Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

TÌNH GIA ĐÌNH.





Khi bước vào đại học, nhiều sinh viên đã chọn những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục việc học hành, và ở đó hình thành những ‘cụm gia đình nội trú’. Có những cụm nhà do tư nhân tổ chức, nhưng đa số là do các dòng tu đứng ra điều hành sinh hoạt. Khi có nhiều nhà trong một khu vực thì họ lập thành một cụm, có một cụm trưởng và vị nầy cắt cử một số trưởng nhà lo điều tiết sinh hoạt cho 20-30 đàn em dưới quyền. Và những người chung sống cùng một mái nhà được mời gọi sống tình gia đình với nhau.

Có vị tổng thống Mỹ đã từng nói: “Bạn đừng đòi hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, nhưng hãy tự hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Khi sống chung với nhau hình thức một nhà trọ: góp gạo nấu cơm chung và cùng đọc kinh xem lễ, còn cả ngày mỗi người mỗi ngả đi học… ta dễ ỉ lại, chỉ biết hưởng dùng mà ít nghĩ tới đóng góp. Thực ra, khi ta chỉ biết đòi hỏi và mong chờ, thì cuộc sống dễ phơi ra những cái không hay và trở nên nặng nề. Nhưng nếu mỗi người ý thức đóng góp phần ít ỏi của mình thì bầu khí chung trong ‘gia đình góp’ nầy chắc chắn sẽ tươi vui hơn nhiều, vì sẽ lộ ra phần tinh túy của tình người, tình huynh đệ và tình con cái Chúa. Những hành vi bác ái yêu thương rất có khả năng truyền cảm và hay lây; nhưng những biểu hiện vô tâm ích kỷ cũng là những virut rất nhạy cảm.

Khi thay thế một trưởng nhà, và nếu người mới nầy không đắc nhân tâm, thì tình hình trong gia đình sẽ rất khác. Các thành viên nghiệm ra được rằng: trước đây, vì nể phục đàn anh mà mình nỗ lực và tích cực trong mọi sinh hoạt. Giữa cha mẹ và con cái trong gia đình ruột thịt cũng cần phải có sự nể phục nầy, cha mẹ phải có uy tín và là người cầm cân nảy mực trong giáo dục và sinh hoạt gia đình, và con cái cần có sự vâng phục như vâng lời Chúa. Trong một giáo xứ cũng vậy, cha xứ và những vị lãnh đạo hội đoàn phải giữ uy tín với các thành viên, và các thành viên nên vâng phục các vị ấy như vâng lời Chúa. Như vậy mới có trật tự, an bình và công đức.

Đã là người, ai cũng có lầm lỗi; và đã là người, ai cũng bị con quỷ kiêu ngạo rình mò xúi giục bất tuân. Điều đáng thương cho nhân loại sống trong thời đại bùng nổ thông tin là họ muốn giải quyết mọi chuyện nhanh gọn và bằng bạo lực. Ngay một đứa trẻ bậc tiểu học, một hôm đi dọc hành lang đụng nhẹ vào cô giáo, cô nghiêm giọng bảo: “lần sau còn đụng vào cô nữa thì cô đánh cho mà chừa”. Bạn đứa trẻ bảo nó: “Nếu cô giáo mà dám đánh tao thì tao sẽ gọi cha mẹ lên đánh lại cô giáo cho mà biết”. Thế đó, cô giáo thì quá dữ dằn và các em cũng chỉ biết một phương án giải quyết là dùng bạo lực.


Sống trong cuộc đời, con người cũng cần phải học chữ nhẫn: nhẫn nại và nhẫn nhịn. Nóng nảy và háo thắng là khuynh hướng sơ đẳng của loài vật và chẳng có gì đáng tự hào. Sự nhẫn nhịn bỏ qua những điều vặt vãnh vì một mục tiêu cao hơn là phẩm chất của người biết sử dụng lý trí để minh xét sự việc dưới nhiều góc cạnh và họ thường đưa ra nhiều phương án giải quyết vấn đề. Khi biết nhẫn nhịn, nhiều lúc ta nhận ra rằng thời cơ sẽ khác, lòng người cũng thay đổi và lòng mình cũng can trường hơn…đến nỗi khó khăn lúc trước không còn là ‘vấn đề’ nữa.

Cuộc đời giống như dòng nước chảy, nó không bao giờ êm đềm như ta định trước, sẽ có những bất trắc và sẽ gặp người ‘trái khuấy’… nếu không học được chữ nhẫn thì nguy cơ thất bại sẽ là rất lớn và tâm hồn luôn bất an. Có những danh từ tối kỵ trong những mối giao tiếp, vì nó gây nên những tình cảm tiêu cực cho người nghe và người nói. Trong tình yêu, đó là chia tay; trong hôn nhân đó là ly dị; trong hợp đồng kinh tế, đó là hủy hợp đồng; trong việc phục vụ Giáo hội, đó là từ chức và bỏ việc.

Để cuộc sống luôn hạnh phúc, xin gửi tặng quý vị câu danh ngôn: “Tất cả kho tàng trên trái đất này không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình”. (Calderon). Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, cần nhất là vợ chồng biết khiêm tốn và tha thứ (cho mình và cho nhau). Hãy học chữ nhẫn nơi Thiên Chúa là Đấng dự liệu cho cỏ lùng và lúa cùng mọc chung cho tới mùa gặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét