Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

TÔI LÀ … ANH LÀ … CHÚNG TA LÀ



Đã sinh ra đời, trong thâm tâm ai cũng muốn khẳng định mình, muốn cho ‘người khác’ biết rõ về giá trị của mình.
 Nguyễn Công Trứ đã thốt lên:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
  Phải có danh gì với núi sông .
  Trót sinh ra đời thì phải có chi chi,
  chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu?…”
Con gà ganh nhau vì tiếng gáy, con vật đầu đàn thường phải trải qua những trận đấu quyết tử để giữ được vị trí thượng tôn của mình. Một trong những điều kiện để con người được hạnh phúc là được người khác tôn trọng và yêu mến, bởi đó khi mất danh dự - khi bị bôi nhọ và bị hắt hủi, nhiều người đi đến thất vọng và sầu tủi.
Bao nhiêu thảm cảnh đã xảy ra trong xã hội bởi vì một ai đó muốn khẳng định mình thì thường phải nhấn đầu người khác xuống để mình được ngoi lên. Muốn tô vẽ và làm cho mình nổi bật lên thì cách dễ dàng nhất là bôi nhọ người khác, giống như trong câu chuyện người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14). Thuở xưa, trong vườn địa đàng, ông bà nguyên tổ đã không thích ‘an phận’ với những điếu thiện hảo mà Thiên Chúa đã ban tặng, con rắn đã kích thích đúng cái mơ ước thầm kín của họ là ‘biết lành biết dữ - sẽ nên như Thiên Chúa’. Còn giữa các môn đệ Đức Giêsu luôn nảy sinh vấn nạn: Ai là người quan trọng nhất trong họ (Lc 9,46), ai là người được ngồi bên hữu trong nước trời? Xem ra câu nhu cầu tự khẳng định mình và tập thể mình vẫn luôn là một nhu cầu mãnh liệt và luôn tiềm ẩn trong từng người và trong từng tập thể. Vấn đề là chúng ta phải tìm cách xử lý ‘nhu cầu’ này ra sao cho hợp lẽ.
Công bằng mà nói thì nhờ có khát vọng khẳng định mình - muốn mọi người nể phục và muốn lưu danh cho hậu thế, mà đa số nhân loại đã nỗ lực một cách bền bỉ với những công trình kiến trúc và các nghiên cứu khoa học… nhờ đó nhân loại mới tiến đến nền văn minh như hiện nay. Nhưng nếu từ khát vọng ‘được nổi tiếng’ mà người ta dệt mộng và rồi dùng những thủ đoạn để đạt danh vọng, hoặc người ta lấy danh vọng như là đích điểm của những nỗ lực đó, thì e rằng đôi khi họ bị vỡ mộng vì người khác không tán thưởng họ cho đúng mức. Nhưng nếu ta có khát vọng muốn làm một cái gì đó hữu ích để đời, ta nỗ lực hành động và ta nhắm đích đến là phục vụ con người và Thiên Chúa thì thật tốt đẹp biết bao, và lúc đó - khát vọng tự khẳng định đóng một vai trò là chất xúc tác cần thiết để biến bao ước mơ thành hiện thực.
Một cô dâu mới về nhà chồng, một chú tiểu mới bước chân vào chùa, một người nào đó mới đến nhận nhiệm sở… đều có một thao thức muốn thể hiện mình một cách tốt nhất, nên thường ‘xắm nắm’ một cách thái quá – hóa ra ‘lăng xăng như thằng mới đến’. Thực ra, muổn khẳng định gía trị thực của con người mình thì phải có thời gian, vì thời gian và gian khổ là thước đo của nhân cách. Trong một giáo xứ hay trong môt giáo phận, tập thể nào cũng muốn đặt câu hỏi: “Chúng ta là gì trong lòng giáo phận? Giáo xứ có xem ta ra gì hay không?”. Xem ra khi đặt vấn đề như thế, chúng ta đang tìm một chỗ đứng, chúng ta giống như các tông đồ ngày xưa – thuở còn ấu trĩ, tìm cách giải quyết vấn đề ‘ai quan trọng hơn ai, người ta đánh giá ta thế nào?”. Thực ra, trong Đạo Kitô, tìm một vị trí và một chỗ đứng không quan trọng bằng việc tìm cách bước đi: tìm cách thế để đồng hành cùng dân tộc. Xin ghi lại lời của một bài hát: “Mình chậm chân đi sau người ta, còn ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng… Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi cứ say và mê, cứ bắt tay gan lỳ chúng ta giải quyết” . Chúng ta có là gì thì Thiên Chúa – giáo phận – giáo xứ và người khác sẽ nhận ra qua những hành động cống hiến trong khiêm hạ, bền bỉ và trách nhiệm… chứ không phải là qua những đấu tranh vô bổ và to còi. Thánh Ca Philip 2,6… đã diễn tả về sự khiêm hạ của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu tuy là phận Thiên Chúa, đã tự hạ mặc lấy thân phận tôi đòi, đến nỗi bằng lòng chịu chết nhục nhã trên thập giá”. Và rất gần gũi với chúng ta là gương sáng của Mẹ Têrêxa Calcutta, một người đàn bà nhỏ bé - với bộ áo giản dị của người nghèo và đã dấn thân làm những việc không ai muốn làm - là làm một cái gì đó cho những người bị xã hội ruồng bỏ; mẹ không tìm khẳng định cho mình một chỗ đứng trong xã hội, mà mẹ chỉ tìm cách bước đi trong lý tưởng phục vụ, nhưng cả thế giới đều phải cúi đầu trước tấm lòng vĩ đại của mẹ.
Ngạn ngữ Trung Quốc  có câu :
- Người biết đạo, tất không khoe. Người biết nghĩa, tất không tham. Người biết đức, tất không thích tiếng tăm lừng lẫy.
Hay như :
-Người đi không cầu cho có bóng mà bóng tự nhiên theo. Người kêu không cầu cho có tiếng dội mà tiếng dội vẫn vang. Vì thế, người quân tử chỉ cần làm nên công rồi danh ắt sẽ đến.
Trong năm Đức tin, mỗi người được mời gọi thể hiện niềm tin trong cuộc sống hằng ngày. Niềm tin vào Thiên Chúa nhân lành được thể hiện qua tình bác ái huynh đệ, có nghĩa là chúng ta tạo được một sự hài hòa giữa ‘tôi là… – anh là …và chúng ta là…’

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét