Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Niềm tin và những thách đố




Trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu rao giảng về những "mầu nhiệm nước Trời", có 3 đề tài đã gây nên những vấn nạn lớn và là những thách đố cho người nghe.

Vấn nạn thứ nhất là về sự tái sinh, Chúa nói người ta phải tái sinh trong thần khí. Đây quả là điều khó hiểu cho Nicôđêmô và sau nầy Thánh Phaolô cũng luôn hướng dẫn những người đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô là họ đã được tái sinh nên họ phải sống theo Thần Khí.
Vấn nạn thứ 2 là mầu nhiệm Bánh: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì được sống đời đời. Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống”. Những lời của Chúa đã làm cho nhiều người rút lui, họ nói: “Lời chi mà sống sượng thế!”.
 Vấn nạn thứ 3 là cuộc tử nạn của Chúa. Các môn đệ đều ngán ngẩm khi nghe Chúa nói về cuộc tử nạn: “Con Người sẽ bị nộp, bị xỉ vả và bị chết treo Thập giá…”. Thánh Phêrô mạnh dạn can ngăn Thầy, xin Chúa tránh cho Thầy những điều ấy và đã bị Chúa mắng: “Đồ satan, hãy lui ra đàng sau, Thầy không uống chén Cha đã định hay sao?”.

 Đọc lại lịch sử Thánh Têrêxa Hài Đồng và tiểu sử 2 vị Á Thánh là song thân của Thánh Nữ, chúng ta nhận ra một điều: chỉ mới đây thôi, chỉ trên 100 năm thôi (Lễ thành hôn của 2 vị song thân vào năm 1858), đời sống đạo đức ở nước Pháp rất cao! Bằng chứng là có rất nhiều người đi tu ở thời ấy. Bà Guérin, mẹ Thánh Têrêxa có người chị đã đi tu và bà cũng tìm mọi cách để được nhận vào dòng “Nữ tử Bác Ái”, nhưng ý Chúa lại định khác. Còn ông Martin, cha của Thánh Nữ đã muốn gia nhập tu viện thánh Bernard, nhưng vì không biết tiếng Latinh, nên đành chịu. Gia đình Thánh Nữ chỉ còn lại 5 chị em thì đều đi tu cả! Vậy mà giờ đây số người còn hành đạo ở nước Pháp rất thấp.
Hiện trạng tôn giáo ở Philippin 85% là công giáo, nhưng số người hành đạo chỉ là 25%. Còn ỏ  Đông Timor 90% là công giáo, nhưng nhiều người đang dần cải đạo sang các tôn giáo khác, vì họ không hiểu biết nhiều về giáo lý Công giáo. Những vùng có nhiều tôn giáo lớn cùng hiện diện (Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Cao đài – Hòa Hảo, Phật giáo, Nho giáo và Khổng giáo…) cùng cạnh tranh tín đồ, thì có những xung đột niềm tin và có nhiều người cải đạo.

Ngay tại Việt Nam thôi, đang dần mất đi một cách nhanh chóng những thói quen đạo đức đã có lâu đời: đi lễ và đọc kinh ở nhà thờ mỗi ngày, kinh tối sáng ở gia đình, kinh ăn cơm… để nhường chổ cho những giải trí truyền hình và sinh hoạt riêng tư của mỗi thành viên trong gia đình. Ngay các xứ di cư toàn tòng mà giờ đây nhiều nhà thờ chỉ có đông người vào ngày chủ nhật và mùa chay, còn mùa thường niên thì đang vắng dần và mất dần con chiên. Phải chăng niềm tin đang trải qua những ‘khúc quanh’ để chuyển qua một giai đoạn ‘lỏng lẻo’ hơn?. Cuộc sống luôn tạo nên những thách đố cho niềm tin, cho dù là xã hội đó theo thể chế nào và dù giàu hay nghèo. Vì đường dài luôn làm cho lữ khách mòn mỏi chân và những canh khuya luôn làm cho lính canh mệt mỏi. Thật là có lý khi Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn 10 cô trinh nữ đi đón chàng rể, tất cả họ đều đã thiếp ngủ vì mỏi mệt, nhưng vẫn có 5 cô khôn ngoan vẫn chịu khó mang theo dầu: biểu hiện của lòng mến và niềm hăng say dành cho chàng rể. Thật phúc cho chúng ta khi vẫn kiên trì tìm cách bày tỏ tình yêu của mình đối với Đức Lang Quân, miệt mài tìm gặp Ngài trong cuộc sống, kết hiệp với Ngài trong Thánh Thể và cả trong gian khó.
Có một vị truyền giáo Việt Nam được gửi sang Tây tạng để truyền giáo. Sau một thời gian ngắn học ngôn ngữ và tiếp xúc với dân chúng, nhà truyền giáo bị khủng hoảng niềm tin vì thấy cảnh lầm than của dân bản xứ, Ngài tự hỏi: “phải chăng không có Thiên Chúa?”. Và bề trên phải đưa vị ấy trở về lại Việt Nam. Nhưng trái lại cũng có những người khi có của một chút, khi trào lưu hưởng thụ đang trên đà phát triển, thì họ đã rơi vào những kiểu ăn chơi – đua đòi đến nỗi hạt giống Đức Tin phải chết ngạt.
Con cái chúng ta đang lớn lên và đang vào đời. Cuộc sống với trào lưu thế tục, với tàn phá của sự dữ và sự lan tràn của tội lỗi, với những đau khổ và hoàn cảnh nghèo túng… cũng gây ra những xung đột niềm tin, nếu niềm tin đó không vững vàng và có tư duy độc lập. Để mang theo được bình dầu bên mình, các cô khôn ngoan phải chấp nhận sự lỉnh kỉnh, phiền toái và gò bó một chút, chứ không được thong dong, dễ dãi và thoải mái như các cô kia.
Dù là ai, là cha mẹ hay con cái, nếu không học hiểu giáo lý, nếu không cầu nguyện và nếu không có sự gắn bó với các sinh hoạt giáo hội địa phương… thì con người có thể mất dần sự tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi Kinh Thánh và đi đến tình trạng khô đạo và bị cải đạo: “Liệu khi Con Người đến, còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét