Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

MỘT THÁI ĐỘ SỐNG





            Trong kinh ‘Lạy Cha’ chúng ta vẫn đọc hằng ngày: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lời cầu nguyện nầy diễn tả một thái độ tin tưởng - phó thác vào Cha nhân lành về những nhu cầu cơm ăn – áo mặc và mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của con người trên quả địa cầu nầy, kể cả những lương thực thiêng liêng.

            Tôi có một đứa con nhỏ 8 tuổi, khá lém lỉnh, những câu nói  ‘trẻ con’ của nó thường mang lại nhiều niềm vui cho mọi người trong gia đình. Và câu nói đem lại nhiều ngọt ngào nhất là những câu: “Con cám ơn ba - con cám ơn má – em cám ơn anh, chị”. Câu nói nầy phát xuất từ tâm hồn của một trẻ thơ, diễn tả lòng biết ơn một cách chân thành và có lẽ không mang tính vụ lợi. Có câu danh ngôn: “Người ta thường cảm ơn nhau để được nhận lãnh thêm”. Sự cám ơn của đứa trẻ là một thái độ biết ơn thuần khiết, chẳng cầu kỳ, chẳng vụ lợi… và điều đó làm cha mẹ vui lòng. Cha mẹ vẫn biết nó cảm ơn về một điều quá nhỏ trong chuỗi hồng ân bao la mà cha mẹ dành cho nó, nhưng cũng chẳng sao. Nếu đứa trẻ soạn ra được một bài tạ ơn đầy đủ, liệt kê chi tiết những hồng ân nó đã cảm nhận được, rồi đọc cho cha mẹ nghe để tỏ lòng tri ân, thì chưa chắc điều đó đã làm cha mẹ vui lòng: có thể đây không phải là thái độ tâm hồn mà chỉ là sáo ngữ!

            “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Trong bản dịch cũ là “xin cho chúng con rày hằng ngày dùng đủ”. Dân gian độ chế ra: xin cho chúng con thịt cá hằng ngày; … của cải dồi dào; …khỏi phải đói nghèo…. Điều quan trọng ở đây là tâm tình của một người con tạ ơn Cha vì những của ăn – của uống – của mặc hằng ngày, là thái độ biết ơn của người con trước từng hồng ân và trọn cuộc sống đối với cha mình. Lời tạ ơn này không cần cầu kỳ- đầy đủ- văn vẻ, nhưng cần nhất là thái độ biết ơn.

            Có người nghĩ: cơm bánh tôi có là do cung cầu xã hội, là do sự trao đổi công sức của tôi, là do các cơ quan từ thiên… Nhưng trên hết mọi sự, chúng ta phải nhận ra được rằng: Cha trên trời lo liệu cho ta lương thực hằng ngày thông qua những cơ cấu xã hội. Và vì thế, phải dâng lời tạ ơn Chúa.

 Hãy tạ ơn Chúa mỗi lúc có thể. Hãy chọn thái độ khiêm tốn, phó thác và tạ ơn vì bầu trời xanh, vì những hạt mưa mát mẻ và cần thiết, vì bầu trời lung linh muôn vì sao, vì vẻ diễm lệ của chị Hằng Nga – gợi cho lòng người bao cảm xúc ngọt ngào. Tạ ơn khi một ngày đang trôi qua, về những thành quả lao động, về những cuộc gặp gỡ trong ngày, về những nụ cười và những lời thân ái tha nhân trao cho ta. Tạ ơn vì những tiếng chim ca, vì những làn gió thổi, về cả những điều không vui và không may. Hãy học tạ ơn và vui lòng chấp nhận cả những đau đớn nơi thân xác cũng như trong tâm hồn, cả những thánh giá tha nhân tạo cho ta, và cả chị chết – khi đến giờ Chúa gọi ta.Ông Gióp đã thốt lên: “Thân trần truồng, tôi sinh ra từ lòng mẹ. Tôi sẽ trở về đó, cũng trần truồng. Chúa đã ban cho – Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận ơn lành từ tay Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?”

Thực ra, nếu đứa con không cảm ơn cha mẹ, thì cha mẹ vẫn lo liệu cho nó đến nơi đến chốn, đầy đủ và hạnh phúc, và còn trao lại cho nó cả gia sản. Có những đứa trẻ không nói lên lời cảm ơn cha mẹ vì nó ngại hoặc vì nó nghĩ: cha mẹ cũng chỉ chu toàn bổn phận thôi. Nhưng nếu đứa con biết thưa với cha mẹ những tiếng ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’ thì nó làm cho cha mẹ vui sướng và biểu lộ một nhân cách. Vì một trong những thước đo của nhân cách là lòng biết ơn và biết quan tâm đến người khác.

“Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” là một lời cầu xin và tạ ơn đơn sơ nhưng thật cần thiết đến nỗi chúng ta phải khiêm tốn dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày, dù cho lời tạ ơn này chẳng đầy đủ so với cả một kho hồng ân Thiên Chúa dành tặng ta. Nhưng điều Thiên Chúa cần là một thái độ sống chứ không phải là những lời sáo rỗng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét