Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Đề thi văn.





Tựa đề thi môn ngữ văn kỳ thi đại học năm 2009 như sau: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”. Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

            Nhiều người nhận xét đề thi văn này rất hay vì phản ánh  được một thực trạng xã hội, chỉ có điều là nhiều người nêu lên vấn đề tác giả của câu nói trên.

            Tôi nghĩ một bài văn hay thường phải có một ý hướng trong sáng – hợp đạo đức, có những dẫn chứng thuyết phục, một bố cục hợp lý, cách dùng từ chính xác - khéo, viết câu văn đúng văn phạm… Nếu với đề văn trên, dù một học sinh lý luận khúc chiết, viết văn chuẩn, bố cục hợp lý mà lại đề cao quan niệm sống ‘lương tháng hơn lương tâm’ thì không biết có được điểm cao không nhỉ? Riêng tôi, khi đọc đề văn trên, nảy ra một vài tâm tình muốn chia sẻ:


            Rõ ràng trong Tin Mừng, Chúa nói với ta: “Có thì nói có, không thì nói không, bịa đặt và thêm thắt là do ma quỷ mà ra”. Năm 2009, Giáo hội Việt Nam đề cao giáo dục Kitô giáo trong gia đình: gia đình là nơi đào tạo những đức tính nhân bản để thành nhân đi kèm với sự thành công.Trong một chuyến AD Limina của HĐGMVN, Đức Thánh Cha Benêdictô 16 đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình và các bạn trẻ. Ngài nói:“Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, quý trọng sự trung tín và sự thật, thì gia đình trở nên trung tâm các giá trị và những đức tính nhân bản, là trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa”.
 
Cứ mỗi khi nói đến giáo dục học đường, nói đến thi cử thì ai ai cũng phải nghĩ đến sự trung thực và gian lận trong thi cử, về bằng thật và bằng giả, nói đến phao thi và quay cóp. Đối diện với mùa thi, một lần nữa, học sinh - sinh viên không chỉ trả lời với những kiến thức mình đã có mà còn phải trả lời với tiếng nói của lương tâm. Nhiều người nêu lên một thực trạng đau lòng: học đường thay vì là nơi đào luyện sự trung thực và một lương tâm thẳng thắn thì lại là nơi dạy cho các em biết gian lận! Vấn nạn “phao” trong các mùa thi phải nói là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Để giải quyết chuyện “phao” này không phải là chuyện đơn giản. “Phao” như một con virus len lỏi trong xã hội để làm hoen ố những tâm hồn trong sạch. Để đấu tranh chuyện “phao” này phải là chuyện của từng người trong xã hội chứ không của riêng ai…Học sinh - sinh viên không chỉ đối diện về chuyện lương tâm ở vài kỳ thi nhưng còn phải đối diện đến suốt cuộc đời. Khi ra trường, lập gia đình, làm việc ở các công ty - xí nghiệp, họ luôn luôn bị thách đố bởi tiếng nói của lương tâm. Học sinh - sinh viên là đội ngũ tri thức của đất nước nên cần phải có lương tâm trong sạch mới có thể đưa đất nước đi lên và thật sự phát triển được.

Báo Pháp Luật ngày 21 tháng 6. 2009, trong chuyên mục Giáo Dục đăng một bản tin như thế này : Nghiên cứu về hành vi đạo đức của Sinh viên : 41% SV không thích sống cao thượng, có 36% sinh viên đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt.  Sinh viên – là những người tương lai làm chủ đất nước ấy vậy mà có đến 36% đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt !

            Đêm chung kết của cuộc thi Miss USA 2009, Á hậu I Carrie Prejean phải trả lời về vấn đề hôn nhân đồng tính, cô đã mạnh dạn nói: “Tôi nghĩ hôn nhân là một sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà”. Carrie Prejean biết rằng câu nói trên không đúng về chính trị nhưng đúng về kinh Thánh. Nhiều người thán phục sự trung thực của cô: dám nói lên tiếng nói mà lương tâm thấy đúng – cho dù có bị thiệt thòi về quyền lợi.

            Ai cũng thấy sự trung thực trong khi thi cử và trong cuộc sống thật là cần và là nền tảng của mọi mối tương giao giữa người với người, nhưng để giữ được sự trung thực lâu dài đòi hỏi nơi bản thân ta một sự đấu tranh kiên trì, một lý tưởng sống cao đẹp và rất cần một nền tảng tâm linh – tôn giáo. Hơn bao giờ hết, gia đình phải gắng sức để gìn giữ sự trung thực và sự trong sáng của lương tâm các em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét