Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

ÔI GIÊSU HỠI NGUỒI LÀ AI - NGƯỜI LÀ AI GIỮA CUỘC ĐỜI NẦY ?





Chuyện đã xảy ra cách đây 2000 năm, ngay lúc Chúa sống lại, các lính canh hốt hoảng chạy về báo tin cho các thượng tế và ký lục hay biết sự thật. Họ liền nhất trí với nhau : lính canh nhận tiền thưởng và có nhiệm vụ phao tin là trong lúc họ đang ngủ thì môn đệ Giêsu đã đến lấy trộm xác. Thế là tin đó được loan đi...
Khoảng 30 năm sau, tức là khoảng năm 65, Tin Mừng Đức Giêsu – Đấng Cứu Thế được loan đi khá rộng rãi khắp miền Tiểu Á và sang tận Roma. Có nhiều kẻ đã tin vào Danh Đức Kitô, họ đã chịu phép rửa... Thế nhưng, chính Thánh Phaolô đã viết : « giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói với anh em : có nhiều người trong anh em sống thù nghịch với Thập Giá, đích cùng của họ là diệt vong , chúa tể của họ là cái bụng, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất (Philip 3,18).
Nhưng cũng vào thời điểm đó Thánh Phaolô có những tuyên bố đầy xác tín :VÌ CHÚNG TA, ĐỨC KITÔ ĐÃ VÂNG LỜI CHO ĐẾN CHẾT TRÊN THẬP GIÁ. “Trong khi người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh: cớ vấp ngã cho người Do Thái, sự điên rồ với dân ngoại; nhưng với những ai được kêu gọi, cho dù Do Thái hay dân ngoại thì Đức Kitô vừa là quyền năng vừa là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cor 1,22-24). Cái chết của Chúa Kitô mang một tầm quan trọng hoàn vũ. “Một người đã chết vì mọi người”: cái chết của Chúa Giêsu mang lại một ý nghĩa mới cho cái chết của mỗi người dù nam hay nữ.


Trong cái nhìn của Thánh Phaolô, thập giá mang một chiều kích vũ trụ. Chúa Kitô đã phá đổ sự ngăn cách: hòa giải con người với Thiên Chúa và con người với nhau, Người đã tiêu diệt sự hận thù (Eph 2,14-16). Dựa vào đó, truyền thống sơ khai đã khám phá cây thập giá có chiều thẳng đứng nối trời với đất và chiều ngang nối mọi người thuộc mọi dân tộc. Hy tế thập giá là một biến cố vừa mang tính vũ trụ vừa mang tính cá nhân: “Ngài yêu tôi và phó nộp mình vì tôi” (Galat 2,20).Thánh Tông Đồ viết: “mỗi người đều được Chúa Kitô hiến thân cho” (Rom 14.15)


            Thánh Phaolô đã dựng cây thập giá lên ngay trung tâm của Giáo Hội, giống như cột buồm chính ở giữa con tàu. Thập giá là nền móng và đã trở nên tâm điểm của mọi giá trị và mọi sứ điệp Kitô giáo. Thời Thánh Phaolô viết các thư thì thập giá vẫn mang một ý nghĩa sỉ nhục khủng khiếp, điều mà một người có giáo dục không nên bàn luận tới. Vậy mà Thánh nhân đã mạnh dạn tuyên bố: “Phần tôi, ước gì tôi đừng vinh vang (nơi một điều gì), trừ phi là nơi Thập Giá Đức Kitô (Gal 6,14). (Tư liệu: bài chia sẻ thứ 6 tuần thánh của cha Cantalamessa. Ze090410)

            Bước qua thế kỷ 21, số người tin nhận Chúa Kitô khoảng 2 tỷ (1/4 dân số thế giới), nhưng thử hỏi họ ‘tin’ như thế nào ? Tại các nước Châu Âu, bao nhiêu phần trăm còn hành đạo và còn đến nhà thờ hàng tuần. Cách đây vài năm, các phương tiện xe cộ công cộng ở Luân Đôn và một số thành phố lớn Châu Âu đã treo biểu ngữ quảng cáo như sau :

"There's probably no God. Now stop worrying and enjoy your life”.
Điểm nhấn của biểu ngữ trên không phải nằm ở phần đầu, “không có Thiên Chúa », nhưng là ở phần sau: « hãy vui hưởng cuộc đời ». Điều họ muốn nói lên là: chính niềm tin vào Chúa ngăn cản ta vui hưởng cuộc sống; niềm tin là kẻ thù của hạnh phúc – Câu biểu ngữ trên có một điều không tương hợp: “Có lẽ Thiên Chúa không hiện hữu”. Như thế, vẫn có thể có Chúa, người ta không thể loại trừ hẳn khả năng vẫn có Chúa. Mà nếu không có Chúa thì tôi cũng chẳng mất gì cả, nhưng nếu ngược lại, nếu Chúa hiện hữu, thì anh bạn vô thần của tôi bị mất tất cả! Xin cảm ơn, vì nhờ câu biểu ngữ nầy mà nhiều lương tâm được thức tỉnh.
Ngay trong xứ đạo tôi, một xứ đạo toàn tòng - dân đạo gốc - con nhà gia giáo vẫn có những người ‘bỏ đạo’ vì quá đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái... Họ vẫn làm dấu khi ăn cơm, vẫn thúc giục vợ con đi lễ và ngắm nguyện, nhưng chính họ thì đã bỏ lễ và xưng tội lâu năm, vì không thể từ bỏ tội lỗi mà bước theo Chúa Kitô.
Người Công Giáo Việt Nam vẫn lấy làm khắc khoải khi không nâng tỷ lệ người có đạo (7%) lên được! Nhưng cũng thật đáng buồn khi thấy có nhiều người lại không sống đạo và nguội lạnh với nhà thờ. Ta nghe con số 7% thấy ít, nhưng nếu con cái mình đi học ở một trường nào đó ở thành phố, trong lớp 43 em thì chỉ có 3 em là có đạo, thì mới thấy lẻ loi (nhưng đúng là 7% dân số).


Chúng ta đã tuyên xưng: ĐỨC KITÔ ĐÃ CHẾT VÀ ĐÃ PHỤC SINH. ALLELUIAH!

Một nhà tu đức đã viết :
Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tạị đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Calvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây hơn 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta”.

Ở bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, luôn luôn vẫn có những người tin nhận Đức Kitô là cứu Chúa của mình, nhưng cũng có những người thấy rằng Chúa Kitô cản trở họ ‘sống vui vẻ, và có những người khác cho rằng tin vào Đức Kitô là một trỏ nhảm nhí.
ĐỨC KITÔ VẪN LÀ MỘT, HÔM QUA CŨNG NHƯ HÔM NAY.
NGÀI LÀ AI LÀ TÙY VIỆC LỰA CHỌN CỦA MỖI NGƯỜI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét