Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Ông Tôma





Thánh Tôma xuất hiện trong Tin Mừng như là một người luôn ‘thọc gậy bánh xe’, một người rất cá tính và là một người luôn thắc mắc… Nhưng khi đã dùng lý trí để tìm hiểu Chân lý và được ơn Chúa soi dẫn, Thánh nhân đã đi rao giảng mãi tận Ấn Độ. Ngài là thần tượng của các nhà khoa học.

Lần thứ nhất xuất hiện trong Tin Mừng là sau khi Chúa loan báo Người sẽ lên Giêrusalem để chịu nộp, Thánh Tôma đã thốt lên: “Nào chúng ta cũng lên Jêrusalem để cùng chết với Chúa”, một lời nói vừa mang tính bộc trực vừa bày tỏ một chút phẫn nộ - thách thức trước kế hoach lạ đời của Thầy mình, trong lúc một người nóng nảy như Phêrô mà còn biết kéo riêng Chúa ra mà nói nhỏ: “Xin Chúa cho Thầy đừng phải chịu những điều ấy!” Lần thứ hai là khi Chúa loan báo việc Ngài sẽ trở về với Cha và sẽ trở lại để mang các môn đệ theo, các môn đệ không hiểu gì về điều Thầy nói, vì Chúa thì nói úp mở và Thánh Thần thì chưa được ban xuống, chẳng ai dám hỏi han cho rõ về mớ bòng bong đó, thì ông Tôma liền lên tiếng: “Chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao biết được đường?” Chúa Giêsu mới mạc khải cho chúng ta một câu Tin Mừng thật hay: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lần thứ ba xuất hiện, Thánh Tôma là một kẻ cứng lòng: ông không dễ dàng chấp nhận một điều mà lý trí không hiểu nổi, Ngài cũng không mềm lòng trước chứng từ tập thể các tông đồ về việc Thầy sống lại… nhưng lòng Ngài đã trở nên dễ dạy trước ơn Thánh Chúa ban, để mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Chúa của lòng mình… sau đó, theo truyền thuyết, Ngài đã ra đi rao giảng Tin Mừng xa nhất, xa đến nỗi khi Đức Mẹ mất, Ngài trở về thăm thì không thấy xác Mẹ đâu nữa, ngôi mộ Mẹ tỏa một hương thơm ngào ngạt. Ngài đã chịu tử đạo ở Ấn.

Những người luôn biết đặt lại vấn đề, biết tư duy để đạt được những ‘xác tín cá nhân về đạo’, không chấp nhận giữ đạo theo bầy đàn – rập khuôn… được xem là những Tôma của thời đại. Lịch sử Giáo hội đã có kinh nghiệm: nhiều người đã dám lên tiếng về những điều bất toàn về cơ cấu và sinh hoạt của giáo hội cũng như các cộng đoàn tu trì, dù nhiều khi họ bị buộc phải im lặng và bị nghi ngờ. Nhưng chính nhờ những cái nhìn ‘phản diện’, không rập khuôn và vì thiện chí muốn xây dựng ấy mà đã có những cuộc cải tổ, đã có công đồng Vaticanô II. Ngay trong một giáo xứ và những tập thể sinh hoạt đạo, ta phải biết lắng nghe những tiếng nói và cái nhìn ‘phản diện’, ít là ta có cơ hội để nhìn lại những điểm cốt lõi của Giáo lý và sinh hoạt của chính mình.

Con người thời nào cũng thích chạy theo và dễ tin vào những ‘sự lạ’: ơn chữa bệnh của ông nọ bà kia, sự lạ về các tượng Đức Mẹ…nhan nhản được loan truyền. Thật là ngại khi được ai đó hỏi ý kiến về những sự lạ: tin hay không, do ơn riêng hay thờ thần thánh gì, Chúa hay ma quỷ đứng sau .. Chính những sự lạ đã làm cho người người đổ xô về để xin ơn chữa bệnh và tìm hài cốt, ơn lành hồn xác… Phải thú thực, tôi rất ngại nghe và tin những sự lạ.

Vì Chúa là “Chúa và là Thiên Chúa của con” trổi vượt trên hết mọi chư thần, Chúa tuy vẫn hiện diện ngay trong vũ trụ và trong tâm mỗi người, nhưng dường như Ngài thích sự hiện diện ‘tĩnh’ – dường như Ngài đang ngủ say khi con thuyền các tông đồ bị sóng đánh chập chờn (Mt 8,23)…vì Ngài tôn trọng trật tự tự nhiên và vì Ngài muốn niềm tin ta được trui luyện vững vàng. Đừng vội chạy theo sự lạ vật chất, vì thực ra Chúa muốn ta tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, tin tưởng vững vàng vào quyền năng Chúa: “Liệu khi Con Người đến còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?”. Hãy coi chừng các tiên tri giả, chúng thường đội lốt chiên hiền lành, nhưng bên trong lòng chúng là sói dữ, luôn tìm cơ hội để cắn xé con mồi.

Noi gương Thánh Tôma, ta hãy dùng lý trí để minh định điều gì phù hợp với Tin Mừng và được Giáo Quyền dạy dỗ thì ta tin, ta hãy duy trì một đời sống nội tâm – cầu nguyện, để ơn Chúa soi dẫn ta nhận ra Đức Giêsu là Cứu Chúa của nhân loại và là Chúa của cõi lòng mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét