Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Ai là anh em tôi?





Nếu trả lời theo lý thuyết thì câu hỏi nầy thực sự không khó, vì giới răn yêu thương là giới răn căn bản của đạo.  Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về nhân đức nầy và được các tông đồ dẫn giải để áp dụng cụ thể trong đời sống. Trải qua các thời đại, đã có biết bao bài suy niệm và sứ điệp của các Đức Giáo Hoàng triển khai. Và nhất là đã có gương yêu thương đến tự hiến của Thầy Giêsu với lời dạy : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Thánh Phaolô đã diễn tả: trong lúc ta còn là tội nhân thì theo kỳ hẹn, Đức Kitô đã nộp mình chịu chết vì chúng ta.


Trong Tin Mừng Luca, qua câu chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37), chúng ta hiểu được anh em tôi là người tôi quan tâm đến: bỏ thòi giờ - tiền bạc và cả sự liều lĩnh. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1982 đã đưa ra khẩu hiệu “Mọi người là anh em tôi” . Sứ điệp mùa chay 2012, Đức Thánh Cha Benêdictô 16 lấy chủ đề "Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành" (Dt 10,24) ; Ngài nói : “Hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, và chú ý đối với nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em. Bệnh của thế giới này không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau. Sự quan tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo, dưới mọi khía cạnh: thể lý, luân lý và tinh thần. Sự quan tâm còn phải hướng đến sự ân cần đồi với thiện ích thiêng liêng của họ và sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến sự sống đời đời”.

Có câu danh ngôn nói: “Yêu thương hết mọi người, thân thiết với một số người và đừng làm mất lòng ai”. Nhìn nhận ‘mọi người là anh em’ không phải là nghệ thuật sống để thành công trên đời, nhưng có nền tảng từ đức tin: mọi người có chung một người Cha trên trời và cùng được Đức Kitô đổ máu ra cứu chuộc. Đức yêu thương dạy ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi người anh em, ta chỉ chê ghét tội lỗi nhưng không được ghét bỏ kẻ có tội. Khi nói chuyện với những người trong tổ chức Caritas quốc tế, ĐGH Bênêdictô 16 dạy rằng khi làm việc bác ái và cứu giúp người cùng khổ, ta phải có ý hướng đưa họ nhận biết Cha trên trời. Nhiều người đã nghiệm ra rằng khi họ đến với người nghèo khổ thì họ là người nhận được nhiều hơn những điều họ cho đi: “chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh” (Thánh Phanxicô Assidi). Ngoài sự bình an và niềm hạnh phúc của sự trao ban, họ còn gặp được chính Chúa Giêsu – vì Ngài ưa thích hiện thân trong những kẻ bé mọn, để tạo cơ hội làm phúc cho con người.


Thế nhưng thật là khó để nói lên những cảm nghiệm của riêng mình cho người khác về chủ đề ‘Ai là anh em tôi?’ mà không khỏi thẹn thùng, may ra chỉ có những ‘vị Thánh’ như Mẹ Têrêxa, cha Đamiêng Tông đồ người hủi… mới dám nói về nó một cách rõ ràng. Còn tôi và nhiều người trong chúng ta chẳng làm được gì nhiều cho tha nhân, cùng lắm chỉ là yêu thương những người trong gia đình mình và một số người ‘dễ thương’ một chút, cùng lắm chỉ là phục vụ trong một số lãnh vực nho nhỏ, chỉ là dành một số thời giờ và một số tiền ‘còm’ cho công tác thiện nguyện… Trong lúc Chúa dạy ta yêu thương không loại trừ một ai: Khi dâng của lễ, nếu con sực nhớ người anh em đang bất bình với con thì hãy để của lễ lại, đi làm hòa trước; Ai mắng anh em là đồ khùng thì sẽ bị lửa hỏa thiêu; điều gì con không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác; không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng mình vì bạn hữu”.

Vườn địa đàng ngày xưa muôn phần xinh đẹp vì tràn ngập tình yêu thương và vâng phục. Thế nhưng, tội bất tuân đã làm đảo lộn mọi thứ: vợ chồng bội thề với ‘nửa kia’ của mình, Cain giết em là Abel, người nầy kiêu ngạo chống lại người kia, lối sống hưởng thụ và ích kỷ làm cho con người tẩy chay và loại trừ nhau - xem nhau như kẻ thù, kể cả người đó là con mình hoặc người cùng máu mủ ruột thịt. Khi nói tới hai chữ ‘anh em’ là ta muốn nói đến cách đối xử nhân nghĩa, quan tâm và giúp đỡ, chín bỏ làm mười: chạnh lòng thương.

Thiên Chúa trao cho người năm nén bạc, còn kẻ khác một nén. Có kẻ được ơn Chúa thúc đẩy để làm những việc lớn lao cứu nhân độ thế, còn kẻ khác chỉ là khiêm tốn yêu thương những người quanh mình: “Trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương’. Sống trên đời, mỗi ngày luôn có sự giằng co nơi tâm hồn ta: trao ban và giữ lại cho riêng mình. Thế nên câu hỏi ‘Ai là anh em tôi?’ phải là câu tự vấn lương tâm để tôi có một cách sống đẹp lòng Chúa. Chúa dạy tôi khởi đi từ việc đừng làm hại anh em: ‘Điều con không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác’;tiếp đến là đừng báo thù, đừng mắng chửi; đừng lên án, đừng vô tâm và loại trừ một ai ra khỏi vòng tay yêu thương, mỗi người là môi miệng và tay chân để Chúa tiếp tục đến với anh em. Chỉ có sức mạnh của Thánh Linh mới giúp ta vượt thắng tính ích kỷ nơi mình để nhìn nhận ‘mọi người là anh em tôi’: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như thế” (Lc 10, 37).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét