Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

TÔI LÀM TRUYỀN THÔNG





Khi tôi nói chuyện với ai đó, dù chỉ là một lời thăm hỏi hoặc trao gửi một tâm tình nào đó… thì đó là truyền thông – với 4 yếu tố cấu thành: người gửi, sứ điệp, kênh truyền và người nhận.

Bình thường, khi nghe đến 2 chữ truyền thông là ta thường nghĩ đến những điều cao siêu, những kỹ thuật tân tiến và việc ấy chỉ dành cho một số người chuyên ngành. Vâng, đúng thế - nhưng không phải thế: hằng ngày mỗi người đều trao nhau ánh mắt – nụ cười và biết bao nhiêu vấn đề được thảo luận… hằng ngày mỗi người đều chuyển cho nhau những thông điệp tốt - xấu.

Bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi là truyền thông: Ba Ngôi trao ban cho nhau – mang lại bữa tiệc tình yêu vĩnh cửu, Thiên Chúa lại còn tạo dựng nên muôn loài là để mạc khải vẻ đẹp của Ngài, Ngôi Con là nhà truyền thông tuyệt hảo – hoàn tất những mạc khải về Thiên Chúa – và qua cái chết tự hiến, Ngài đã nối liền đất với trời. Đến lượt mình, Giáo hội có sứ mạng truyền thông cho muôn loài biết sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”.

Muốn truyền thông cho tốt, con người phải dùng những phương tiện mới, ngôn ngữ mới, văn hóa mới và phải biết tâm lý. Nhà giáo dục mà không biết “new media” (phương tiện mới) thì bị đẩy ra bên lề xã hội. Năm 2010, một Blog tuổi teen được google bình chọn là nhiều khách vào thăm nhất – mà người làm chủ là một cô bé tuổi 12! Nếu ta quá chậm chạp với internet, blog, you tube, truyền thanh, truyền hình… thì bữa tiệc hỏa ngục sẽ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Hãy cố gắng để dọn ra những bữa tiệc thiên đàng cho người trẻ hưởng dùng: những chân lý đạo được trình bày sống động, những tư tưởng đem lại sự hiệp nhất và bình an cho các tâm hồn, những lưu niệm đạo đức xây dựng một lối sống thanh cao – phù hợp với phẩm giá người con Chúa.

Để truyền thông tình yêu, Thiên Chúa đã nhiều lần phán dạy từ trời cao. Nhưng để con người hiểu được mức độ thâm sâu của tình yêu ấy, thì Thiên Chúa đã sai Con Ngài nhập thể - mặc lấy thân phận con người yếu đuối, Người con ấy đã dùng nhiều dụ ngôn sống động để diễn tả những mầu nhiệm nước Trời, và với cái chết nhục nhã và sự Phục sinh vinh hiển, loài người đã được cảm hóa bởi một tình yêu thẳm sâu của Thượng Đế. Và để sứ điệp Tin Mừng được lan truyền tới những vùng xa xăm, các nhà truyền giáo đã lên các thuyền buôn bôn ba khắp nơi, để giảng Đạo cho những dân tộc xa lạ về ngôn ngữ và văn hóa.

“Tin Mừng” là sứ điệp quý giá nhất trần gian, vì nó đem lại hạnh phúc cho những ai tin theo. Viên ngọc quý nầy chúng ta được nhận nhưng không thì chúng ta phải biết đem chia sẻ cho người khác nữa. Những kinh nghiệm gặp gỡ của ta với Đức Kitô cũng là những sứ điệp đem lại những niềm vui thiên đàng cho anh em – nên ta cũng phải tìm cách ‘mã hóa’ nó để gửi cho anh em. Nhà truyền thông phải rất tránh nói một đàng mà sống một nẻo: “Khi lời nói một đàng mà cuộc sống lại một nẻo, thì người ta tin hơn vào tín hiệu thứ hai” (Emerson). “Chúng ta dùng ngôn ngữ để nói chuyện, nhưng chúng ta truyền thông bằng cả con người” (Paul Ekmar).

Nếu Giáo hội không tìm mọi cách để truyền thông thì đã phản bội lại chính lý tưởng của mình: “Anh  em hãy đi khắp thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho họ”. Đừng đợi khi có dịp mới truyền thông và cũng đừng nghĩ: chỉ có mấy người nhiều chữ mới làm được việc nầy. Đúng hơn, hằng ngày từ trong tư tưởng và qua lời nói, ta phải nghĩ và nói những lời đem lại sự hiệp nhất – bình an và mang lại lợi ích thiêng liêng. Dù ăn, dù uống, dù chơi, dù đi nhà thờ… mỗi người đều là nhà truyền thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét