu muốn được vào nước trời?

Để hiểu hai nhóm trên, chúng ta vào google hỏi thì được trả lời như sau:

“Kinh sư (Grammateus):

·         Là những người có học thức, thông thạo luật Môsê và Kinh Thánh. 

·         Thường được gọi là ký lục, luật sĩ hoặc thầy thông luật. 

·         Chuyên trách giải thích và áp dụng luật pháp. 

Biệt phái (Pharisêu):

·         Là một nhóm xã hội, đảng phái hoặc trường phái tư tưởng. 

·         Được coi là nhóm lãnh đạo tôn giáo và chính trị. 

·         Tuân thủ nghiêm ngặt luật Thiên Chúa, nhưng cũng có thể áp đặt luật pháp trên dân chúng. 

Mối liên hệ:

·         Một số Kinh sư có thể là thành viên của nhóm Biệt phái. 

·         Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của Biệt phái đều là Kinh sư”. (internet)

 


Trong tông huấn tiếng gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (GE), Đức Giáo hòang Phanxicô đề cập đến hai kẻ thù cua sự nên thánh là tân ngộ đạo thuyết và tân Pelagio. Ngộ đạo thuyết là những người chủ trương rằng: Sự thánh thiện đặt nền tảng trên những nhận thức cao siêu về chân lý, càng hiểu biết và đào sâu những điều thần bí của đạo thì càng gần Thiên Chúa, họ biến Ki tô giáo thành một hệ tư tưởng trong lúc lại bỏ qua việc thực hành những việc bác ái, cầu nguyện, lòng thương xót, và coi thường những người bình dân (Có thể ví như là các kinh sư).

Còn thuyết Pelagio là gì? Pelagio là tên của một đan sĩ sống vào thế kỷ V (360-420). Vào một thời kỳ phong hóa suy đồi, ông kêu gọi cố gắng chấn hưng kỷ luật qua các việc tu đức khổ chế. Tiếc rằng vì nhấn mạnh quá đáng đến nỗ lực của con người, ông giảm nhẹ vai trò của ân sủng, khiến cho thánh Augustinô phản ứng quyết liệt. Tông huấn đặt tên Pelagio cho thái độ nhấn mạnh đến nỗ lực cá nhân, đến nỗi hầu như sự thánh thiện là kết quả của ý chí chứ không phải là ân sủng. Thế nhưng, sự thánh thiện là tác động của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta cũng như là sự hợp tác với Thánh Linh (Có thể ví như các biệt phái).

Chúa Giê su đến trần gian, Ngài không thuộc hai nhóm trên, Ngài giảng những điều được Cha truyền nói – thế nên nhóm kinh sư cũng thường xuyên xuất hiện để xem lời Chúa giảng có gì sai để bắt bẻ; còn nhóm biệt phái thì thường xuyên khó chịu vì Chúa thường lỗi luật sa bat, không giữ luật thanh tẩy và thường tiếp xúc với những người tội lỗi. Sự công chính Chúa đòi hỏi chúng ta là: phải có tình yêu trong mọi việc ta làm và trong việc tuân giữ Lời Chúa. Tình yêu Chúa phải là chóp đỉnh và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình sống đạo của người Ki tô hữu, tình yêu đó thúc đẩy người con cái Chúa lưu tâm đến tha nhân là hiện thân của Chúa. Linh đạo của người con cái Chúa được đặt nền tảng trên sự khó nghèo và lòng thương xót: sự thánh thiện của Ki tô hữu là sống dưới con mắt Chúa như bé thơ và trông mong mọi sự từ Chúa - như đôi mắt nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, và khi ý thức rằng mình lãnh nhận mọi phúc lành từ Chúa thì ta cũng phải cư xử với anh em với lòng thương xót.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét