Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ MANG NHỮNG NỘI DUNG LỚN





            Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện các ứng sinh của Giáo phận nhà. Những năm gần đây các khóa học tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang diễn ra hằng năm. Các ứng sinh trải qua một năm chuẩn bị tại Tòa Giám Mục, sau đó sẽ được gửi đi Đại Chủng Viện.  Con số tựu trường những năm gần đây có phần giảm sút so với những năm trước.
 Đã đến lúc Giáo phận chúng ta phải báo động về ơn gọi: sẽ đến ngày chúng ta không đủ số người nhập học theo chỉ tiêu cho phép. Thời gian trước đây, ơn gọi thì nhiều nhưng lại không có điều kiện để phát huy và học tập. Xin hiệp lời cầu nguyện để xin Chúa thúc đẩy nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân cho nước trời, xin cho Giáo phận có thêm nhiều ơn gọi linh mục, là những người điều hành và đồng hành cùng đoàn dân đông đúc.

            Câu chuyện thứ hai là một câu chuyện Tin Mừng (Lc 7,36-50). Đoạn Tin Mừng kể lại chuyện Chúa Giêsu được một người biệt phái mời dự tiệc, có một người đàn bà tội lỗi đã khóc lóc ăn năn tội – nước mắt chảy ướt chân Chúa – bà dùng tóc mình mà lau chân Chúa – bà không ngớt hôn chân và xức dầu thơm lên chân Chúa. Người biệt phái rất khó chịu khi phải chứng kiến cảnh quấn quýt của hạng phụ nữ này với người khách của mình, ông càng khó chịu hơn khi tự hỏi: ‘tại sao Chúa không xua đuổi bà ta ra, mà xem chừng lại rất bằng lòng!’… Quả thật, trước đây khi đọc đến đoạn Tin Mừng nầy, chính tôi cũng phải bối rối vì thấy suy luận Thần học ở đoạn tiếp theo không được logic mấy: Người biệt phái trả lời Chúa: “Người được tha nợ nhiều ắt sẽ yêu nhiều hơn”. Đúng thế! Ông đã trả lời rất đúng, Chúa nói. .. Ông thấy người đàn bà này chứ, Tôi nói cho ông biết, tội của chị tuy nhiều, nhưng đã được tha hết, bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều, ai được tha ít thì yêu mến ít. Cha Phaolô Nguyễn Công Minh đã dùng một hình ảnh đơn giản làm cho ta dễ ngộ ra chân lý: Một quả cầu tuyết! Vâng, vào mùa đông tuyết, trẻ em thường vắt một cục tuyết bằng nắm tay và ném xuống sườn dốc. Quả cầu đó càng lăn thì càng lớn dần và càng ngày càng lăn nhanh hơn… Cũng thế, khi ta yêu nhiều thì tội lỗi ta được tha thứ, mà càng được tha nhiều thì ta lại càng yêu nhiều hơn. Còn ngược lại - giống như khi ta ném quả cầu tuyết ngược lên dốc, người yêu mến ít thì được tha ít, và vì được tha ít nên họ lại ít yêu mến hơn nữa: quả cầu tuyết nhỏ lại dần. Tình Chúa yêu ta cũng được ví như quả cầu tuyết càng ngày càng lớn, có thể nói là Chúa đã bị ‘sa lầy’ vì nhân loại: Đức Giêsu đã từ bỏ phận Thiên Chúa để mặc kiếp phàm nhân- Chúa hạ mình chịu khó nghèo và vâng lời đến chết thảm trên thập tự - Chúa lại còn lập bí tích Thánh Thể để ở lại cùng nhân loại cho đến ngày tận thế - Chúa khao khát tình yêu của các tâm hồn… Hãy yêu mến thật nhiều thì sẽ được tha nhiều. Hãy đến lãnh lấy nguồn bổ dưỡng nơi bí tích Thánh Thể.

            Câu chuyện thứ ba do Đức cha Vinh Sơn kể: “Thời gian còn dạy ở Đại Chủng Viện Sao Biển, tôi đã soạn một tài liệu thần học bằng tiếng Pháp, tôi gửi sang cho vị thầy dạy Thần học trước đây – để Ngài xem có được không? Thầy đã hồi âm: ‘soạn như thế là rất tốt, nhưng trò đừng quên mất đặc ân âm nhạc nhé!”. Thiên Chúa ban cho mỗi người những khả năng mà người khác không có. Vậy đừng để nó uổng phí mà không dùng đến.

            Vào dịp tĩnh huấn các ca trưởng năm 2009, các bài hát được hát trong Thánh lễ là của các nhạc sĩ trong giáo phận. Đức cha nhắc nhở là chúng ta phải mạnh dạn sáng tác, các ca trưởng cứ can đảm sử dụng những sáng tác của ‘nhà mình’, đừng luôn nghĩ rằng nhạc ‘nhà mình’ không hay bằng của các nhạc sỹ lớn… Khi ta không viết lách – sáng tác với lý do là mình tài mọn hoặc quá bận rộn…, ta cứ tưởng như thế là vì tính tự ti – khiêm tốn. Không phải đâu, vì ta tự đề cao mình và khả năng của mình quá, nên không dám viết lách - sợ người khác chê nếu không đạt, như thế là tự tôn rồi. Hãy nỗ lực cộng tác sức mình để làm vinh danh Chúa. Dĩ nhiên những bài hát phải được ‘kiểm duyệt’ trước khi lưu hành rộng rãi.


            Câu chuyện cuối cùng là một phân tích tâm lý của người Việt mình của một tờ báo: “Người Việt mình (ở Hải ngoại cũng như trong nước), luôn có khuynh hướng ‘co cụm’: không muốn quan tấm đến quốc sự, Giáo phận hay giáo xứ, ai sao mặc họ - miễn là để yên cho tôi hành đạo”. Chúng ta nên cố gắng mở rộng sự quan tâm đến những lãnh vực rộng lớn hơn là cá nhân – gia đình – xứ đạo – giáo phận… để hướng đến cộng đồng dân tộc cũng như giáo hội hoàn vũ, vì tôi không nên thánh một mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét